Xả thải ra sông Cầu Bây: Biết nhưng vẫn làm ngơ?

02/11/2011 08:24
Nguyễn Tiến
(GDVN) - Việc KCN Sài Đồng B xả thải trực tiếp ra môi trường, chính quyền địa phương biết và có đưa ra đề án để xử lý. Thế nhưng..

Biện pháp bảo vệ nằm trên...giấy!

Trước thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng của Sông Cầu Bây và tình trạng KCN Sài Đồng B do Công ty Hanel làm chủ đầu tư đã và đang xả thải trưc tiếp ra sông khiến dư luận rất bức xúc. Tuy nhiên, bà con hai bên bờ sông vẫn chưa nhận được bất cứ động thái gì từ chính quyền địa phương về việc can thiệp để cải thiện môi trường.

Bao giờ mới trả lại sự trong lành cho sông Cầu Bây?
Bao giờ mới trả lại sự trong lành cho sông Cầu Bây?

Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 28/10, ông Ngô Việt Hải, Phó Phòng Tài nguyên Môi trường Quận Long Biên cho biết: Trước thực trạng ô nhiễm sông Cầu Bây, năm 2008 phòng đã lập ra đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn Quận Long Biên”, tuy nhiên cho đến nay vẫn còn đang được Hội đồng nhân dân quận chỉnh sửa.(?)

Trong đề án đã đưa một số doanh nghiệp vào giám sát, quản lý ô nhiễm, trong đó có 2 mức: Kiểm soát đặc biệt và kiểm soát thường xuyên. Mức kiểm soát đặc biệt gồm những doanh nghiệp có khả năng gây ô nhiễm cao thì phòng sẽ dùng thiết bị đo nhanh để thường xuyên kiểm tra. Khi phát hiện nồng độ nước thải hoặc khí thải vượt chỉ tiêu, phòng sẽ phối hợp với cơ quan chức năng khác kiểm tra đột suất.

Còn mức kiểm soát thường xuyên là phòng sẽ đo hàng ngày, công ty nào có mức độ ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép thì sẽ kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật.

Trong đề án cũng đưa những doanh nghiệp không phù hợp với quy hoạch, doanh nghiệp nằm trong 17 ngành nghề mà TP đưa ra hoặc doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra môi trường mức độ nguy hiểm vào danh sách kiến nghị TP di dời.

Đề án mà phòng TN-MT quận đã đưa ra hơn 10 giải pháp để xử lý tận gốc vấn đề ô nhiễm môi trường trong đó có sông Cầu Bây. Có điều, sau bao nhiêu năm người dân chịu ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm của sông Cầu Bây thì đề án này vẫn chỉ nằm trên giấy. Thậm chí bản thân ông Hải cũng chưa biết bao giờ, Hội Đồng nhân dân Quận mới chỉnh sửa xong và thông qua đề án này để cải thiện phần nào sự ô nhiễm của dòng sông.

Sông Cầu Bây ô nhiễm như vậy mà Phòng Tài nguyên Môi trường Quận Long Biên mới tiến hành rà soát và kiểm tra từ năm 2008, trên cơ sở kế thừa của các cơ quan khác. Còn từ đó đến nay chưa kiểm tra lại một lần nào để xem sông ô nhiễm đến đâu và mức độ ảnh hưởng đến đời sống của bà con hai bên bờ sông.

Liệu có di dời doanh nghiệp gây ô nhiễm?

Cũng theo ông Hải, KCN Sài Đồng xả thải trực tiếp ra môi trường Quận có biết và đã báo cáo TP. Còn vấn đề tiếp theo thì Quận chưa nắm bắt được tình hình. Để nắm bắt tốt nhất tình hình thì phóng viên phải gặp TP và Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội.

Theo đề án cải tạo môi trường của phòng Tài nguyên Môi trường, sẽ kiên quyết di dời đối với DN gây ô nhiễm môi trường, nhưng khi được hỏi là sau 14 năm xả thải trực tiếp ra sông Cầu Bây, liệu KCN Sài Đồng có nằm trong danh sách kiến nghị phải di dời không? Ông Hải cho biết, điều này rất khó trả lời, bởi thẩm quyền này thuộc về TP.

KCN Sài Đông B xả thải trực tiếp ra môi trường các ban ngành chức năng đều đã biết, nhưng để xử lý thì chưa triệt. Xung quanh việc xây dựng trạm xử lý nước thải cũng có nhiều điều đáng nói. Trong đó cái lý mà chủ đầu tư Hanel đưa ra là chuyển nhượng phần đất xây dựng trạm xử lý nước thải cho công ty TNHH thương mại Him Lam, nên giờ trách nhiệm phải xây trạm xử lý nước thải thuộc về Him Lam.

Còn cái lý mà Him Lam đưa ra là trạm xử lý nước thải nằm trong dự án lớn của công ty này, vì chưa được TP phê duyệt dư án lớn nên trạm nước thải phải chờ đến khi được phê duyệt mới xây dựng được. Giả sử, trong trường hợp dự án không phù hợp với quy hoạch của TP thì có lẽ trạm xử lý nước thải của KCN Sài Đồng B sẽ không bao giờ xây. Như thế, nước thải vẫn cứ tiếp tục xả thẳng ra sông và người dân vẫn cứ tiếp tục bị đầu độc.                                                                      

Nguyễn Tiến