Nghệ thuật “phát lửa” của ông chủ tịch VFF

27/09/2011 08:03
Bọ Cạp Đen
(GDVN) - Hồi mới ngồi lên ghế chủ tịch VFF, ông Nguyễn Trọng Hỷ bảo “Tôi đang ngồi trên ghế lửa”…
Quả đúng là có rất nhiều thời điểm ông Hỷ sống trong sự bủa vây của lửa, trong đó có những lúc tưởng như lửa rồi sẽ “thiêu” ông. Thế nhưng phía sau ánh lửa, cũng lại có những lúc ông gật gù tâm đắc với cái ghế mình ngồi. Và người ta bảo trạng thái thứ hai dường như dài hơn và dĩ nhiên là tạo ra sự thích thú, đam mê lớn hơn trạng thái thứ nhất rất nhiều. Nó lớn tới mức ông đã quyết tâm ngồi trên ghế thêm một nhiệm kỳ nữa. Và giả như quy chế cho phép, ông rồi cũng tình nguyện ngồi ở đó thêm một nhiệm kỳ nữa cũng nên?

Thời điểm ông Hỷ ngồi lên ghế là thời điểm mà bóng đá Việt Nam đang loạn sau thất bại tại Tiger Cup 2004 và vụ phải trả hơn 3 tỷ tiền đền bù cho “thầy rởm Letard”. Hồi ấy, rất ít người dám ngồi lên ghế chủ tịch Liên đoàn, và dĩ nhiên ông Hỷ cũng nằm trong số đó. Phải đến khi nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải điện thoại động viên thì ông Hỷ mới thay đổi suy nghĩ, và mới chấp nhận ngồi lên ghế. Mà ông ngồi lên ghế chưa ấm chỗ thì bóng đá Việt Nam lại thất điên bát đảo với vụ 7 tuyển thủ U.23 bán độ ở SEA Games 25. Xung quanh vụ này, đã có hàng loạt cuộc điện thoại cùng hàng loạt những lá thư nặc danh hướng về phía ông Hỷ với lời đe dọa rằng nếu VFF xử mạnh tay thì ông cũng sẽ bị giang hồ “xử” luôn.
Ông Nguyễn Trọng Hỷ là bậc thầy của nghệ thuật phát lửa và điều chỉnh lửa. Ảnh: Quang Minh
Ông Nguyễn Trọng Hỷ là bậc thầy của nghệ thuật phát lửa và điều chỉnh lửa. Ảnh: Quang Minh

Có những kẻ còn nói thẳng: “Tao không những xử mày, mà còn xử cả gia đình, vợ con mày nữa”. Nhưng bằng bản lĩnh của một người cựu chiến binh, ông Hỷ đã nói thẳng với những kẻ dọa dẫm mình: “Tôi đã từng đi qua chiến tranh, đã từng đối diện với cái chết nhưng vẫn không chết, thì cuộc đời kể ra cũng lãi lắm rồi. Thế nên bây giờ có chết tôi cũng không sợ”. Đã có lần ông Hỷ tâm sự rằng những kẻ dọa dẫm ông khi ấy có thể là những đối tượng liên quan đến vụ việc, nhưng cũng không loại trừ khả năng đó là những kẻ ở ngay cạnh mình, nhân vụ việc này mà “mượn gió bẻ măng”. Cách nhận định tình huống và cách ứng xử tình huống cho thấy ông Hỷ “quái chiêu” đến mức nào. Sự “quái chiêu” mà ở đó, từ chỗ đang ngồi trên “ghế lửa” dường như ông đã phả lửa trở lại cho cái ghế mình ngồi.

Ngọn lửa ấy, những cộng sự của ông có thể không phục, nhưng nhất nhất phải nể, phải ngại. Thế mới có chuyện trong vụ chọn HLV ĐT năm 2008, khi hàng loạt phương án chọn thầy khác nhau được đưa ra thì một mình ông Hỷ đi theo phương án “phải chọn Calisto” - nhân vật mà thời điểm ấy không có thiện cảm với phần lớn các quan chức Liên đoàn. Kết quả là Calisto được chọn, và cho đến tận bây giờ ông Hỷ vẫn luôn tấm tắc khi nhìn lại phi vụ này: “Trong quá trình làm chủ tịch Liên đoàn, tôi tự hào là đã chọn được Calisto cho ĐT nam và Trần Vân Phát cho ĐT nữ, và thực tế sau đó chứng minh họ đều là những ông thầy rất phù hợp với bóng đá Việt Nam”.

Nói một cách hình ảnh thì cái chất “lửa” của ông Hỷ đã được thể hiện rất rõ trong những tình huống sinh - tử, như khi cái ghế chủ tịch VFF bị đe dọa, hay khi VFF phải đau đầu với bài toán “chọn thầy”.

Thế nhưng ngọn lửa ấy không phải lúc nào cũng cháy ngùn ngụt, mà dường như luôn được điều chỉnh cho phù hợp với từng hoàn cảnh. Chẳng hạn như tự hào với việc chọn Calisto là thế, nhưng năm 2011, khi ông PCT Lê Hùng Dũng “đánh thẳng” Calisto bằng tuyên bố: “SEA Games 26, ĐT U.23 không có vàng coi như thất bại”, khiến Calisto sau đó nổi điên thì ông Hỷ lại không lên tiếng gì. Ở đây, phải mở ngoặc nói rằng cùng với thời gian, hình ảnh và vị thế của PCT Lê Hùng Dũng ở VFF ngày càng tăng cao. Và khi một người như ông Dũng đã gián tiếp “đánh” Calisto thì chuyện Calisto ra đi cũng chẳng phải là điều gì quá đỗi bất ngờ. Sự bất ngờ có chăng nằm ở chỗ, sau khi ông “Tô” đi rồi, và sau khi ông Dũng rất tấm tắc với cái tên Falko Goetz thì ông Hỷ đã tuyên bố trước dư luận: “Falko Goetz là HLV ngoại xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam từ trước đến nay”.
Ông Hỷ đã khắc chế được "ngọn lửa" dưới ghế mình ngồi. Ảnh: Quang Minh
Ông Hỷ đã khắc chế được "ngọn lửa" dưới ghế mình ngồi. Ảnh: Quang Minh

Nếu cần phải kể thêm những ví dụ khác về khả năng “phát lửa” và “điều chỉnh lửa” của ông Hỷ thì có thể kể đến câu nói bất hủ “Khống thể bảo V.League sạch” mà ông luôn nói khi mới ngồi lên ghế chủ tịch Liên đoàn. Với câu nói ấy, ông Hỷ được dư luận khen là người dám nhìn thẳng vào sự thật, khác hẳn những thuộc cấp của ông vốn là những người trực tiếp điều hành V.League. Thế nhưng sau này, khi đã hiểu bóng đá Việt Nam hơn, hiểu V.League hơn và có nhiều cái “khó ăn khó nói” hơn thì ông Hỷ lại không còn “phát lửa” một cách khảng khái như thế nữa. Kết thúc V.League năm vừa rồi, ông bảo: “Bây giờ đừng đặt ra chuyện V.League sạch hay không, mà phải thấy là chúng ta đang dần dần tiến lên một mô hình chuyên nghiệp đúng nghĩa”.

Cũng ở V.League vừa rồi, có một chi tiết rất thú vị, liên quan đến việc ông Hỷ ngồi xem trận “chung kết ngược” Hải Phòng - Hòa Phát ở vòng 23 V.Legue. Cái trận mà ông không đồng tình với tiếng còi của trọng tài, nên sau đó đã xuống sân nhắc nhở trọng tài. Thế nhưng rất lạ là ông giám sát trọng tài Nguyễn Trọng Thảo dù ngồi rất gần chỗ ông Hỷ, và cùng xem như ông Hỷ nhưng lại kết luận “trọng tài hoàn thành nhiệm vụ”. Rõ ràng, giữa ông Hỷ với ông Thảo đã xuất hiện một độ “vênh”, và trong tư cách một thành viên của ban chỉ đạo V.League, lẽ ra ông Hỷ phải chỉ đạo thuộc cấp của mình làm cho “ra ngô ra khoai” độ “vênh” ấy.

Thực tế thì sau đó cái độ vênh giữa ông chủ tịch với ông giám sát cũng bị hé lộ, nhưng nó chỉ hé lộ đến từ sự kiện cáo của Hòa Phát, chứ không phải đến từ sự chỉ đạo của ông Hỷ. Và nữa, sau khi tất cả rõ ràng rồi, và sau khi ông trọng tài chính bị “xử” thì lạ lùng là ông Thảo, người bao che cho cái sai của trọng tài lại vẫn… bình yên vô sự. Tại sao ông Hỷ không chỉ đạo phải xử tận cùng, xử triệt để phi vụ này?

Hai nhiệm kỳ làm chủ tịch VFF, ông Hỷ ít nhiều thể hiện được chất “lửa” của mình trong một vài quyết sách và một vài câu nói. Nhưng ấn tượng lớn nhất lại nằm ở cái khả năng “điều chỉnh lửa” sao cho thích hợp với hoàn cảnh - cái khả năng mà cảm giác như mỗi lúc, ông lại thực hiện một cách tinh tế, kín đáo hơn. Nhưng có lẽ cũng chả trách ông được, bởi ở môi trường này, nếu cứ đốt một ngọn lửa chân phương, và nếu lúc nào cũng “cháy” một cách chân phương thì ngọn lửa ấy có khi lại quay ra thiêu trụi cái ghế của chính mình cũng nên!?/
Bọ Cạp Đen