Những dấu hỏi trong vụ tranh chấp bản quyền truyền hình VPF - AVG

16/01/2012 09:24
Hoàng Quân
(GDVN) - Bản hợp đồng của AVG với VFF bộc lộ nhiều sai phạm nhưng vì sao Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch cũng không giải quyết nổi mà phải lên tận Chính phủ?
Vì sao VPF lờ AVG?

Trong những ngày gần đây cuộc đấu đá tranh giành bản quyền truyền hình giữa các bên đã đi vào giai đoạn cuối (theo cách mà dư luận đánh giá) khi Chính phủ trực tiếp yêu cầu thanh tra bản hợp đồng bản quyền truyền hình giữa AVG và VFF.


Trước đó, có nhiều nguồn tin đánh giá rằng VPF, dù là một tập hợp của những ông bầu hùng mạnh và chịu chơi, đang ở thế yếu về mặt pháp lý khi họ chỉ là một công ty cổ phần mà VFF là một cổ đông lớn, hay nói đúng hơn thì VPF chỉ là công ty được thuê để tổ chức và điều hành V-League. Nhiều điều viện dẫn cho thấy VPF không thể can thiệp vào vấn đề hợp đồng vì hai đối tác liên quan trực tiếp (AVG và VFF) không có văn bản chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho VPF để đàm phán về vấn đề này.
Bầu Đức, bầu Kiên "lơ" AVG. Ảnh: VSI
Bầu Đức, bầu Kiên "lơ" AVG. Ảnh: VSI

Thế nhưng VPF mà đại diện ở đây là nhóm các ông bầu Võ Quốc Thắng, Nguyễn Đức Kiên, đã qua 3 vòng liên tiếp ở Super League họ cho phép các đài truyền hình được phát sóng các trận đấu mà không cần quan tâm tới AVG. Bầu Kiên thậm chí còn cấm cửa AVG vào sân Hàng Đẫy để ghi hình trận đấu vì không có giấy phép xác nhận của Bộ Thông tin – Truyền thông, khiến AVG đánh giá VPF “đang vi phạm nghiêm trọng luật pháp Việt Nam”.

Câu hỏi là tại sao VPF bị cho là có nhiều bất lợi về mặt pháp lý nhưng vẫn đang tiếp tục làm lơ sự hợp tác giữa AVG với VFF? Đáp án hết sức đơn giản: VPF cho rằng bản thân thỏa thuận bản quyền truyền hình 20 năm là phi pháp.

- Như một số tin tức đã đưa, thời điểm AVG ký hợp đồng với VFF, tập đoàn này chưa hề có giấy phép sản xuất chương trình truyền hình, do đó họ không có quyền vào sân để ghi hình các trận đấu. Không những vậy, bản thân AVG chỉ là một doanh nghiệp được phép truyền dẫn, phát sóng các chương trình truyền hình, không có quyền hoạt động báo chí. Như vậy AVG đã vi phạm Luật báo chí (các trận bóng đá cũng được coi là sản phẩm báo chí).

- Qua hợp đồng với AVG, VFF cũng đã vi phạm luật TDTT và điều lệ hoạt động của… chính nó. Theo đó, các giải đấu chuyên nghiệp là tài sản đồng sở hữu của VFF và các thành viên, tức các CLB chuyên nghiệp. Bản hợp đồng giữa VFF với bất cứ tổ chức nào khác đều phải có sự đồng thuận của 28 CLB bóng đá ở hai hạng đấu Super League và V-League, nhưng đến khi hợp đồng chính thức được công bố một số CLB mới biết tin.

- Cũng từ hợp đồng trên, VFF đã vi phạm thêm cả luật Dân sự. Theo đó mọi hợp đồng kinh tế đều phải có sự đồng thuận của các đồng sở hữu và ủy quyền bằng văn bản. Văn bản ấy ở đâu, VFF hoàn toàn không (bao giờ) trưng ra được. Trong công văn ngày 30/12/2011, chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã cho biết hai đại diện CLB Bình Dương và Đồng Tâm Long An (thành viên của BTC giải) đã cùng tham gia thương lượng với AVG và đồng ý thời hạn hợp đồng 20 năm. Công văn này như một trò đùa: chỉ có 2 đại diện của 2 CLB thì có thể coi họ có tư cách pháp nhân đại diện cho quyền lợi của tất cả 28 CLB hay không?

- Hợp đồng của VFF với AVG có thể còn vi phạm luật Đấu thầu. Theo quy định, mọi dự án có giá trị dưới 500 triệu đồng mới được chỉ định thầu (khoản 1, điều 20). Với những dự án trên 500 triệu, VFF phải trình văn bản nêu rõ nguyên nhân xin chỉ định thầu và năng lực chính của nhà thầu, cụ thể là năng lực của AVG so với một số nhà thầu khác, và phải được cấp trên đồng ý cho phép bằng văn bản, gọi là Quyết định chỉ định thầu. Về khoản này VFF mới chỉ có văn bản xin ý kiến chỉ đạo với Bộ VHTT&DL.

Từ những chứng cứ trên, VPF có đủ chứng cứ để không thực hiện hợp đồng, vì nó không hợp pháp để buộc các bên phải tôn trọng và tuân thủ. VPF thậm chí có thể kiện AVG vì thỏa thuận này.

Vì sao tranh chấp lại lên tới tận Chính phủ?

VFF có thể nói là một trong những đầu mối dẫn tới sự tranh chấp hiện tại, bởi họ chứ không phải ai khác là tổ chức đã bán bản quyền truyền hình cho AVG.
Tranh chấp giữa VPF - VFF - AVG đang căng thẳng.
Tranh chấp giữa VPF - VFF - AVG đang căng thẳng.

Ấy vậy mà VFF vẫn chưa hẳn đã là tác nhân chính!

Trong văn bản 1105 của VFF do chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ ký ngày 30-12-2011 gửi Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) nhằm thuật lại toàn bộ quá trình làm việc dẫn đến bản hợp đồng của VFF với AVG có nội dung: “Ngày 8-12-2010, VFF đã ký hợp đồng số 08/HĐ/2010/VFF-AVG theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, theo đó cho phép AVG độc quyền khai thác bản quyền truyền hình các giải bóng đá tại VN từ năm 2010-2030”.

Như vậy là, Bộ VHTT&DL hoàn toàn không hề vô can trong việc VFF bán bản quyền truyền hình với AVG. Và họ cũng không hề vô can một chút nào trong việc Liên đoàn điền kinh Việt Nam bắt tay với AVG cũng với một thỏa thuận y hệt vào ngày 8/12/2011 vừa qua, cũng thời hạn 20 năm và cũng bán bản quyền truyền hình lẫn thương quyền.

Lần theo dòng sự kiện, từ mùa thu năm 2010, AVG đã tuyên bố đang đàm phán với 20 Liên đoàn thể thao khác nhau để mua bản quyền truyền hình, và không chút ngẫu nhiên khi họ cùng đưa ra thời hạn 20 năm với tất cả các Liên đoàn.

Trước đó vào tháng 5/2010, Bộ VHTT&DL đã tổ chức một cuộc họp giữa các Liên đoàn để cân nhắc đề nghị của AVG. Đa số ủng hộ, trong đó VFF là Liên đoàn đầu tiên bắt tay với AVG bởi thỏa thuận tài trợ trước đó giữa hai bên ở SEA Games 25. Nhưng còn một lý do quan trọng khác, đó là vì VFF khi đó không còn muốn hợp tác với các đài nhỏ. Lợi nhuận thu được từ việc phát sóng khi đó khá thấp, và VFF với mối quan hệ sẵn có từ trước đã gật đầu với đề nghị của AVG.

Điều nực cười ở chỗ, AVG đã hứa hẹn sẽ trích một khoản không nhỏ từ thỏa thuận này cho VFF. Vậy “khoản không nhỏ” đó là bao nhiêu? 6 tỷ đồng/năm + 10% tăng mỗi năm, đấy là chưa kể khoản này còn xét theo tỷ lệ trượt giá do các cơ quan kiểm toán công bố. Bán cả bản quyền truyền hình lẫn thương quyền cho AVG mà chỉ nhận ước tính có khoảng 300 tỷ đồng trong 20 năm?

Và đấy mới là bóng đá, môn thể thao đại chúng nhất tại Việt Nam. Vậy thì điền kinh sẽ nhận được bao nhiêu khi đây tuy là môn Olympic nhưng chỉ được chú ý nhiều nhất mỗi lần dự các Đại hội thể thao khu vực & quốc tế?

Việc chính Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch “chỉ đạo” các Liên đoàn bắt tay với AVG đã chứng minh một điều là cơ quan này đã cho tập đoàn truyền thông của ông Phạm Nhật Vũ thầu thể thao Việt Nam cho tới 2030. Cũng chính vì lý do đó mà khi tranh chấp giữa VPF và AVG nổ ra, Bộ đã không thể giải quyết vì họ cùng phe với AVG, nhưng cũng không thể bắt bẻ VPF vì thực tế hợp đồng bản quyền truyền hình có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật (đã nêu trên).

Và nói một cách chính xác, Bộ VHTT&DL đã chọn nước đi khôn ngoan nhất cho bản thân, đó là đẩy trách nhiệm phân xử lên cho Thủ tướng để Chính phủ thanh tra, bất chấp việc FIFA dọa sẽ cấm vận bóng đá Việt Nam vì để cho các tổ chức chính trị can thiệp.

Làm được như vậy, Bộ VHTT&DL đã thành công trong việc đẩy trách nhiệm cho người khác. Hãy dành một tràng pháo tay cho Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch!
Hoàng Quân