'Quyền lực tuyệt đối' của các ông bầu

05/10/2011 16:40
Theo CAND
Đề án thành lập VPF đã được chấp thuận, quyền lực các ông bầu đã được thể hiện, V-League 2012 thành công đến đâu nhờ mô hình mới thì vẫn phải chờ...
Cuối cùng thì VFF đã phải chấp nhận phương án mà ông bầu đội Hà Nội ACB Nguyễn Đức Kiên và 5 người đồng cấp là Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai, Võ Quốc Thắng - Chủ tịch CLB Đồng Tâm Long An, Hoàng Mạnh Trường - Chủ tịch CLB The Vissai Ninh Bình, Lê Tiến Anh - Chủ tịch CLB Khatoco Khánh Hòa và Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch CLB Thanh Hóa đưa ra, đó là thành lập Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (Vietnam Professional Football - VPF) để thay VFF tổ chức, điều hành V-League. Người xưa có câu "miệng người sang có gang có thép" quả không sai tí nào….

I- "Chúng tôi đến đây không phải để vào vai những ông nghị gật, giơ tay biểu quyết, hô khẩu hiệu rồi về. Chúng tôi không muốn nghe VFF nói những điều đã quá cũ hay những thứ mà ai cũng nhìn thấy. Điều cần thiết là sự thay đổi. Đề án thành lập VPF theo tôi, là bước đột phá đem đến sự lột xác cho bóng đá Việt Nam". Đó là tuyên bố đanh thép của ông bầu Đoàn Nguyên Đức khi đánh giá về đề án thành lập VPF mà ông và 5 người đồng cấp mới khởi thảo.

Thậm chí bầu Đức còn tuyên bố ông không bao giờ từ bỏ bóng đá Việt Nam nhưng V-League lại là chuyện khác nếu như VFF không chịu thay đổi. "Tôi thực sự đau lòng khi nhìn thấy thực trạng bóng đá Việt Nam. Việt Nam có lợi thế là đang có rất nhiều ông bầu máu làm bóng đá, vậy mà không tận dụng được. Nói thực 10 năm trước những ông "bầu" như chúng tôi còn kém, chứ bây giờ cực mạnh. So với khu vực Đông Nam á, thậm chí là châu Á, chúng tôi chẳng kém ai, sẵn sàng chơi tới cùng".

Những lời tâm huyết của ông Đức nhận được sự đồng thuận của tất cả 28 chủ tịch CLB tham gia V-League và giải hạng Nhất. Thậm chí bầu Thắng của Đồng Tâm Long An còn tiếp tục khẳng định: "Bóng đá Việt Nam đang sở hữu rất nhiều điều kiện thuận lợi, chỉ cần mạnh dạn thực hiện, chỉ 2 năm nữa là chúng ta có thể vượt qua Thái Lan”.

Sự đồng thuận của tất cả các ông bầu đã buộc VFF phải chấp nhận đề án thành lập VPF. Bởi nói như ông Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ thì "Bóng đá chuyên nghiệp không thể tách rời doanh nghiệp. Phải bắt tay nhau vì sự phát triển của bóng đá nước nhà".

Cho rằng đề án của các ông bầu - vốn là những doanh nhân giỏi, là rất hay, rất khả thi. Chuyện thành lập VPF không cần tới thường trực VFF quyết vì ông Hỷ khẳng định: "Bản thân tôi có thể quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Đôi khi có những cơ hội lịch sử xuất hiện, phải nắm bắt ngay không để nó trôi qua được. Nhiệm kỳ VI của VFF sắp kết thúc, nếu đề án này thành công sẽ giúp các nhiệm kỳ sau hoạt động dễ hơn".

Theo ông Hỷ, tốt nhất là phương án này hoàn tất trong khoảng một tháng, trước thời điểm Đại hội thường niên của VFF (giữa tháng 12) và mùa bóng 2012 vẫn diễn ra như kế hoạch. Nhưng nếu việc thành lập VPF kéo dài hơn, có thể lùi ngày khai mạc mùa bóng mới.

Theo đề án này thì việc thành lập VPF để điều hành tổ chức Giải bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam. Công ty được thành lập bởi các thành viên của giải vô địch quốc gia Việt Nam năm 2012 và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Tổng giám đốc Công ty do HĐQT bổ nhiệm và là người đại diện trước pháp luật có trách nhiệm tổ chức điều hành toàn diện hoạt động của Công ty.

Về cơ cấu tổ chức bộ máy của công ty VPF: Tùy theo quy mô hoạt động và yêu cầu thực tế, bộ máy tổ chức của Công ty VPF sẽ được tổ chức phù hợp. Trước mắt dự kiến là Tổng giám đốc VPF xây dựng chức năng nhiệm vụ, cơ cấu nhân sự các phòng ban trình HĐQT thông qua. HĐQT, Tổng giám đốc VPF phối hợp trình VFF thông qua chức năng nhiệm vụ, nhân sự hoặc thực hiện các quyết định của VFF về các Ban Trọng tài, Ban Kỷ luật, ủy ban Đạo đức.

Sau khi Công ty VPF được thành lập, mọi hoạt động của Giải bóng đá chuyên nghiệp V-League sẽ do Công ty VPF chịu trách nhiệm tổ chức và tự chủ về tài chính. Từ mùa giải 2012, các CLB không phải đóng lệ phí hàng năm và không phải trả chi phí trực tiếp cho Ban Tổ chức, trọng tài, giám sát.

Căn cứ vào kết quả hoạt động, thu chi tài chính minh bạch công khai hàng năm, các CLB và Liên đoàn VFF được chia lãi hằng năm theo tỷ lệ góp vốn.

Cảnh tranh cãi giữa đội bóng và trọng tài về luật không hiếm ở bóng đá Việt Nam. Ảnh: cadn.com.vn.

Ngoài ra, đề án này còn đặt ra vấn đề minh bạch về tiêu chí tuyển chọn, quy trình tuyển chọn nhằm tổ chức việc lựa chọn quy tụ được các trọng tài, giám sát có tâm và có tài. Đặc biệt ưu tiên tuyển dụng và đào tạo trọng tài và giám sát từ các vận động viên bóng đá sau khi nghỉ thi đấu. Việc đánh giá trọng tài, giám sát cần căn cứ vào năng lực của từng người, hạn chế việc lựa chọn theo nguyên tắc vùng miền như hiện nay. Lực lượng giám sát, trọng tài chủ chốt cần có thu nhập ổn định (lương tháng) và phụ cấp cao khi tham gia điều hành giải. Về việc lựa chọn Trưởng ban Tổ chức, Trưởng ban Trọng tài; về Quy chế tài chính của CLB…

Vậy là với đề án này, dường như những vấn đề khúc mắc, trì trệ của bóng đá Việt Nam đã được giải quyết. ở một khía cạnh khác thì với đề án này, các ông bầu đã thể hiện được quyền lực của mình.

II- Nói một cách sòng phẳng, việc các doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá ngoài lý do là tình yêu bóng đá của các ông chủ doanh nghiệp thì đây là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Bởi không ai chấp nhận chi từ vài chục tới cả ngót trăm tỉ đồng/ năm nuôi đội bóng chỉ để thỏa mãn cho cái gọi là "tình yêu bóng đá".

Ở một đất nước mà niềm đam mê bóng đá của người dân không thua kém bất cứ một cường quốc bóng đá nào như Việt Nam, thì rõ ràng không có gì quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp đến công chúng nhanh với tần suất dày đặc và phổ biến hơn là gắn tên doanh nghiệp vào một đội bóng. Ngoài chuyện quảng bá thương hiệu thì khi đầu tư vào đội bóng của địa phương, doanh nghiệp cũng sẽ nhận được sự ưu đãi không nhỏ từ lãnh đạo địa phương. Và sự ưu đãi này có khi không chỉ đủ mà còn thừa để nuôi đội bóng.

Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, nếu không có doanh nghiệp thì cũng không có V-League. Sau 10 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam đã nhận được đầu tư lớn của các doanh nghiệp. Tính trung bình, mỗi năm các doanh nghiệp đã bỏ ra khoảng 1.000 tỉ đồng cho bóng đá Việt Nam. Nhờ doanh nghiệp thì mới có chuyện cầu thủ có giá cả lên tới chục tỉ đồng.

Chi phí để đầu tư cho bóng đá ngoài khoản lót tay để "câu" cầu thủ thì các khoản cho lương, thưởng cầu thủ, thưởng cho mỗi trận thắng cũng tốn một số tiền không nhỏ của các ông bầu (bởi như như bầu Hiển đã thưởng tới hơn 1 tỉ đồng cho một trận thắng của Hà Nội T&T). Hiện mặt bằng chung về lương của cầu thủ tham gia V-League ở khoảng 20-30 triệu đồng/tháng…

Chấp nhận đầu tư lớn cho bóng đá như vậy, nhưng các ông bầu luôn là những người bức xúc trước những trì trệ của bóng đá Việt Nam, đó là tiền đầu tư cho các mùa bóng luôn luôn "năm sau cao hơn năm trước" nhưng chất lượng thì lại đi xuống. Việc ông bầu Nguyễn Đức Kiên của Hà Nội ACB đưa ra những lời chỉ trích nặng nề tại Hội nghị tổng kết V-League 2011 hồi đầu tháng 9 như một sự tất yếu.

Thực tế, những vấn đề mà ông Kiên nêu ra không có gì mới bởi đó là thực tế đã tồn tại từ năm này qua năm khác và đã có không ít người trước đó đã đưa ra. Nhưng chỉ tới khi ông Kiên nói thì nó mới có đủ sức nặng bởi nó được phát ra từ "miệng người sang có gang có thép" và lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận. Việc ông Kiên dọa sẽ kêu gọi các ông bầu tẩy chay V-League và lập ra một giải khác dù chỉ là dọa thôi nhưng dường như cũng là thông điệp và thể hiện quyền lực của những người "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" với VFF.

Đề án thành lập VPF đã được chấp thuận, quyền lực của các ông bầu đã được thể hiện, V-League 2012 thành công đến đâu nhờ mô hình mới thì vẫn còn phải chờ. Nhưng hãy cứ hy vọng rằng khi những bức xúc của các ông bầu đã được giải tỏa và cùng VFF "nhìn về một hướng" thì bóng đá Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Hãy chờ và hy vọng.
Theo CAND