Tiến cử ông Phạm Ngọc Viễn làm chủ tịch VFF

08/12/2012 14:00
Trần Long
(GDVN) - Chúng ta đang có một LĐBĐ mà người đứng đầu và nhiều người dưới quyền chẳng hiểu gì về bóng đá. Trong khi người biết làm bóng đá thì lại không đứng ra.
Tại vị lâu nhất, làm việc cũng tồi nhất
Tính từ thời điểm tháng 6/2005 đến nay, ông Nguyễn Trọng Hỷ đã giữ chức Chủ tịch VFF trong thời gian hơn 7 năm, tức lâu nhất trong lịch sử Liên đoàn. Trong thời gian này đội tuyển Việt Nam giành chức vô địch AFF Cup 2008.
Thẳng thắn mà nói thì đó là thành công duy nhất mà ông Hỷ đạt được trong nhiệm kỳ của mình. Còn lại là rất nhiều những thất bại và cả sự sa sút chung của nền bóng đá. 
Công tác đào tạo trẻ bị bỏ cho địa phương, mà ngoài Sông Lam Nghệ An, Hoàng Anh Gia Lai hay Becamex Bình Dương ra thì không đội bóng chuyên nghiệp nào có hệ thống đào tạo bóng đá trẻ ra hồn. Cũng trong thời gian ông Hỷ đảm nhiệm công việc, ngoại binh tràn vào V-League như thác lũ và khi VFF tìm cách hạn chế số cầu thủ ngoại, các CLB đối phó bằng việc nhập tịch. Công tác đào tạo trẻ vừa không ra gì, mà V-League lại nhập khẩu quá nhiều cầu thủ ngoại, nên ĐTVN tìm cầu thủ nội chất lượng đến nỗi đỏ cả mắt.

Nhiệm kỳ của ông Hỷ dài nhất nhưng cũng lắm scandal nhất, và bóng đá Việt Nam cũng đi xuống thê thảm nhất
Nhiệm kỳ của ông Hỷ dài nhất nhưng cũng lắm scandal nhất, và bóng đá Việt Nam cũng đi xuống thê thảm nhất

Vấn nạn hooligan xuất hiện mạnh cũng trong thời gian của ông Hỷ, mà tiêu biểu là những trường hợp của CĐV Hải Phòng và Thanh Hóa quậy phá “tưng bừng” các SVĐ sau mỗi vòng đấu V-League, thậm chí là tấn công cầu thủ ngay trên đường rời sân. “Vật thể lạ” đã không còn là hiện tượng của sân bóng nữa, nó đã trở thành một phần không thể thiếu (?!) của mỗi trận đấu ở giải VĐQG lẫn giải hạng Nhất.
V-League đã và đang là sân chơi của những ông bầu giàu có, và cũng chính vì thế các ông bầu được dịp ném tiền qua cửa sổ để đưa cầu thủ về thỏa mãn cái thú chơi bóng đá của mình (thậm chí có chuyện 2 đội bóng chung một ông bầu). Vì quá giàu và dùng tiền để mua cầu thủ giỏi, các ông bầu hoàn toàn bỏ không chuyện xây dựng nền tảng bóng đá trẻ cho CLB của chính mình. Cũng vì quá giàu, họ hoàn toàn không tuân theo mọi lộ trình bóng đá chuyên nghiệp do chính ông Hỷ và VFF đề ra, và VFF cũng hoàn toàn không có bất cứ động thái nào để buộc các CLB phải tuân theo quyết định của mình. Và khi các ông bầu hết tiền, các CLB cũng ủ rũ theo.
Cũng trong nhiệm kỳ của ông Nguyễn Trọng Hỷ, ĐTQG ngoài chức vô địch Đông Nam Á năm 2008 thì đều thất bại trong việc đứng ở trên đỉnh khu vực. Đội U23 vẫn chưa thể mang về Huy chương Vàng SEA Games. Tính trong thời gian ông Hỷ giữ chức Chủ tịch, 4 đời HLV khác nhau dẫn dắt ĐTQG (không tính ông Mai Đức Chung tạm quyền năm 2011) và đội tuyển thực sự không có một bản sắc cụ thể trong 7 năm ròng. Đó là chưa nói tới scandal Bacolod tại SEA Games 2005.

V-League trong thời gian ông Hỷ nắm quyền ngày càng xuống dốc cả về chất lượng thi đấu lẫn sự trong sạch
V-League trong thời gian ông Hỷ nắm quyền ngày càng xuống dốc cả về chất lượng thi đấu lẫn sự trong sạch

Ngoài ra là những vụ lùm xùm khác, từ các vụ liên quan đến trọng tài cho tới tranh chấp bản quyền phát sóng V-League và thậm chí là việc biến cái tòa nhà trụ sở có trị giá 450.000 USD do FIFA tài trợ thành… sàn nhảy (và ông Hỷ cũng sốc khi biết tin đó).
Hồi năm 2007, báo chí đã bóc mẽ rằng việc HLV Alfred Riedl ra đi còn không đáng nói bằng việc ông Hỷ nói QUÁ NHIỀU về việc thay HLV mới. Thất bại của ĐTQG là thất bại chung của cả liên đoàn chứ chẳng riêng gì ông Riedl, nhưng sự quan tâm thái quá tới vấn đề đó trong các phát biểu của ông Hỷ đã khiến người ta cho rằng ông chủ tịch cố ý che lấp lỗi của mình.
Thử hỏi ông Hỷ đã làm được gì?
Sao không dùng ông Phạm Ngọc Viễn?
Ông Phạm Ngọc Viễn lúc này đang là Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF. Có thể nói trong những người làm bóng đá ở Việt Nam, không ai có tầm ảnh hưởng lớn và nhận được sự kính trọng rất cao của đồng nghiệp trong lẫn ngoài nước như ông.
Khi ông Phạm Ngọc Viễn đệ đơn từ chức Tổng thư ký VFF vào tháng 1/2005, ông đã trải qua 8 năm thăng trầm cùng bóng đá nước nhà, thời gian ông làm việc đủ dài để chứng kiến đội tuyển nhà chạm hụt tay vào chức Vô địch Đông Nam Á 1998, hay thất bại ngay từ vòng bảng của ĐTVN tại Tiger Cup 2004.
Những gì ông Viễn làm được là rất đáng kể, nếu không muốn nói là chính ông đã tạo ra nền tảng cho bóng đá Việt Nam thành công trong giai đoạn ông làm việc lẫn sau này.

Ảnh hưởng của ông Phạm Ngọc Viễn là quá lớn tới mức khi ông xin từ chức năm 2005, tổng thư ký AFF đã đề nghị VFF không nên để ông Viễn ra đi
Ảnh hưởng của ông Phạm Ngọc Viễn là quá lớn tới mức khi ông xin từ chức năm 2005, tổng thư ký AFF đã đề nghị VFF không nên để ông Viễn ra đi

Chính là ông Viễn soạn thảo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp cũ, dẫn tới sự ra đời của V-League. Ông ủng hộ Sepp Blatter cho chức vụ chủ tịch FIFA, và kết quả là FIFA đưa Việt Nam vào dự án mục tiêu Goal Project có trị giá 1,4 triệu USD. Cũng là ông xin được 15.000 USD/năm hỗ trợ cho các hoạt động văn phòng từ AFF. Thậm chí chính ông giúp VFF có được trụ sở mới là tòa nhà 7 tầng tại số 18 Lý Văn Phúc, Hà Nội - tòa nhà mà bây giờ đã trở thành sàn nhảy như đã đề cập.

Ảnh hưởng của ông Viễn quá lớn tới mức khi ông xin từ chức sau Tiger Cup 2004, người khi đó là Chuyên viên phát triển của FIFA và giữ chức Tổng thư ký LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) là ông Dato’ Paul Mony đã gửi một bức thư dài 3 trang để khuyên VFF cân nhắc về việc chấp thuận cho ông Viễn từ chức. Đối với ông Mony, Phạm Ngọc Viễn là một nhà chiến lược bóng đá đầy tư chất với những mối quan hệ rất tốt với FIFA, AFC và AFF nên không xứng đáng bị đẩy ra khỏi đời sống bóng đá Việt Nam, và bản thân ông Mony rất biết ơn ông Viễn đã giúp mình trong thời gian tại nhiệm ở AFF.
Theo ông Paul Mony, ông Viễn không chỉ là “cầu nối” giữa bóng đá Việt Nam và thế giới, mà ông còn đóng góp to lớn đối với sự phát triển của bóng đá VN trong quá khứ cũng như tương lai. Ông Paul Mony nhấn mạnh: “Xin thứ lỗi cho tôi đã can thiệp vào việc nội bộ của bóng đá VN. Nhưng là một chuyên viên phát triển của FIFA, tôi cảm thấy có trách nhiệm rằng nền bóng đá của tất cả thành viên FIFA cần đảm bảo có những quyết định đúng để duy trì một tương lai phát triển tốt đẹp”.

Ông Paul Mony - cựu tổng thư ký người Malaysia của AFF, AFC và là tác giả cuốn "Quản trị bóng đá" - đánh giá ông Phạm Ngọc Viễn là một trong những người làm bóng đá xuất sắc nhất trong khu vực mà ông từng tiếp xúc
Ông Paul Mony - cựu tổng thư ký người Malaysia của AFF, AFC và là tác giả cuốn "Quản trị bóng đá" - đánh giá ông Phạm Ngọc Viễn là một trong những người làm bóng đá xuất sắc nhất trong khu vực mà ông từng tiếp xúc

Điều đáng nói hơn nữa là dù ông Mony viết bức thư này, ông Phạm Ngọc Viễn đã rất tự trọng khi khẳng định rằng mình sẽ giữ nguyên quyết định xin từ chức vì thực sự cảm thấy mình đã không làm tròn trách nhiệm dẫn tới thất bại không ngờ tới ở Tiger Cup 2004 cũng như vụ Letard. Đó là một hành động thể hiện sự trách nhiệm, mà chính cái tinh thần trách nhiệm là thứ đang không tồn tại ở VFF.
Trong vụ scandal Letard, ông Viễn bị chính người trên Bộ đòi từ chức, ấy vậy nhưng khi FIFA và AFC chất vấn VFF rằng việc ông Viễn ra đi có phải do sức ép từ chính phủ, ông Viễn đã trả lời “không” rất rành rọt vì biết rằng chỉ cần một từ “có” là đủ để FIFA cấm vận bóng đá Việt Nam.
Và ngay cả sau khi rời khỏi cái ghế Tổng thư ký, ông vẫn xuất hiện trong đời sống bóng đá Việt Nam (1 năm trước ông đang là phó chủ tịch VFF), và cũng là ông đang nỗ lực để V-League 2013 được diễn ra đúng thời điểm đã định.
Khi VFF toàn người không biết gì về bóng đá
Liệu tôi có được đề cử người giữ chức chủ tịch VFF sắp tới? Nếu được, tôi xin chọn ông Phạm Ngọc Viễn, vì những gì ông làm được là rất đáng nể so với các đồng nghiệp cùng thời khác như ông Dương Nghiệp Khôi, Lê Thế Thọ hay ông Phan Anh Tú. Ông vừa có một mối quan hệ rộng khắp với các Liên đoàn quốc tế, vừa có kinh nghiệm điều hành các hoạt động bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam. Đó là chưa kể ông Viễn được các HLV ngoại từng làm việc ở ĐT Việt Nam đánh giá cao vì không làm khó hay gây ra sức ép công việc cho họ. 
Vấn đề chỉ là ông liệu có được chấp nhận trong các cuộc bầu bán của nhiệm kỳ tới hay không thôi.
Hơn 10 năm trước đã xuất hiện những đợt sóng ngầm trong nội bộ VFF, ông Viễn cùng với ông Nguyễn Lân Trung khi đó đã bị tố cáo ăn hối lộ nhưng cuối cùng đã chứng minh được đó là lời vu khống. Và người vu khống chính là cấp phó của ông Viễn. Ngay cả những đồng nghiệp cũ của ông làm việc trên Bộ cũng buộc ông xin từ chức khi vụ Letard xảy ra.

VFF toàn những người không xuất thân từ bóng đá
VFF toàn những người không xuất thân từ bóng đá

Là một người rất kính mộ ông Phạm Ngọc Viễn, tôi mong muốn ông Viễn được đặt vào đúng chức vụ tương xứng với tài năng của ông. Nhưng, tôi cũng rất buồn khi phải nói rằng điều đó khó xảy ra, vì VFF là nơi mà vào lúc này những kẻ không biết gì về bóng đá đang làm bóng đá. Đó là hệ quả của những vụ đấu đá mà ông Viễn là một nạn nhân.
Ông chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ là dân bóng rổ. Ngay cả ông cựu tổng thư ký Trần Quốc Tuấn là thành viên đội điền kinh tiếp sức khi còn trẻ. Còn ông Nguyễn Lân Trung thì không nói làm gì…
Trần Long