AVG và VFF đã vi phạm luật đấu thầu?

01/01/2012 11:00
N.T (Thể thao 24h)
Một luật sư cho hay trong hợp đồng giữa VFF và AVG về bản quyền truyền hình có dấu hiệu vi phạm luật đấu thầu.
Luật đấu thầu, trong đó có mục 2 điều 18 Đấu thầu rộng rãi: “Trước khi phát hành hồ sơ mời thầu, bên mời thầu phải thông báo mời thầu theo quy định tại Điều 5 của Luật này để các nhà thầu biết thông tin tham dự. Bên mời thầu phải cung cấp hồ sơ mời thầu cho các nhà thầu có nhu cầu tham gia đấu thầu. Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”.

Bóng đá là một thứ hàng hóa, bản quyền truyền hình cũng là một thứ hàng hóa. Câu hỏi là tại sao VFF không đấu thầu thay vì chỉ chọn 1 nhà thầu với giá rẻ đến như vậy?
Có dấu hiệu vi phạm luật đấu thầu?
Có dấu hiệu vi phạm luật đấu thầu?

Sự mập mờ này còn thể hiện ở việc, khi đàm phán và ký kết hợp đồng với AVG, VFF đã không thông báo cho các đối tác truyền thống của họ là VTV và VTC. Trở lại thời điểm cuối năm 2010, ông Nguyễn Thành Lương - phó Tổng giám đốc VTV cho biết: “VFF không thông tin cho chúng tôi về sự việc này. Theo thông lệ kinh doanh, người ta nên thông báo trước cho khách hàng truyền thống của mình biết trước một thời gian để có thể đàm phán, thương thuyết.

Chúng tôi biết thông tin này qua báo chí. Từ tháng 8-2010, chúng tôi đã hai lần gửi công văn cho VFF với nội dung: khẩn thiết đề nghị VFF suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi đặt bút ký hợp đồng mua bán với AVG, và lưu ý VFF, với tư cách một tổ chức xã hội - nghề nghiệp hiện vẫn được Nhà nước duy trì ngân sách để hoạt động, nên ưu tiên bản quyền cho việc phục vụ công chúng rộng rãi. VFF đã trả lời công văn thứ nhất là họ đang cân nhắc về giá cả và các điều khoản. Chúng tôi tiếp tục gửi công văn khẩn lần thứ hai nhưng không có hồi âm
”.


Cũng thời gian này, VTC cũng không hề nhận được thông báo, ông Vũ Quang Huy nói:  “Là đại diện của VTC, tôi thật sự ngạc nhiên về việc VFF đã bán bản quyền 20 năm của V-League cho AVG mà không hề gửi thông báo cho chúng tôi biết trước khi bán. Lẽ ra trước khi bán cho người khác, VFF phải hỏi những khách hàng truyền thống đã theo mình bao năm như VTC rằng có người khác hỏi mua chúng tôi với giá như thế này đấy, các ông có mua được giá cao hơn họ không. Nếu chúng tôi không đủ tiền mua với giá như AVG thì họ bán cho AVG cũng là điều dễ hiểu, đằng này khi họ bán cho AVG cũng không hề hỏi chúng tôi câu nào. Đây đúng là sự bội bạc của VFF”.

Và bây giờ, khi VTV đưa ra mức giá 20 tỷ (tức gấp 3 lần giá trị mà VFF ký với VPF) trong một bản hợp đồng chỉ có 3 năm, người ta mới thấy VFF hố như thế nào khi quàng vào cổ một hợp đồng rẻ nhưng có thời hạn lên tới 20 năm.

Liệu VFF có thật vì bóng đá Việt Nam?
N.T (Thể thao 24h)