Thông tin tiếp vụ việc triệt hạ rừng Quốc gia Đền Hùng:

Vụ phá rừng đặc dụng đền Hùng: Hé lộ những thông đầu tiên về thủ phạm

14/03/2012 13:14
Điều tra của Bá Ước
(GDVN) - Mới đây, qua xác minh thực tế tại những cơ quan có trách nhiệm quản lý, bảo vệ khu di tích đã hé lộ thủ phạm, động cơ phá rừng…
Như báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh trong số báo trước vụ việc hàng nghìn m2 rừng đặc dụng Đền Hùng bị tàn phá. Mới đây, qua xác minh thực tế tại những cơ quan có trách nhiệm quản lý, bảo vệ khu di tích đã hé lộ thủ phạm, động cơ phá rừng…

Hình ảnh khoảng rừng trên núi Nghĩa Lĩnh chưa bị chặt.
Hình ảnh khoảng rừng trên núi Nghĩa Lĩnh chưa bị chặt.
Núi Hùng uy nghi được bao phủ thảm thực vật gồm 32ha rừng đặc dụng. Năm ngôi đền thiêng liêng là Đền Hạ, đền Giếng, đền Trung, đền Thượng nằm xen lẫn trong những tán lá xanh mướt của hàng trăm loại cây quý hiếm nằm trong sách đỏ ViệtNam. Tuy nhiên, đó là “mặt tiền” của khu di tích, còn phía sau núi Hùng thì sao? Cả nghìn m2 rừng đặc dụng đã bị triệt hạ, đa số các cây bị đốn hạ đều bị đánh bung gốc tạo thành một con đường nhặn nhụi rộng khoảng 2-3m2 kéo dài từ chân lên tới đỉnh núi Hùng. Đâu đó bên vệ “đường”vẫn còn những cây bị đốn hạ chỉ còn lại trơ gốc trông đến thảm hại.
Trong 2 năm, 2010 và 2011 đã có khoảng gần 1000 tỷ đồng được đầu tư để trùng tu, tu bổ di tích đền Hùng. Khác với công trình tu bổ Đền Hạ, Đền Giếng sử dụng nguồn vốn cung tiến của UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Quảng Ninh, hai công trình sửa chữa tôn tạo Đền Thượng và Đền Trung lại hoàn toàn dùng vốn ngân sách nhà nước. Kinh phí đổ vào hai công trình này trong vòng hai năm qua cũng khoảng trên dưới “bảy mươi tỉ đồng”.

Trong đó, riêng ngân sách dành cho Đền Thượng là “ba mươi nhăm tỉ bảy trăm linh bảy triệu đồng”.  Ban Quản lí Khu di tích đền Hùng được UBND tỉnh Phú Thọ giao làm chủ đầu tư cả hai dự án tôn tạo Đền Thượng và Đền Trung. Ở cương vị Chủ đầu tư, BQLKDT đã kí hợp đồng cùng Công ty cổ phần Tu bổ di tích và thiết bị văn hóa TƯ thi công hầu hết những hạng mục chính, hợp đồng với Viện Bảo tồn Di tích – Bộ VH thể thao và Du lịch làm đơn vị khảo sát lập thiết kế bản vẽ, thi công, dự toán các hạng mục gói thầu.
Chưa đề cập đến việc thi công các hạng mục xây dựng, ở đây chúng tôi chỉ quan tâm đến phần dự toán, phương pháp thi công và trọng tâm là dự toán vận chuyển vật liệu xây dựng của hai dự án Đền Thượng và Đền Trung. Do đặc thù quần thể Di tích Đền Hùng nằm trên khu vực rừng đặc dụng nên khi thiết kế  thi công, những đơn vị có trách nhiệm đã phải xây dựng phương án vận chuyển VLXD bằng cách “cõng”  theo đường bậc thang  lên đỉnh núi Hùng (nơi tu bổ đền Thượng và đền Trung) nhằm giảm thiểu ô nhiễm, không làm ảnh hưởng đến môi sinh của rừng già.

 Chính vì vậy, phần dự toán riêng cho chi phí vận chuyển  mỗi hạng mục công trình đều chiếm một khoản tiền khá lớn. Ví dụ, hạng mục Đền chính – một trong bảy hạng mục  ở công trình tu bổ Đền Thượng bảng dự toán chi phí vận chuyển vật liệu lên đã hết “ba trăm sáu mươi chín triệu đồng”, vận chuyển vật liệu xuống lại mất thêm “một trăm năm tư triệu” đồng nữa. Một hạng mục đã tốn tới “năm trăm triệu đồng” chỉ để vận chuyển vật liệu lên xuống vậy còn sáu hạng mục khác sẽ hết bao nhiêu?

Hình ảnh khoảng rừng trên núi Nghĩa Lĩnh đã bị chặt.
Hình ảnh khoảng rừng trên núi Nghĩa Lĩnh đã bị chặt.

Nếu cộng tổng chi phí vận chuyển tất cả các hạng mục thuộc  hai dự án, mức tiền công “cõng” vật liệu lên núi có thể lên tới “năm – bảy” tỉ đồng. Tuy nhiên, dù có phải chi đến “mười – hai mươi tỉ” để bảo vệ  chốn linh thiêng của cả dân tộc thì đó vẫn là cái giá quá rẻ. Và bản dự toán chi phí đã thể hiện rất rõ rằng Nhà nước đã chi ngân sách để đảm bảo việc thi công không ảnh hưởng đến môi trường rừng đặc dụng. Nhưng tiền ngân sách vẫn chi mà kết quả hoàn toàn ngược lại. Rừng vẫn bị phá tan hoang.

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ của Khu di tích cho biết: Đã từng có cán bộ cấp cao của Trung ương, hay đồng chí Bí thư tỉnh ủy khi đi thăm đền Hùng gọi lãnh đạo Khu di tích nhắc nhở, nghiêm cấm không được phép chặt phá cây tại rừng đền Hùng.

Thậm chí, cả những cây mọc sát đường đi cành lá sum xuê xòe ra đường nhưng Bí thư tỉnh ủy nhật định không cho chặt, dù chỉ là cành… Chỉ đạo là vậy, nhưng vì cái lợi trước mắt mà chủ thầu “xập xí xập ngầu” với Ban quản lý khu di tích để rồi đang tâm “gọt gáy” núi Hùng.

Trở lại câu chuyện chủ thầu thi công vì muốn giảm chi phí vận chuyển vật liệu đã đang tâm phá rừng. Té ra, phương án “cõng” vật liệu  theo đường bậc thang không nhằm mục đích bảo vệ rừng mà chỉ để nâng “vống”  quãng đường vận chuyển, rút tiền ngân sách.

Thực tế chiều dài quãng đường chỉ khoảng “sáu trăm” mét đường bộ cộng thêm trên “hai trăm bậc thang” khi nhân với hệ số quy đổi độ dốc quãng đường vận chuyển lên sẽ dài thêm thành “ba ngàn hai trăm năm lăm mét”, quãng đường vận chuyển xuống tính bằng “hai ngàn tám trăm mét”, tức là xấp xỉ sáu km cho cả hai chiều. Trong khi chờ tiền ngân sách rót về, Chủ đầu tư dự án cùng các đơn vị thi công âm thầm “gọt gáy” núi Hùng, thay đổi phương pháp vận chuyển từ “cõng” đường bộ sang tời vật liệu bằng ròng rọc thủ công.

Để làm được một hệ thống ròng rọc, buộc đơn vị thi công phải chặt cây, xẻ núi mở một “con đường” rộng khoảng hơn 2m từ chân lên tới đỉnh núi Hùng. Xét về quãng đường chỉ còn lại “ba trăm” mét chiều cao từ chân lên tới đỉnh núi, xét về công sá thì máy làm thay người. Bỗng dưng các khoản chi phí tính trong dự toán đã bị triệt tiêu gần hết. Mặc nhiên chủ đầu tư và nhà thầu ung dung để ra một khoản lớn.

Ngoài ra, cũng theo quan sát của phóng viên, tại đỉnh và chân núi Hùng (vị trí rừng bị chặt phá) vẫn còn ngổn ngang vật liệu thừa sau xây dựng không được dọn đi trông rất chướng tai gai mắt. Không ít khách hành hương thấy cảnh này ngao ngán nói “cửa đền mà họ còn làm thế thì…”. Tiếp xúc với người dân nơi đây, hầu hết họ đều bày tỏ thái độ bức xúc trước những việc làm xâm phạm đến Khu di tích. Sự việc trên cần được cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ.

Điều tra của Bá Ước