Buôn lậu xăng siêu lợi nhuận, không chỉ có Vinapco

30/11/2012 12:46
Theo Kiến thức
Không chỉ Vinapco, trong danh sách doanh nghiệp tạm nhập nhiều xăng dầu nhưng tái xuất ít, có dấu hiệu trốn thuế mà Tổng cục Hải quan công bố đầu tháng 9 vừa qua có cả Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Cty Dầu Việt Nam (PVoil), Cty thương mại Dầu khí Đồng Tháp... 

Với chiêu tạm nhập - tái xuất, một số “ông lớn” đã “giữ” được một lượng lớn xăng dầu lưu thông trong nước, mà không mất một đồng thuế.
Lắm chiêu nhiều trò
Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, hoạt động buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, nổi lên là việc lợi dụng kẽ hở trong hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Trong đó, một số “ông lớn” như Công ty Xăng dầu Hàng không (Vinapco), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVoil), công ty thương mại Dầu khí Đồng Tháp... cũng “góp mặt”. 
Theo cơ quan điều tra, các đối tượng lợi dụng tính chất đặc thù của mặt hàng xăng dầu, sự phức tạp của địa bàn rộng lớn trên biển để buôn lậu thông qua loại hình kinh doanh tạm nhập, tái xuất hòng trốn thuế. Điển hình là chiều qua (29/11), căn cứ vào kết quả điều tra, Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan đã chính thức khởi tố hình sự vụ án buôn lậu xăng xảy ra tại Vinapco và dự kiến chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an để tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, Tổng cục Hải quan cho biết, trong 4 ngày, từ 7 đến 10/7/2012, Vinapco đã liên tiếp mở 7 tờ khai tái xuất 422.000 lít xăng RON 92 tại Cục Hải quan Hải Phòng để đi cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng) giao cho khách mua hàng là Công ty TNHH Cung ứng dầu và thủy sản thành phố Bắc Hải (Trung Quốc).

Tàu Giang Châu (Trung Quốc) lợi dụng chính sách TNTX bơm hơn 2.000 tấn xăng A92 vào ba tàu của Việt Nam để tiêu thụ trên thị trường nội địa, vừa bị bắt giữ cuối tháng 7 vừa qua.Ảnh: Tiền Phong
Tàu Giang Châu (Trung Quốc) lợi dụng chính sách TNTX bơm hơn 2.000 tấn xăng A92 vào ba tàu của Việt Nam để tiêu thụ trên thị trường nội địa, vừa bị bắt giữ cuối tháng 7 vừa qua.Ảnh: Tiền Phong

Lô xăng này có trị giá 8 tỷ đồng, đã được doanh nghiệp tạm nhập và giữ trong kho chứa tại cảng Đình Vũ (Hải Phòng). Nhưng ngay sau khi mở tờ khai, 7 xe bồn chứa số hàng này đã chạy thẳng đi các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên để tiêu thụ trong 2 ngày. Qua đó, đã trốn khoảng 2,5 tỷ đồng tiền thuế. Như vậy, thực tế lô xăng RON 92 trên không tái xuất. Người mua hàng phía Trung Quốc cũng chỉ là “công ty ma”, không hề có tại địa chỉ mà Vinapco đã khai báo. 
Khi “đánh hơi” thấy bị lộ, các đối tượng buôn lậu đã “chùi mép” khá nhanh bằng cách mượn lô xăng của một công ty kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội, bơm vào đúng 7 xe bồn và đóng lại kẹp chì cũ. Ngày 1/8, họ thông qua Vinapco để làm thủ tục nhập lại 422.000 lít xăng này với lý do “không làm được thủ tục tái xuất vào Trung Quốc”. Tuy nhiên, hành vi gian lận này cũng đã bị cơ quan điều tra lật tẩy. 
Đây không phải lần đầu “ông lớn” này “trót dại” vì trước đó, lô hàng 2.000 tấn xăng dầu tạm nhập - tái xuất qua đường biển do Vinapco làm thủ tục mở tờ khai cũng bị lực lượng chống buôn lậu (thuộc Tổng cục Hải quan) bắt quả tang khi đang bơm xăng vào 3 tàu biển để tiêu thụ nội địa. Theo khai báo, lô hàng được tái xuất cho một công ty ở Trung Quốc nhưng thực tế, công ty này không tồn tại.
Buôn lậu có tổ chức?
Không chỉ Vinapco, trong danh sách doanh nghiệp tạm nhập nhiều xăng dầu nhưng tái xuất ít, có dấu hiệu trốn thuế mà Tổng cục Hải quan công bố đầu tháng 9 vừa qua có cả Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Cty Dầu Việt Nam (PVoil), Cty thương mại Dầu khí Đồng Tháp... 
Cụ thể, từ đầu năm 2009 đến 31/6/2012, tổng lượng xăng dầu tạm nhập là 9,99 triệu tấn, nhưng tái xuất chỉ hơn 8 triệu tấn. Theo đó, còn hơn 1,98 triệu tấn xăng dầu (trị giá 1,39 tỷ USD) đã “ở lại” Việt Nam, thay vì tái xuất theo quy định. 
Phần lớn lượng xăng dầu “ở lại” Việt Nam nằm ở Công ty xăng dầu hàng không (164,8 nghìn tấn), Công ty thương mại dầu khí Đồng Tháp (247 nghìn tấn), PVOil (369,2 nghìn tấn), Petrolimex (224,8 nghìn tấn), Tổng Cty Thương mại kỹ thương và đầu tư (171 nghìn tấn)…
Tính đến 4/9, có 5/13 doanh nghiệp đầu mối còn nợ hơn 192 tỷ đồng thuế. Trong đó, Petrolimex còn nợ hơn 82,6 tỷ đồng, Tổng Công ty xăng dầu quân đội nợ 50,9 tỷ đồng, Công ty xăng dầu hàng không nợ 42,6 tỷ đồng… 
Theo cơ quan chức năng, việc triệt phá, bắt giữ gặp nhiều khó khăn bởi mặt hàng xăng dầu khó xác định được hàng hóa thuộc lô hàng nào. Hơn nữa, địa bàn hoạt động buôn lậu xăng dầu lại thường diễn ra trên vùng biển rộng lớn. Thông qua hình thức tạm nhập tái xuất, các đầu nậu còn dễ dàng ngụy trang cho việc buôn lậu xăng dầu trên biển. Khi bị phát hiện, các đối tượng buôn lậu đều thòng sẵn bộ chứng từ khống để hợp pháp nguồn gốc lô hàng. Còn qua đường bộ, khi có nguy cơ bị lộ, các đối tượng mới phải dùng cách “tráo hàng” trong xe bồn và nhờ một công ty kinh doanh xăng dầu để làm thủ tục chuyển tiêu thụ nội địa, nhằm xóa dấu vết lô hàng đã bán trước đó. 
Không chỉ thế, theo một lãnh đạo Tổng cục Hải quan, trong quá trình điều tra vụ Vinapco, cơ quan này đã xác minh được một số đối tượng là cá nhân đứng sau vụ việc nhưng hiện chưa thể công bố danh tính. Điều này cho thấy, họ chủ động gian lận và chuẩn bị cả phương án hợp pháp hóa lô hàng nếu bị phát hiện. 
Cần vạch trần, công khai ô dù...
Trao đổi với PV, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, tạm nhập - tái xuất là hoạt động kinh doanh rất bình thường và có lợi cho Việt Nam. Tuy nhiên, khi tạm nhập rồi thì phải tái xuất; nếu tạm nhập mà không tái xuất là buôn lậu, trốn thuế. Vậy, các bộ ngành liên quan cần phải có những biện pháp để lợi dụng được ưu thế của chúng ta, đồng thời tránh được việc một số đối tượng lợi dụng cái đó để trốn thuế. Đấy là hai mặt của một vấn đề. 
“Gần đây, một số doanh nghiệp đã lợi dụng hoạt động kinh doanh này để lậu thuế, gây thất thu lớn cho nhà nước. Qua báo cáo thấy rằng, Bộ Công thương, Bộ Tài chính đã có phát hiện ra một số điều còn sơ hở và muốn các quy định chặt chẽ hơn. Vậy, khi đã phát hiện được vấn đề, chúng ta cần có biện pháp và có những chính sách kịp thời để xử lý thay vì ngừng tạm nhập - tái xuất hoàn toàn. Cụ thể, phải có biện pháp theo dõi sát sao, đưa ra quy chế quản lý chặt chẽ hơn, như: tạm nhập ở đâu? tái xuất như thế nào, sau bao lâu thì xuất, xuất đi đâu? chứng từ thế nào? ai giám sát?...”, ông Doanh cho biết. 
Cũng theo ông Doanh, quy định nào cũng có khe hở nên khâu giám sát quá trình thực thi là rất quan trọng, nếu thiếu hoặc coi nhẹ ắt sẽ tạo ra lỗ hổng. Hiện, nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng tạm nhập - tái xuất, nước ta nên tham khảo kinh nghiệm của họ, xem xét, tạo điều kiện cho hải quan thực hiện đúng nhiệm vụ của mình. 
Ông Doanh nhận định hành vi buôn lậu, trốn thuế khiến Nhà nước giảm thu, gây méo mó thị trường, nghiêm trọng hơn là tạo ra sự hư hỏng trong đội ngũ cán bộ. Cơ quan chức năng cần xem xét và xử lý theo mức độ vi phạm. Đồng thời, làm rõ đưa ra công luận những cá nhân đứng sau, dung túng cho các doanh nhiệp có hành vi gian lận. 
“Kỳ họp quốc hội vừa qua, Tổng Bí thư đã nói đến lợi ích nhóm. Theo đó, nếu có phải nói rõ là ai, thủ đoạn đó như thế nào và nên đưa lên báo chí để toàn dân được biết. Chỉ có đưa lên báo chí, mọi việc mới sáng tỏ, chứ cứ để trong bóng tối không làm được gì cả”, ông Doanh nhấn mạnh.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo Kiến thức