Chủ tịch VPF bức xúc trước công nghệ 'lật kèo' của VFF

06/01/2012 07:42
Xuân Thanh
(GDVN) - Ông Võ Quốc Thắng, chủ tịch VPF đã tỏ ra khá bức xúc trước việc lãnh đạo VFF dù đã thống nhất quan điểm với VPF nhưng sau đó đã bất ngờ 'lật kèo'.
Hôm 4/1, lãnh đạo VPF và VFF đã có buổi họp kín để đưa ra các phương án giải quyết những vấn đề liên quan đến bản quyền truyền hình giải đấu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Cả hai đã cùng thống nhất sẽ để VPF gửi văn bản đến các Bộ chức năng có liên quan để xem xét tính pháp lý của Hợp đồng mà VFF đã ký với AVG ngày 8/12/2012. Đồng thời thống nhất lấy kết luận của các Bộ chức năng làm cơ sở pháp lý cho VFF và VPF cùng thực hiện. 
Lãnh đạo VFF hẳn đã quá quen với chuyện ‘lật kèo’.
Lãnh đạo VFF hẳn đã quá quen với chuyện ‘lật kèo’.
Tuy nhiên, sau đó thì lãnh đạo VFF đã ‘lật kèo’ bằng việc gửi tiếp công văn số 06 với nội dung trái ngược hoàn toàn với nội dung thỏa thuận buổi sáng. Điều này buộc VPF phải phản ứng bằng cách gửi Công văn số 26 đến Bộ Tư Pháp, Bộ Văn hóa- Thể Thao & Du Lịch, Tổng cục thể dục thể thao.


Quá thất vọng về cách làm việc như ‘trò đùa trẻ con’ của VFF, chủ tịch VPF ông Võ Quốc Thắng đã lên tiếng: "Khi tôi đọc được công văn của VFF, toàn bộ nội dung của nó khiến tôi rất buồn. Chúng tôi (VPF) đang nỗ lực hết mình để cống hiến cho bóng đá Việt Nam, không vì mục tiêu kinh tế nào cả. Nhưng đổi lại là một công văn thiếu tình. Về mặt lý, VPF luôn làm việc theo pháp luật. Bản thân tôi cũng rất cầu thị. 4 giờ sáng hôm qua (4/1) tôi đã đáp máy bay ra Hà Nội và muốn làm việc với Thường trực của VFF để 2 bên có thể giải quyết cho xong vấn đề này. Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều thì VPF lại nhận được công văn trên và buộc lòng chúng tôi phải phản hồi bằng một công văn khác".
Ông Võ Quốc Thắng tỏ ra thất vọng về cách làm việc của VFF
Ông Võ Quốc Thắng tỏ ra thất vọng về cách làm việc của VFF
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng cho rằng: "Chiếu theo các luật liên quan VFF không sai nhưng cần các cơ quan Bộ ngành xem xét. Nếu các cơ quan Bộ ngành cho rằng VPF sai thì chúng tôi sẵn sàng dừng lại ngay các cuộc đàm phán. Theo tôi, nếu AVG ký hợp đồng về BQTH có thời gian từ 1-2 năm và với giá trị hợp đồng thấp thì chúng tôi cũng phải cắn răng chịu. Đằng này, họ (AVG và VFF) lại ký với nhau đến những 20 năm. Mọi người thử nghĩ, một hợp đồng kéo dài đến 20 năm thì thiệt hại về kinh tế sẽ lớn như thế nào...".
Lãnh đạo VPF đang rất có thiện chí để làm rõ ‘trắng đen’ chuyện bản quyền truyền hình nhưng lãnh đạo VFF lại không chịu mà còn có ý ‘cảnh cáo’ VPF. Cả VPF và VFF đều đã thống nhất đưa vấn đề này lên Bộ giải quyết nhưng cuối cùng VFF lại ‘lật kèo’ chối bỏ hoàn toàn. Phải chăng VFF đang lo sợ lộ tẩy những điều mờ ám hay họ sợ mất đi quyền lợi từ ‘miếng bánh’ ngon này?
Xuân Thanh