Lỗ hổng lớn trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp của VPF

22/12/2011 10:12
Theo TNO
Một số trưởng, phó phòng của VFF hiện là công chức nhà nước nhưng được điều động sang VPF - công ty cổ phần, là sai với luật Công chức 2008.
Do sự ra đời của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp (VPF) mà lần đầu tiên, lãnh đạo Tổng cục TDTT nghe báo cáo trực tiếp từ các nhà soạn thảo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và yêu cầu bổ sung bởi bản dự thảo còn nhiều lỗ hổng.

Một loạt những quy định khá khắt khe được VPF trám vào bản quy chế cũ, trong đó nổi bật là những điều khoản về tài chính. Ví dụ, bóng đá chuyên nghiệp kể từ năm 2012 được xác định như một ngành kinh doanh đặc thù, nếu CLB nào lỗ 2 năm liên tiếp và không chứng minh được khả năng tài chính để duy trì hoạt động sẽ bị đánh tụt hạng.

VPF đòi hỏi sự minh bạch từ các CLB nhưng dự thảo Quy chế lại khuyết một điều khoản rất quan trọng là ai sẽ giám sát tài chính VPF, ngoài ban kiểm soát nội bộ. Mô hình VPF học tập từ thế giới và châu Á nhưng ở các nước như Nhật Bản hay Hàn Quốc, các nhân vật chủ chốt của công ty tổ chức giải đấu là những người trung gian, không thuộc về bất kỳ CLB nào. Còn tại VPF, đại đa số các thành viên của hội đồng quản trị hay ban giám đốc đều đang giữ chức vụ quan trọng của các CLB. Vì vậy, lãnh đạo ngành quan ngại tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Ông Phạm Ngọc Viễn - Phó chủ tịch VFF, Tổng giám đốc VPF đưa ra câu trả lời: “VPF sẽ thuê một trong những công ty kiểm toán có uy tín hàng đầu thế giới đang hoạt động ở VN nhằm minh bạch hóa tài chính cho công ty. Các ông bầu sẽ càng phải làm gương chứ không thể can thiệp để có lợi cho đội bóng của họ. Dư luận và chính VFF cũng sẽ soi rất kỹ hoạt động và từng động thái của VPF”.
Các sếp lớn của VPF.
Các sếp lớn của VPF.

Trước đây, vì là chủ sở hữu các giải nên VFF hoàn toàn chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước về mọi hoạt động của bóng đá chuyên nghiệp. Khi sự cố nghiêm trọng xảy ra (chẳng hạn như bạo loạn sân cỏ), trưởng BTC giải đã từng phải từ chức hay một số những nhân vật cốt cán có liên quan đã từng phải chịu xử lý kỷ luật. Nay, VPF quản lý và điều hành hệ thống giải, điều hành các CLB, HLV, cầu thủ (điều 2). Nhưng quy chế lại không quy định rõ, VPF sẽ chịu sự quản lý như thế nào? Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Tổng cục TDTT có quyền thanh tra VPF hay không?

Theo đóng góp của Bộ môn bóng đá - đơn vị tham mưu cho lãnh đạo ngành về bản quy chế, dự thảo cũng chưa thực sự khắc họa sâu sắc vị trí nổi bật của VPF, chưa quy định rõ ràng VPF là công ty thành viên của VFF hay một công ty do VFF ủy nhiệm, giao quyền tổ chức theo quy định của điều lệ FIFA. Điều này dẫn tới sự thiếu rạch ròi, còn chồng chéo trong một số nhiệm vụ, chức năng của VFF, VPF. Một số trưởng, phó phòng của VFF hiện là công chức nhà nước nhưng được điều động sang VPF - công ty cổ phần, là sai với luật Công chức 2008.

Về vấn đề trọng tài, Tổng cục TDTT chỉ đạo, VPF cần có cơ chế để trọng tài phải được làm việc độc lập. Quyền lợi của trọng tài không bị chi phối bởi hội đồng quản trị. Trọng tài làm việc chỉ theo quy định của luật Thi đấu và quy định khác. Lãnh đạo VPF khẳng định, VPF đang khẩn trương thành lập tiểu ban kỷ luật để đảm bảo sự công bằng của giải Super League (tên gọi mới của ngoại hạng) và hạng Nhất cũng như giữ gìn uy tín cho VPF. “Tiểu ban kỷ luật sẽ không bị thao túng bởi các ông bầu trong VPF vì cơ sở hoạt động của tiểu ban kỷ luật là quy chế, quy định kỷ luật...” - ông Viễn nói. Tiểu ban này lại được giám sát bởi ban kỷ luật của VFF.

Ngoài ra, VPF cũng sẽ sớm thành lập Ban đạo đức để giám sát trách nhiệm cũng như tư cách của các thành viên chủ chốt VPF, thường xuyên theo dõi, đánh giá các trận đấu, các vấn đề liên quan đến đội bóng, cầu thủ để tham mưu ban kỷ luật xử lý.
Theo TNO