Bóng đá Nhật 1500 tỷ/năm, V-League 6 tỷ/năm

11/10/2011 15:29
Theo Nguyễn Nguyên/TTVH
1.500 tỷ đồng (VNĐ) là khoản tiền mà những nhà tổ chức J-League không giấu giếm khi nói về số tiền họ nhận từ bản quyền truyền hình J-League.
Con số đấy được Nhật Bản cung cấp cho những quan chức VFF muốn học hỏi về sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản.

Còn nếu tỉnh tổng số tiền mà J-League thu được thì mùa giải qua lên đến cỡ 3.000 tỷ đồng.

Người Nhật cũng không giấu giếm chuyện để có những con số trên họ phải hoạt động cật lực và đi lên bắt đầu từ việc thừa nhận giải vô địch Nhật rất kém và rất tệ bắt đầu từ mùa bóng 1993 khi Nhật bắt đầu làm chuyên nghiệp.
Bản quyền truyền hình vẫn chưa phải là nguồn thu đáng kể với V-League, dù chúng ta đã có 11 năm làm bóng đá chuyên nghiệp.
Bản quyền truyền hình vẫn chưa phải là nguồn thu đáng kể với V-League, dù chúng ta đã có 11 năm làm bóng đá chuyên nghiệp.

18 năm người Nhật làm bóng đá chuyên nghiệp cũng bắt đầu từ bước đi dò dẫm theo một lối mòn như các quốc gia khác. Trong tài liệu làm bóng đá chuyên nghiệp của người Nhật có những thời điểm họ nhận rất rõ về sự yếu kém và bắt đầu khắc phục từ việc nhìn nhận đúng bản chất của vấn đề. Chẳng hạn khán giả quay lưng vì J-League ban đầu không hấp dẫn và CLB không gắn được với khán giả còn cầu thủ thì không ý thức được màu cờ sắc áo.

Họ không chống lại giới truyền thông theo kiểu gân cổ nói tốt “nước sơn” của J-League mà bắt đầu đi từ những điều nhỏ nhất khiến khán giả bỏ sân bóng.

Bắt đầu từ bóng đá cộng đồng mà các CLB Nhật phải có trách nhiệm với địa phương, với trường học và đặc biệt là với các em nhỏ qua những chương trình bắt buộc. Và bóng đá Nhật Bản đã có nhiều thần tượng từ cấp CLB không chỉ từ đá bóng giỏi mà còn từ phong cách, từ quan hệ với công chúng mà cầu thủ Nhật Bản thường xuyên đến với công chúng, với người hâm mộ. Nó khác hẳn với kiểu trên khán đài chửi xuống còn cầu thủ thì chửi lên và thách đấu với khán giả mà thỉnh thoảng vẫn thấy ở ta.

Kế đến là những nhà tổ chức thay đổi công nghệ tổ chức thành một công nghệ giải trí cao cấp biến sân bóng thành một show diễn của cầu thủ và là nơi mà người hâm mộ đến để đắm mình và “say” với bóng đá. Nó khác với cái cảm giác đến sân để cảm thấy bị lừa.

Ở Nhật Bản cũng có quy định rất rõ ràng về tên đội bóng để trân trọng giá trị truyền thống và đặc biệt là sự gắn kết giữa CLB với địa phương. Nó khác với kiểu một đội nay thì ở Hà Tĩnh, mai lại về Quảng Nam và năm tới lại là Sài Gòn và cái tên cứ đổi xoành xoạch. Những quy định gắn với biện pháp chế tài rất gắt từ khung luật và từ điều lệ, từ quy chế bóng đá chuyên nghiệp.

Có khán giả, có ý thức từ cầu thủ, từ đội bóng thì sẽ có bóng đá chất lượng và có bản quyền truyền hình giá cao.

6 tỷ đồng là tiền bản quyền truyền hình mà VFF nhận từ AVG năm qua và là một trong 20 năm mà VFF bán bản quyền V-League cho AVG. Như vậy là AVG sẽ theo V-League đến năm bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam tròn 30 tuổi.

30 tuổi của V-League và 18 tuổi của J-League cùng số tiền thu được qua bản quyền truyền hình đã nói lên rất nhiều.

Đấy cũng là lý do vì sao các ông bầu của những CLB phản ứng rất mạnh chuyện một nhiệm kỳ 4n năm của VFF nhưng lại bán cái giải đến 20 năm cho dù nó có chữ ký đồng ý của các CLB.

Cũng chính vì chuyện này mà ông GĐĐH của một CLB bị mắng như tát nước do nhắm mắt ký mà không biết phần thiệt hại khi “trao thân” những 20 năm và cái phần được “lại quả” chẳng thấm vào đâu.

Nói các quan chức VFF học J-League nhân sự kiện ĐT Việt Nam đá giao hữu với ĐT Nhật Bản nghe rất mới nhưng thực chất thì đã có phái đoàn đi học J-League từ rất rất lâu rồi. Vấn đề còn lại là từ học đến hành cho cái gọi là thích nghi với đặc thù của ta.

Mà trong những “đặc thù” đấy có một “đặc thù” rất khó chữa đó là không dám nhận mình kém để bắt đầu đi lên từ chỗ yếu nhất.

Nó cũng giống các cháu theo cha mẹ sang Nhật Bản học bắt đầu từ câu chuyện nước Nhật Bản nghèo và khó khăn đủ thứ khác hẳn với bài học rừng vàng biển bạc, rồi giàu với mạnh và văn minh… mà học sinh Việt Nam được học từ bé.
Theo Nguyễn Nguyên/TTVH