Xả thải ra sông Cầu Bây: Cty Hanel đùn đẩy trách nhiệm?

01/11/2011 14:40
Nguyễn Tiến
(GDVN) -Xả thải trực tiếp ra sông hàng chục năm nhưng Công ty điện tử Hà Nội (Hanel) cho biết: Chưa biết khi nào mới xây dựng được trạm xử lý nước thải.

Qua điều tra cho thấy kể từ khi KCN Sài Đồng B đi vào hoạt động được vài năm, nước sông Cầu Bây bắt đầu bị ô nhiễm nghiêm trọng. Việc các công ty xả thải thẳng ra sông khi chưa qua xử lí như vậy đang dần giết chết dòng sông này.

Tuy nhiên với cương vị là chủ đầu tư KCN Sài Đồng B, Công ty điện tử Hà Nội (Hanel) đã không xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho KCN. Vì vậy toàn bộ nước thải của KCN không được xử lý trước khi thải ra môi trường.

Chủ đầu tư chỉ biết nhắc nhở!

Trao đổi với chúng tôi ông Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty Hanel cho biết: KCN Sài Đồng B thuộc địa phận các xã Thạch Bàn, Long Biên và Gia Thuy của huyện Gia Lâm, diện tích sử dụng đất là 97,11 ha. Ngày 11/3/1996, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 151/TTg phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kĩ thuật KCN Sài Đồng B. Sau đó, ngày 26/7/1997, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 583/TTg về việc cho phép Hanel thuê đất để đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Sài Đồng B tại huyện Gia Lâm.

Nước sông Cầu Bây đổi màu đen khi KCN Sài Đồng B đi vào hoạt độn
Nước sông Cầu Bây đổi màu đen khi KCN Sài Đồng B đi vào hoạt độn

Đến ngày 13/7/2007, Công ty Hanel đã có một biên bản thỏa thuận với Công ty TNHH Thương mại Him Lam (Him Lam), địa chỉ 2A Nguyễn Thị Minh Khai, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM về việc chuyển giao chủ đầu tư 38 ha KCN Sài Đồng B để thực hiện dự án Khu công viên Công nghệ thông tin Hà Nội.

 Trong đó có nội dung Him Lam sẽ chịu trách nhiệm xây dựng khu xử lý nước thải chung cho cả KCN Sài Đồng B và Khu Công nghệ thông tin Hà Nội tại vị trí quy hoạch mới ngay khi Khu Công nghệ thông tin Hà Nội được phê duyệt quy hoạch. Thỏa thuận này đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận bằng văn bản do Phó chủ tịch UBND TP Phí Thái Bình ký, và sau đó là Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Him Lam cam kết sẽ xây dựng trạm xử lý nước thải, tuy nhiên trạm xử lý nước thải lại nằm trong dự án Khu công viên Công nghệ thông tin Hà Nội.

Vì nhiều lý do nên cho đến bây giờ trạm xử lý nước thải vẫn chưa được xây dựng. Công ty Hanel cũng đã nhiều lần kiến nghị đến các ban ngành chức năng và đề xuất nhiều biện pháp, nhưng kể từ đó đến nay vẫn chưa có phản hồi gì. Là chủ đầu tư, Hanel cũng chỉ biết nhắc nhở các DN bảo vệ môi trường, nên không thể giải quyết vấn đề.

Lỗi tại thành phố?

Trả lời vì sao chưa thi công trạm xử lý nước thải cho khu công nghiệp, qua điện thoại một đại diện của Him Lam lại cho biết, trạm xử lý nước thải nằm trong khuôn viên Dự án Khu Công viên công nghệ thông tin Hà Nội mà Him Lam đã nhận bàn giao lại từ Hanel. Nhưng trạm xử lý nước thải này nằm trong quy hoạch 1/500 mà TP chưa phê duyệt nên chưa thể làm được. Việc Hanel chuyển giao trạm xử lý nước thải KCN không có nghĩa làm ngay được.

Hiện chưa có quy hoạch, chưa giải phóng mặt bằng, chưa có thiết kế phù hợp nên chưa thể xây dựng. Thiết kế trước đây của Hanel là quy mô cũ, không phù hợp với hiện tại và tương lai. Bởi vậy, hiện chưa thể trả lời báo chí là bao giờ xây dựng trạm xử lý nước thải vì trạm này nằm trong dự án, nhưng dự án phải được phê duyệt tổng thể, chưa được duyệt thì Him Lam không có cơ sở để xây dựng.

Khi xây dựng KCN, lẽ ra, xây trạm xử lý nước thải phải là điều kiện tiên quyết, nhưng sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, tất cả hệ thống xả thải của Hanel lại đổ trực tiếp ra sông. Đành rằng khi nhận bàn giao cho đến nay, Himlam có thể chưa làm đúng những điều kiện như trong thỏa thuận, nhưng 10 trước đó, khi chưa chuyển đổi cho Him Lam, nước thải vẫn xả thẳng ra sông Cầu Bây thì trách nhiệm này thuộc về ai?

Dù vì một lý do nào đó thì việc ô nhiễm sông Cầu Bây đang ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống của người dân hai bên bờ sông. Đó là chưa kể đến việc ô nhiễm nước sông, theo thời gian sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, mà người dân hai bên bờ sông hiện đang sinh hoạt bằng nước giếng khoan. Nếu tiếp tục xả thải trực tiếp ra sông đồng nghĩa với việc người dân đang bị đầu độc từng ngày.

14 năm trôi qua, 14 năm xả thải trực tiếp ra sông, cũng gần ngần ấy năm dòng sông đã chết. Điều này cho thấy thái độ vô cảm của con người đối với môi trường. Để tìm  hiểu sâu xa việc vì sao sau ngần ấy năm chưa xây nổi trạm xử lý nước thải thì có rất nhiều, nhưng dù nguyên nhân do dâu thì việc xả thải trực tiếp ra sông là không thể chấp nhận được. Bài học từ việc ô nhiễm dòng sông Thị Vải vẫn còn kia, chẳng nhẽ vì một nguyên nào đó mà cứ đầu độc mãi dòng sông Cầu Bây?

còn nữa...

Nguyễn Tiến