Công Vinh và Sneijder khác nhau ở điểm nào?

28/01/2013 15:00
Vân Trường (ĐVO)
Bóng đá luôn tồn tại những mâu thuẫn. Nó giống như các trận đấu. Không trận nào giống trận nào, mà chỉ có những tình huống tương tự. Sự mâu thuẫn tồn tại như một chân lý.
Nó song hành ở cả các nước đã phát triển, lẫn những quốc gia bây giờ mới quan tâm đến bóng đá. Tuy nhiên, sự khác biệt đến từ cách giải quyết mâu thuẫn và cách ứng xử trước các luồng thông tin.

Sự khác nhau giữa Công Vinh và Sneijder

Ở các giải VĐQG châu Âu (và nhiều nơi), kiện tụng liên tục xảy ra, thông tin xuất hiện ngồn ngộn. Cầu thủ, đội bóng, HLV cho đến cao quý như các ông bầu lắm tiền cũng bị lôi vào cuộc. Nhưng ở họ, không hề có bế tắc. Nút thắt sẽ được giải quyết, chỉ nhanh hay chậm mà thôi. Mâu thuẫn giữa CLB và cầu thủ có “đỉnh điểm” đến mấy cũng tháo gỡ được.

Ví dụ: Trong chuyện đi - ở của Wesley Sneijder, đã có lúc mọi thứ lâm vào bế tắc. Nhưng rút cuộc, tiền vệ người Hà Lan cũng tìm được bến đỗ ưng ý, CLB chủ quản Inter Milan vui vì bán được “hàng”, đội bóng Thổ Nhĩ Kỳ Galasataray mừng vì mua được người ưng ý. Còn Sneijder, đương nhiên anh rất hạnh phúc khi tài khoản cá nhân được rót đầy.

Tất cả những khúc mắc tưởng bế tắc bỗng trở nên mau lẹ đó từ đâu ra? Inter và Sneijder? Không, có thời điểm, họ còn chả thèm nhìn mặt nhau. Giữa Galasataray và Sneijder? Càng không, vì nếu tiếp xúc lén lút như thế là phạm luật?

Hơn nữa, chỉ là một cầu thủ, một người làm thuê, anh ta không thể lúc nào muốn là có thể “leo lên” nói chuyện với ông chủ hoặc GĐĐH ! Vậy tại sao?
Công Vinh vừa “được” tung tin đi Nhật
Công Vinh vừa “được” tung tin đi Nhật
Xin thưa, vì Sneijder có người đại diện Soren Lerby (cựu tuyển thủ Đan Mạch từng khoác áo Ajax một thời gian dài). Ông này biết rõ thân chủ không muốn ở lại Inter, nhưng không CLB nào trả lương cho Sneijder cao như đội bóng Italia này. Vì thế, ông ta phải  hoãn binh để tìm phương án tốt nhất.

Một trong những “chiêu” để Sneijder cập bến Galasataray là Soren Lerby “rao bán” anh ta nhiều nơi. Ông ta gõ nhiều cửa, đi nhiều cơ quan truyền thông để quảng bá, làm thương hiệu và “dựng” lên nhiều chuyện xung quanh Sneijder. Tất cả chỉ vì mục đích: Phải bán được hàng với giá cao.

Sau các chiêu trò tiếp thị, Lerby dùng tiếp nghệ thuật đàm phán sắc sảo của mình buộc Galasataray chi ra đúng số tiền như mong muốn. Thực chất, Sneijder muốn đến các CLB danh giá hơn đội bóng Thổ Nhĩ Kỳ (như M.U, Arsenal, Chelsea, Man City, PSG), nhưng không đâu nhiệt thành và dám chi như Galasataray. Thế là anh ta phải gật, vì với đời cầu thủ đánh thuê, đi đâu trả nhiều tiền thì đến.

Vì sao cần người đại diện?

Vài ngày trước, chuyện Công Vinh được đi Nhật đã dấy lên nhiều luồng thông tin, nhưng chả nguồn nào được xác định là đúng. Công Vinh vì thế bị một nhóm cho là tự PR bản thân, một nhóm khác lại bảo Vinh là nạn nhân của truyền thông. Biết tin ai?

Trở lại vấn đề của Sneijder, nếu Công Vinh có người đại diện cỡ Soren Lerby, sự kiện anh ta được CLB Nhật Bản mời thật hay giả sẽ rất khác. Ít nhất, nó không tồn tại dưới dạng tin đồn hoặc bị cho là một chiêu thức PR rất… dở hơi. Công Vinh lúc đó sẽ không bị lôi vào cuộc chiến truyền thông mà thắng hay thua anh ta cũng chịu thiệt về uy tín.  

Có một điều chắc chắn, trình độ học vấn của Sneijder nếu so với mặt bằng cầu thủ và xã hội châu Âu, anh ta không hơn Công Vinh hay bất cứ ngôi sao gắn mác Tuyển nào ở Việt Nam. Tất cả đều ở mức trung bình.

Họ đều có điểm chung: Không thể tự mình đàm phán những cú áp-phe lớn như thế. Nhưng giữa hai người, đã có sự khác biệt về kết quả. Sneijder đã tìm được bến đỗ tốt nhất, còn Công Vinh, đến giờ vẫn loay hoay chưa biết đi về đâu. Tất cả là do người đại diện.

Người đại diện chính là ngọn đuốc thắp sáng tư duy cho các cầu thủ. Họ đủ kiến thức để dẫn dắt thân chủ mình đi đúng hướng, nên làm gì và không nên làm gì.

Thông thường, ở các nước châu Âu hiện nay, người đại diện cầu thủ hưởng trung bình 4-10% giá trị hợp đồng thương thảo thành công của cầu thủ. Những ràng buộc tiếp theo dựa vào thỏa thuận đôi bên. Mức chi phí như thế (nếu áp dụng ở Việt Nam), các cầu thủ hoàn toàn chịu được.

Ở châu Âu nói riêng, đại diện cầu thủ là một nghề, được thừa nhận với những tiêu chí rõ ràng, cụ thể. Nhưng ở Việt Nam, người đại diện vẫn còn rất xa lạ và cách làm thì chẳng ai kiểm soát nổi.

Ví dụ như GĐĐH Xuân Thành Sài Gòn Trần Tiến Đại. Với tư cách đại diện cầu thủ được cấp bằng, nhưng không ai gọi ông ta là người đại diện, mà gọi là “cò”.

Cái tên gọi dân dã, có phần hơi “chợ” tự thân nó đã toát lên sự thiếu chuyên nghiệp. Thế nên, ông Đại hiện nay tự hào vì có trong tay nhiều đệ tử, nhưng không cầu thủ nào dám vỗ ngực: “Tôi là thân chủ của Trần Tiến Đại”.
Vân Trường (ĐVO)