Từ pha bắt bóng 'lạ' của Dương Hồng Sơn...

28/03/2013 13:38
Theo Lê Thương/Thể thao TP.HCM
Hai thủ môn Dương Hồng Sơn (Hà Nội T&T) và Minh Nhựt (SGXT) trở thành tâm điểm của “búa rìu” dư luận khi để thua những bàn thua từ lỗi lầm cá nhân sơ đẳng tại Cúp Quốc gia hồi đầu tuần.
1. Hai thủ môn này thậm chí bị đặt một dấu hỏi về ý đồ tiêu cực. Có người còn quy kết họ “làm độ”, bởi không ai tin một thủ môn chuyên nghiệp lại để thua những bàn ngớ ngẩn như thế.

Hồng Sơn một lần nữa lại bị đưa vào vòng nghi vấn Ảnh: DƯ HẢI
Hồng Sơn một lần nữa lại bị đưa vào vòng nghi vấn Ảnh: DƯ HẢI

Thực ra, nếu chỉ dựa vào sai lầm cá nhân trong một thời điểm của trận đấu mà nói rằng anh ta có dấu hiệu tiêu cực thì hoàn toàn khiên cưỡng. Bởi lẽ, ngay cả những cầu thủ đẳng cấp thế giới cũng không ít lần mắc những sai lầm hớ hênh như thế. Nhưng tại sao, ở Việt Nam cứ mỗi khi một cầu thủ nào mắc lỗi chuyên môn thì y như rằng người ta nghĩ ngay đến tiêu cực và cho đó như điều bất bình thường.

Thủ môn Hồng Sơn đã không ít lần bị nghi ngờ có dấu hiệu tiêu cực cả ở ĐTQG lẫn ở CLB, nhưng nghi ngờ đấy rồi thôi chẳng có ai tìm được chứng cứ nào. Trường hợp của thủ môn Minh Nhựt, cái khó của anh là nằm trong một đội bóng bị “khoanh vùng” về tiêu cực - Sài Gòn Xuân Thành. Bất cứ một trận thua nào của đội bóng này, dù ở đấu trường nào chăng nữa, cũng bị săm soi và người ta cố gắng tìm ra dấu hiệu cho rằng đội bóng đấy tiêu cực. Nghĩa là, giống như một mặc định: Sài Gòn Xuân Thành tiêu cực là bình thường, không tiêu cực mới là bất bình thường. Thế nên, hầu như tất cả những bàn thua của đội bóng này đều bị dư luận đặt một dấu chấm hỏi to đùng. Minh Nhựt cũng giống như thủ môn Tấn Trường trước đó trở thành cái khiên cho thiên hạ “ném đá”.

Dù vậy, cho đến nay những dấu hỏi trên vẫn chỉ dừng lại ở nghi vấn bởi thực tế vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh rằng cầu thủ của Sài Gòn Xuân Thành tiêu cực. Ngay cả Ban tư vấn đạo đức tuyên bố và quyết tâm làm đến cùng chuyện mà họ khẳng định có dấu hiệu tiêu cực của SGXT trong trận tranh Siêu Cúp vừa qua nhưng đến nay “vụ án” vẫn chìm xuồng vì chẳng tìm ra chứng cứ.

Rồi đây, dư luận và nhiều người làm bóng đá sẽ tiếp tục có suy nghĩ rằng cầu thủ mắc sai lầm kiểu gì cũng dính đến tiêu cực.

2. Khi báo chí đưa thông tin về vụ việc thành viên trong Ban trọng tài bị tố “ăn bẩn”, rất nhiều ý kiến của người trong cuộc cho rằng đấy chỉ là chuyện nhỏ, vốn dĩ là chuyện thường tình nên “trong nhà đóng cửa bảo nhau” thay vì tiết lộ cho báo chí. Đúng là những chuyện trên không phải là hiếm. Tuy nhiên, cho thấy một thực tế rằng xưa nay những người làm bóng đá vẫn quá quen với cách làm bao che cho nhau, mọi việc đều theo cái tình trước rồi mới đến cái luật. Mà chuyện công việc mà đối xử với nhau dựa trên cái tình thì nghe nó mơ hồ lắm, những mâu thuẫn cũng nảy sinh khi mà cái tình ấy chỉ là những lời nói “đãi bôi”.

Trong một ban với vài thành viên đã nghi kỵ lẫn nhau như thế thì không khó để biết trong giới trọng tài với cả chục con người sẽ như thế nào. Và cũng chẳng thể nào trách được chuyện cứ hễ trọng tài nào có sai sót trong các trận đấu là y như rằng người ta nghĩ ngay đến tiêu cực dù cho chuyện sai sót trong trọng tài cũng là chuyện thường ngày ở huyện. Vì thế, ở các CLB chẳng có mấy ai tin vào giới trọng tài cả.

Một nền bóng đá với đầy rẫy nhưng chuyện gian dối thì đừng lạ vì sao họ cứ nghi ngờ lẫn nhau. Khi niềm tin đã mất thì chuyện con kiến cũng có thể to bằng con voi!
Theo Lê Thương/Thể thao TP.HCM