Vụ tiền lương EVN: Tập đoàn đang làm báo cáo lên Bộ LĐTB&XH

25/11/2011 11:25
Nguyễn Tiến
(GDVN) - Nếu tính mức lương trung bình năm 2009 của EVN là 7,3 triệu đồng/tháng, thì nó đã cao hơn 3 lần so với mức sống tối thiểu tại Hà Nội năm 2011.

Xung quanh những phát biểu đang gây "sửng sốt" trong dư luận của ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa mới đây cho rằng: "EVN đau lòng vì lương nhân viên 7,3 triệu đồng". Và theo vị lãnh đạo này thì vói mức lương bình quân của năm 2009 của cán bộ, nhân viên toàn ngành điện 7,3 triệu/người/tháng là mức tương đối thấp, nếu ở nông thôn thì có thể được, còn ở thành thị thì không thể sống được

Ông Phạm Lê Thanh "đau lòng" vì mức lương trung bình của nhân viên năm 2009 chỉ có 7,3 triệu đồng/tháng
Ông Phạm Lê Thanh "đau lòng" vì mức lương trung bình của nhân viên năm 2009 chỉ có 7,3 triệu đồng/tháng

Thế nhưng theo một công bố mới đây (ngày 25/10/2011) của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về “Báo cáo Nghiên cứu về tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu của người lao động trong khu vực doanh nghiệp của Viện Công nhân-Công đoàn” đã cho thấy những điều ngược lại với những gì mà ông Tổng giám đốc EVN vừa nói.

Báo cáo này cho biết: Theo khảo sát của Viện Công nhân-Công đoàn (thuộc Tổng liên đoàn Lao động) thì mức sống tối thiểu được cấu thành bởi 3 nhóm yếu tố gồm nhóm lương thực phẩm, nhóm phi lương-thực phẩm và xác định nhu cầu nuôi con.

Bad Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động và Tiền lương cho biết EVN đang báo cáo vụ về vấn đề này
Bad Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động và Tiền lương cho biết EVN đang báo cáo vụ về vấn đề này

Kết quả khảo sát từ tháng 4/2011 đến tháng 10/2011 tại Hà Nội (vùng I), với khẩu phần ăn đáp ứng được nhu cầu 2.300 kilô calo/ngày (gồm gạo tẻ, thịt hoặc trứng, rau, chuối, mỡ, mắm, muối, nước, gas) thì người lao động phải chi phí tới 35.300đ/ngày. Như vậy, mỗi tháng người lao động phải chi tối thiểu 1.059.000đ.

Kết quả nghiên cứu cũng cho biết, chi phí để đáp ứng mức sống tối thiểu cho người lao động vùng IV là gần 1,5 triệu đồng/người/tháng, vùng III là gần 1,9 triệu đồng/người/tháng, vùng II là khoảng 2,2 triệu đồng/người/tháng và vùng I là hơn 2,42 triệu đồng/người/tháng. Các vùng I, II, III, IV là 4 vùng lương tối thiểu do chính phủ quy định.

Như vậy với mức lương trung bình 7,3 triệu đồng/tháng năm 2009 của các cán bộ, công nhân ngành điện mà ông Tổng giám đốc của EVN đưa ra đã khiến nhiều độc giả đặt ra câu hỏi: “Không biết những nhân viên của EVN sống như thế nào mà 7,3 triệu đồng/tháng mà vẫn không đủ?”.

Một số độc giả khác lại đặt câu hỏi: “7,3 triệu đồng/tháng chỉ là mức lương trung bình của EVN năm 2009, thế còn năm 2010 và 2011 như thế nào? Chẳng lẽ năm 2010 và 2011 lương của các cán bộ, công nhân viên ngành điện lại giảm đi so với năm 2009?”.

Liên quan đến vấn đề này chiều 23/11, Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với  bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng vụ Lao động và Tiền lương (Bộ Lao động, thương binh và Xã hội). Bà Minh cho biết: “Hiện nay phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang làm văn bản báo cáo về vụ xem thông tin như thế có đúng không”?.

Trước đó Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin theo báo cáo của Cục thống kê, Bộ Lao động, thương binh và Xã hội thì mức lương trung bình 7,3 triệu đồng/tháng năm 2009 của nhân viên ngành điện đứng ở vị trí thứ 3 so với mức lương của nhân viên các ngành đứng đầu năm 2010.

Cụ thể là trong năm 2010, mức lương mức lương của các nhân viên làm trong ngành mỏ luyện kim đứng đầu trong bảng lương Việt Nam, với thu nhập bình quân là 9,2 triệu/ người/ tháng; tiếp theo đó là nhân viên của ngành ngân hàng với thu nhập 7,6 triệu/ người/ tháng, nhân viên ngành dược 7 triệu/ người/ tháng; nhân viên ngành điện tử Viễn thông là 5,5 triệu/ người/ tháng.

Nguyễn Tiến