"Cho người nước ngoài mua nhà là cách hữu hiệu giải phóng BĐS tồn kho"

24/04/2013 10:47
Bình An
(GDVN) - TS Hiếu cho rằng: “Nên mở rộng cửa để cho người nước ngoài, Việt kiều mua nhà tại VN, đây được xem là một giải pháp hiệu quả nhất để giải phóng lượng hàng bất động sản tồn kho, đặc biệt là phân khúc cao cấp”.
Theo nghiên cứu của Tập đoàn Dragon Capital, hiện tổng bất động sản tồn đọng của cả Hà Nội và TP.HCM lên tới 70.000 căn hộ. Mặc dù, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ thị trường BĐS trong đó có “gói cứu trợ” 30 nghìn tỷ đồng nhưng bài toán giải phóng hàng tồn kho vẫn đang khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản đau đầu, chóng mặt. Trước đó năm 2008, Quốc hội đã ra Nghị quyết 19/2008/QH12 về việc thí điểm cho tổ chức cá nhân nước ngoài mua nhà, sở hữu nhà tại Việt Nam trong thời hạn 5 năm. Một năm sau đó, Chính phủ có Nghị định 51/2009 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết này.
Phân khúc chung cư cao cấp, biệt thự ở những khu đất vàng hút người nước ngoài và Việt Kiều
Phân khúc chung cư cao cấp, biệt thự ở những khu đất vàng hút người nước ngoài và Việt Kiều
Tuy nhiên, sau 5 năm thí điểm, đến nay chính sách đã bộc lộ rõ những hạn chế mà điển hình là việc bó
hẹp đối tượng được mua nhà, thủ tục rườm rà và chỉ được mua nhà để ở. Theo thống kê của Cục Đăng ký và thống kê (thuộc Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường), tính đến tháng 2/2013, cả nước chỉ có 427 trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam Chuyên gia Tài chính-Ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết: Ông đã trở về Việt Nam làm việc 4 năm (TS Hiếu là Việt kiều Mỹ) nhưng  vẫn phải đi thuê nhà vì thủ tục cho Việt kiều mua nhà tại Việt Nam còn nhiêu khê, rắc rối. TS Hiếu cho rằng: “Nên mở rộng cửa để cho người nước ngoài, Việt kiều mua nhà tại VN, đây được xem là một giải pháp hiệu quả nhất để giải phóng lượng hàng bất động sản tồn kho, đặc biệt là phân khúc cao cấp”. Theo nhận định của TS Nguyễn Trí Hiếu, người Việt Nam với thu nhập trung bình còn thấp, nhu cầu mua nhà để ở chỉ là những căn hộ có giá từ 700 triệu đồng đến 2 tỷ. Còn những dự án siêu sang, biệt thự liền kề có giá hàng tỷ đồng ở những khu đất vàng như Mỹ Đình, Cầy Giấy, Tây Hồ... chỉ có một số ít giới thu nhập cao, người nước ngoài hoặc Việt kiều mới có khả năng tài chính để mua. Trên thực tế, những khu vực này thực sự hấp dẫn đối với người nước ngoài. Tâm lý hạn chế người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là vì sợ bị thâu tóm bởi các tập đoàn tài chính đa quốc gia, TS Hiếu cho rằng đất đai không có chân, không phải là sản phẩm có thể mang từ nơi này sang nơi khác được nên việc thâu tóm là không dễ. Thực tế, những năm đầu thập niên 80, bong bóng BĐS ở Mỹ bị nổ, hàng loạt công ty tài chính của Nhật Bản đã vào mua, chính người Mỹ cũng lo lắng rằng Mỹ sẽ trở thành quốc đảo của Nhật Bản. Nhưng điều lo lắng đó đã không xảy ra, khi kinh tế thoái trào vực dậy, người Nhật bán lại tài sản đất đai họ đã thu mua trước đó cho người Mỹ, đất của người Mỹ vẫn trên đất nước của họ. Tại Singapore, người nước ngoài chỉ không được mua nhà xã hội. Không những không có hạn chế nào đối với việc người nước ngoài sở hữu căn hộ, thực tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang khủng hoảng, Singapore lại mở rộng luật về sở hữu bất động sản cho người nước ngoài và cho phép người nước ngoài được mua cả biệt thự gắn liền với đất ở những khu vực được quy hoạch ví dụ điển hình là biệt thự đất nền tại đảo Sentosa, nhắm đến những nhà đầu tư nước ngoài. Người nước ngoài mua nhà bị đánh thuế hằng năm tùy theo giá trị căn nhà. Nhờ đó, thị trường BĐS càng phát triển và nhà nước thu được nhiều thuế. Cũng liên quan đến những chính sách cho cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, đối với người nước ngoài làm việc tại nước ta, việc mua một hay một vài căn nhà tại Việt Nam để sinh sống, làm việc là nhu cầu tất yếu của họ nhưng hiện luật pháp chúng ta đòi hỏi quá nhiều chỉ tiêu, giấy tờ thủ tục khiến họ chưa mua nhà đã thấy mệt. Mở các điều kiện này ra để người nước ngoài có thể mua được nhà tại VN là đúng, điều này phần nào tạo thêm sức mua cho hàng loạt căn hộ phân khúc cấp cao đang dư thừa tại VN.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Bình An