Những ‘bù nhìn’ ngồi mát ăn bát ở V-League

14/12/2011 06:12
Nguyên An (Thể thao 24h)
Chính kiểu cơ cấu, ban phát đã hủy hoại vai trò lẫn chức năng của người giám sát, biến giám sát thành lực lượng ‘bù nhìn’ trong tay VFF.
Chuyện tiền công cho trọng tài rồi việc họ được BTC địa phương thanh toán đầy đủ 7 ngày công tác chứ không phải 2 ngày có mặt ở nơi tổ chức, làm công việc và 1 ngày đi về như thực tế thì tính ra giúp giới trọng tài “lời” được 4 ngày tiền phí công tác, khoảng gần 2 triệu đồng. Cộng với tiền công ra sân 3 triệu/trọng tài chính, 2 triệu/trợ lý thì một trận đấu đem lại nguồn thu thực tế 4,4 - 5 triệu đồng/trọng tài.

Như đã phân tích, 5 triệu đồng cho một ‘ông vua’ cầm còi 1 trận đấu mấy bạc tỷ quả thật chả bõ bèn gì với các CLB. Vấn đề chỉ là trọng tài có xứng đáng để tin cậy hay không?
Trọng tài có thể bị “trảm” nhưng giám sát vẫn an toàn. Ảnh: TTVH
Trọng tài có thể bị “trảm” nhưng giám sát vẫn an toàn. Ảnh: TTVH

Dù sao trọng tài là nhân vật tâm điểm, người giơ mặt chịu báng và chịu nhiều áp lực. Để chuẩn bị cho trận đấu, họ cũng tập luyện thể lực, học hỏi chuyên môn nên 5 triệu đồng thu nhập mà họ có được từ trận đấu dẫu sao cũng đáng với công sức. Cuộc chiến bạc tỷ, chẳng nên tiếc vài đồng bạc lẻ cho người cầm trịch chia bài.

Đáng nói là vai trò của hai giám sát (trận đấu và trọng tài). Bản kê khai, quyết toán tài chính cho thấy các giám sát cũng được thanh toán tiền công tác phí (ăn uống, di chuyển, khách sạn) lên đến 7, thậm chí là 8 ngày cho một trận đấu. Trong khi đó, ai cũng biết là hầu hết các giám sát chỉ có mặt trước trận đấu 1 ngày và thường về nhà vào tối hoặc muộn là sáng hôm sau trận đấu.

Ví dụ, trận đấu đá chiều Chủ nhật, giám sát có mặt chiều thứ Bảy và về nhà vào sáng thứ Hai nên theo cách tính của khách sạn (trả phòng sau 12 giờ trưa) thì họ chỉ trả 2 ngày tiền ăn, ở. So với trọng tài, các giám sát sẽ “lời” thêm được 1 ngày ở nhà nhưng được hưởng chế độ đi làm việc. Cộng với tiền công 2 triệu/trận, số tiền thực lĩnh của giám sát vào khoảng 7-8 triệu/trận.

Vẫn là câu hỏi họ có xứng đáng hay không? Với công việc, trách nhiệm và gần như chẳng phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào, quả thật làm giám sát ở V.League, hạng nhất đúng là sướng bằng “cha” trọng tài. Trọng tài sai xót, làm bậy bị chỉ trích, kỷ luật chứ mấy ông giám sát ngồi trên cao, ngoáy bút hầu như chẳng thấy ai bị kỷ luật dù có trận bốc mùi nặng vẫn bút phê “bình thường”.

Trận đấu scandal ở sân Lạch Tray mùa rồi, trọng tài Trần Công Trọng bị treo còi vĩnh viễn chứ giờ chưa thấy ai nhắc đến ông giám sát trọng tài Nguyễn Trọng Thảo đã bút phê “trọng tài bắt tốt”. Trước đó ai cũng biết vụ ‘bẻ còi’ sân Chi Lăng do 2 “giám xúi” nhưng vụ việc kết thúc, trọng tài Nguyễn Xuân Hòa bỏ nghề, còn 2 vị “giám xúi” bị nhắc nhở, cho nghỉ vài lượt trận rồi trở lại công việc (?!)

Bởi vậy, xưa nay dư luận bình phẩm cái ghế giám sát là chỗ “ngồi mát ăn bát vàng” chẳng có gì sai. Và cái ghế đó được xem là cái ghế bổng lộc mà lãnh đạo VFF được quyền cấp phát theo kiểu ‘ban ơn’. Có đi có lại, ngồi vào cái ghế mát đó, mấy vị giám sat biết làm gì để hài lòng BTC, hài lòng VFF. Chính kiểu cơ cấu, ban phát đã hủy hoại vai trò lẫn chức năng của người giám sát, biến giám sát từ người phán xét, cánh tay nối dài BTC, người giúp đỡ, chỉ dẫn, phê bình trọng tài trở thành lực lượng ‘bù nhìn’ trong tay VFF.

VFF ra đời, công tác trọng tài được thay đổi triệt để thì cũng là thời điểm thích hợp chấn chỉnh toàn diện để trả lực lượng giám sát về với đúng chức năng, bổn phận của họ chứ không phải là lực lượng ‘không có thì thiếu mà có chỉ tổ… tốn tiền’.
Nguyên An (Thể thao 24h)