Bầu Đức: “Chủ tịch VFF phải có Tâm, Tài, Tiền...”

02/05/2013 07:45
Theo Công Tuấn/Pháp luật TP. HCM
Bầu Đức đã chia sẻ những suy nghĩ của ông về những ứng cử viên cho chức chủ tịch VFF trước thềm Đại hội lần VII.
Ông chủ của CLB HA Gia Lai, Phó Chủ tịch VPF Đoàn Nguyên Đức đã nói rất thẳng và thật về cách lựa chọn người đứng đầu VFF vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam…* Có lần VFF gợi ý mời ông làm trưởng đoàn bóng đá Việt Nam tham dự SEA Games, AFF Cup và cũng có lúc Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ mời ông lên làm chủ tịch, sao ông không làm? Tôi khẳng định mình có thừa khả năng làm chủ tịch VFF nhưng vấn đề lớn nhất là tôi không có thời gian nên không nhận chứ tôi không ngại. Hơn nữa, tôi biết có nhiều người làm tốt hơn tôi bởi họ quen việc rồi. Cái chính là với tư cách của một người yêu bóng đá, tôi luôn đứng sau hỗ trợ cho sự phát triển ấy.* Tiêu chí bầu chủ tịch VFF lần này, theo như ông Hỷ tiết lộ, ngoài năng lực quản lý, tập hợp cấp dưới còn là biết kiếm tiền? Đúng quá! Làm bóng đá nhất thiết phải có tiền, ngoài hai yếu tố bắt buộc là cái tâm và tài của người đứng đầu.* Ông nghĩ sao về quan điểm người đứng đầu tổ chức xã hội như VFF phải là cán bộ nhà nước? Cụ thể là Bộ VH-TT&DL giới thiệu Thứ trưởng Lê Khánh Hải ứng cử trong lúc ông Hải đã hơn hai lần từ chối và tự nhận không hiểu biết nhiều về bóng đá? Thời buổi này mà còn có kiểu tư duy như thế thì lạc hậu quá! Bóng đá là một tổ chức xã hội, không cần người của Nhà nước. Đưa người Nhà nước vào thì phí đi. Bóng đá Việt Nam phải trả lại cho người của bóng đá. Hơn nữa, nếu nói về yếu tố Nhà nước thì như ông Lê Hùng Dũng (Phó Chủ tịch VFF ứng cử chức chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII) xuất thân từ cái nôi cách mạng, đã 42 năm tuổi Đảng. Nghĩa là anh ấy có 42 năm làm việc, cống hiến cho Nhà nước rồi còn gì. Vấn đề là ông Dũng là người biết tìm ra tiền cho bóng đá, có tiếng nói trọng lượng với nhiều giới, biết tập hợp anh em và quan trọng hơn là hiểu biết rõ về bóng đá sau nhiều năm ở VFF.
Ông Đoàn Nguyên Đức và ông Lê Hùng Dũng cùng là phó chủ tịch VPF, cùng thực hiện việc mang Arsenal đến Việt Nam thi đấu và cùng ủng hộ nhau làm bóng đá.
Ông Đoàn Nguyên Đức và ông Lê Hùng Dũng cùng là phó chủ tịch VPF, cùng thực hiện việc mang Arsenal đến Việt Nam thi đấu và cùng ủng hộ nhau làm bóng đá.
* HA Gia Lai cũng có một phiếu bầu chủ tịch VFF, ông sẽ chọn ai?  Dĩ nhiên tôi chọn ông Lê Hùng Dũng. Những việc ông Dũng làm cho VFF rất tuyệt vời. Tôi dám cược người khác làm chủ tịch VFF thời điểm này không bao giờ làm được như những gì ông Dũng đã làm. Lúc khó khăn thế này mà ông ấy còn kiếm cho VFF 50 tỉ đồng để tổ chức giải và kéo thêm nhiều tài trợ khác nữa. Tôi nói người khác làm chủ tịch sẽ thất bại vì họ không hội tụ những điều kiện và môi trường như ông Dũng.* Nhưng dư luận vẫn có những suy nghĩ khác về ông Lê Hùng Dũng, như cái cách ông ấy xin tiền về cho bóng đá nhờ vào tư cách chủ tịch HĐQT Eximbank tài trợ cho các giải đấu chứ không phải là dùng bóng đá đẻ ra tiền? Tôi không hề bênh vực ông Dũng vì bạn bè mà chỉ suy ra nhiều yếu tố có lợi cho bóng đá Việt Nam, không phải lợi ích cho cá nhân ai cả. Ông Dũng là doanh nhân thành đạt, cần gì cái chức ấy nhưng tôi biết ông rất đau đáu với nền bóng đá nước nhà. Tôi dám nói cả nước mình ngay trong giai đoạn này không ai làm chủ tịch VFF tốt hơn ông Dũng.* Theo ông cảm nhận sau sáu nhiệm kỳ VFF, tám người Nhà nước từng đứng đầu tổ chức xã hội này có tạo ra nhiều dấu ấn cho bóng đá Việt Nam và ông kỳ vọng gì ở Đại hội VFF khóa VII? Gần như không thấy! Sau này cơ chế có nhiều thay đổi, ông Nguyễn Trọng Hỷ có thuận lợi ưu tiên xã hội hóa bóng đá giúp giải đấu ra đời một số CLB doanh nghiệp có nền tảng vững chắc như ĐT Long An, HA Gia Lai,… Tôi nghe nói đại hội lần này FIFA sẽ giám sát chặt chẽ và tôi còn biết họ không khuyến khích Nhà nước can thiệp hay tác động vào tổ chức xã hội. Tôi chỉ hy vọng ở tương lai, bóng đá nên đưa những người hiểu biết và thạo việc để làm bóng đá.* Xin cảm ơn ông.
* Giả sử Thứ trưởng Lê Khánh Hải trúng cử chức chủ tịch VFF?
Thực sự tôi rất tôn trọng Thứ trưởng Lê Khánh Hải. Anh ấy còn trẻ, tương lai còn rất dài. Tôi biết bản thân anh Hải nhiều lần từ chối ra ứng cử, bởi anh ấy thừa hiểu những hạn chế của mình. Ra làm chủ tịch VFF, anh Hải sẽ gặp nhiều thứ bất lợi cho mình, đơn giản bởi anh ấy không phải người của bóng đá. Nói như dân trong nghề là ngồi lên chiếc ghế nóng rồi đi cũng dở, ở không xong. Anh Hải làm chủ tịch VFF tôi cảm giác mình là người nhụt chí đầu tiên, vì sau hàng chục năm làm bóng đá, mình không có đại diện cao nhất để tin tưởng lèo lái con thuyền bóng đá Việt Nam.
Theo Công Tuấn/Pháp luật TP. HCM