Xin đừng đem con mắt thực dụng để nhìn thày cô như thế!

22/11/2011 07:15
Chiêm Khổng
(GDVN) - 20/11 là ngày tri ân thầy, cô giáo. Quẩn quanh trong suy nghĩ của nhiều người, ngày này là ngày của “phong bì”, của những món quà nặng trĩu tay...

Song, bản thân tôi – một sinh viên, thuộc thế hệ 9X, cũng từng trải qua đời học sinh với những ngày 20/11, lại cho rằng: chúng ta đang xúc phạm tới các nhà giáo trong chính ngày mà chúng ta dành để “tôn vinh” họ.

Ly con mt “thc dng” và… "soi"

Tôi còn nhớ ngày tôi học tiểu học, món quà tặng cô chỉ là bông hoa hồng mua ở cổng trường. Ngày đó, một bông hoa có giá trị là 1 nghìn đồng, nhưng lũ trẻ chúng tôi đã phải rỉ tai mẹ từ vài ngày trước để xin khoản tiền đó. Một bông hoa với mọi người, và ngay cả bản thân tôi bây giờ, thật nhỏ bé. Nhưng vào những năm ấy, chúng tôi rất vui, tự hào và thật sự hạnh phúc vì được cầm bông hoa ấy tặng cô.

Khi lớn lên, cuộc sống cũng dần khá giả hơn, nhưng món quà tặng thày, tặng cô cũng chỉ là bó hoa, tấm áo hay đồ dùng cá nhân. Chúng tôi đi mua quà tặng thày không trong trạng thái bị thúc ép, buồn bực hay một điều gì đó khác 2 chữ “tự nguyện”. Với chúng tôi, đó là một ngày hội thực sự, ngày tôn vinh những con người đã cho chúng tôi cái chữ, dạy chúng tôi nên người, dìu dắt và đồng hành cùng chúng tôi vượt qua những thử thách học đường.

Có những ngày 20/11, cả lớp học trò 35 đứa túm tụm ở nhà thày, tíu tít ra vườn nhà hái bưởi, hái ổi rồi khế về ăn, rồi thày thày trò trò cả buổi. Thày còn cưng học sinh, đi mua thêm bao nhiêu là đồ ăn thức uống để cả lớp không bị đói. Trong khi đó, học trò hồn nhiên không hoa, không quà tặng thày, đến với thày bằng sự ngây ngô và trong sáng, để rồi thày trò gắn bó với nhau trong bao nhiêu năm. Giờ nghĩ lại tôi thấy trân trọng những ngày tháng đó.

Tôi hiểu rằng: những món quà, không làm thày, cô giàu được, không làm họ biến chất được, cái cốt tử là ở suy nghĩ của mọi người kia.

Mọi người gọi 20/11 là ngày hội phong bì, tôi rất lấy làm bức xúc. Bản thân tôi cũng không theo nghề giáo, nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại, chúng ta đang đánh đồng thày cô và chính chúng ta cũng đang sai lầm, đang thực dụng, vật chất hóa cuộc sống.

Thử hỏi, phong bì thày cô diễn ra phổ biến ở đâu? Xin thưa, thành phố thôi. Ở vùng nông thôn chúng tôi, chưa nói đến vùng xâu vùng sa nhé, thày cô làm gì nhận được phong bì. Có chăng, phụ huynh nào có điều kiện thì mới tặng thày tặng cô món quà, gọi là “tri ân”, người ta cũng không có ý nghĩ gì khác. Đừng nhìn tấm lòng người tặng và tấm lòng người nhận bằng 2 chữ vật chất! Xót xa lắm!

Đng làm ánh mt thầy cô bun

Một ngày hội tri ân nhà giáo, nhưng ầm ĩ chuyện phong bì phong bao nhan nhản trên các báo. Với tôi, đó chỉ là một phần rất rất nhỏ trong ngày này, và cũng diễn ra trong một bộ phận rất rất nhỏ phụ huynh và giáo viên.

Khi viết về những bài ấy, tại sao các tác giả không nghĩ đến những nhà giáo cả đời sống thanh bạch, như cô giáo Trần Thị Bích, trường THPT Kim Anh, Sóc Sơn, Hà Nội, 23 năm chưa bao giờ biết đến khái niệm phong bì? Tại sao mọi người không nghĩ đến những cô giáo cắm bản, ngày ngày cũng học trò nghèo vượt khó vượt khổ tìm đến cái chữ, quên đi tuổi xuân và hạnh phúc riêng để sống cùng tương lai trẻ?

Tại sao không nghĩ đến những người thầy, người cô thầm lặng cả đời, không ai biết tuổi tên đang ngày đêm miệt mài với cái chữ? Tại sao lại chỉ nhìn thấy “hội phong bì” ở một vài nơi, một vài ví dụ rồi lên tiếng đánh giá, soi xét, mà không thấy rằng đang xúc phạm những người thày chân chính một cách ghê gớm?

Thầy giáo tôi đã từng nén tiếng thở dài khi đọc những bài viết về phong bì phong bao ngày 20/11. Người bảo rằng: Nghề giáo là nghề trồng người, là nghề của những nhiệt tâm và sự cao quý. Nhà giáo nghèo, nhưng nhà giáo không sống trên mồ hôi nước mắt của học trò, nhà giáo không làm được điều đó đâu. Đừng biến ngày tôn vinh trở thành ngày của chỉ trích, bóp méo và làm phiền muộn lòng người thày.

Ngày hội tôn vinh, mà nơi này xì xào chuyện phong bì, nơi kia xì xào chuyện quà cáp. Chính chúng ta cũng đang tiêm nhiễm vào đầu con trẻ những suy nghĩ không hay, không đẹp về hình ảnh người thày, làm hình ảnh ấy méo mó và lệch lạc trong mắt trẻ thơ. Đừng để câu ca “Muốn sang thì bắc cầu kiều / Muốn con hay chữ thì yêu lấy thày” chỉ còn là cổ tích!

Chiêm Khổng