Từ vụ Huy Hoàng: Đáng ngại cho đạo đức cầu thủ Việt

08/09/2012 18:18
Quang Anh (Theo VnMedia)
Bóng đá thực sự đóng góp được bao nhiêu cho xã hội? Trong khi đó, cầu thủ lại khá sướng, và chính vì sướng mà dễ sinh hư.
Từ Quốc Long chửi bậy đến Huy Hoàng bị nghi “phê thuốc”

Những hình ảnh được ghi lại trong một clip khiến tất cả cùng phải choáng váng: người ngồi trên chiếc xe CRV xảy ra tai nạn ở Thanh Hóa, không khó để nhận ra ngay Huy Hoàng, trung vệ đội trưởng của SLNA, một biểu tượng của đội bóng SLNA, đang mặc chiếc áo của ĐT QG và đang ở tình trạng “phê thuốc”. Huy Hoàng đã lên tiếng phủ nhận mình không “phê thuốc”, cả HLV Hữu Thắng cũng lên tiếng bảo vệ mình. Nhưng lập tức dư luận, rất nhiều những người hâm mộ bóng đá đã bác bỏ điều này. Sự thật rõ như ban ngày, người đàn ông áo đỏ trên xe đang ở tình trạng mất kiểm soát, không quan tâm đến những gì xảy ra xung quanh, người lắc lư, tay múa may và thậm chí còn lè lưỡi ra, biểu hiện rất rõ của việc đang “phê thuốc” – thuật ngữ để chỉ trạng thái của người sau khi sử dụng thuốc lắc.

Huy Hoàng có biểu hiện rất rõ ràng của người đang phê thuốc.
Huy Hoàng có biểu hiện rất rõ ràng của người đang phê thuốc.

Từ chuyện cô chân dài Vương Thu Phương, đến vụ việc của Quốc Long, rồi đến clip “phê thuốc” của Huy Hoàng, chúng ta thấy được điều gì? Những lời nói thiếu trung thực để che lấp sự thật, không dám đối mặt và chịu trách nhiệm về hành động của mình.


Quốc Long trong bản tường trình gửi lên Ban kỉ luật đã phủ nhận việc mình chửi bậy với phóng viên, và ông Trưởng ban kỉ luật Nguyễn Hải Hường đã chất vấn lại: “Không chửi sao anh phải công khai xin lỗi người ta”. Nhìn lại, nếu Quốc Long thẳng thắn và thành khẩn, chưa chắc đã phải nhận án phạt loại khỏi danh sách ĐTQG mà chỉ phải nhận án phạt treo giò 5 trận ở Cup QG và phạt tiền 20 triệu đồng, bởi nếu đúng theo lý thì sai ở giải nào xử phạt ở giải đó.

Huy Hoàng sẽ ko phải nhận án phạt nào từ VFF cả bởi sự việc xảy ra ở ngoài phạm vi sân bóng. Thông tin mới nhất là Công an Thanh Hóa sau khi làm việc đã thả cầu thù này về vì va chạm xe cộ không để lại hậu quả nghiêm trọng. Đương nhiên, ở hoàn cảnh này, Huy Hoàng sẽ lên tiếng phủ nhận việc mình có “chơi thuốc”, dù rằng những hình ảnh trong clip đã nói nên điều đó.

Báo động sự xuống cấp đạo đức cầu thủ

Việc Huy Hoàng có dính dáng đến việc sử dụng thuốc lắc tưởng rằng là một thông tin gây sốc, nhưng thực ra lại chẳng sốc tí nào. Ở ngày đội bóng SLNA, từ trước tới giờ, đã có rất nhiều những trường hợp cầu thủ dính dáng đến việc sử dụng chất cấm, đến nỗi phải tan tành cả sự nghiệp, thân bại danh liệt như trường hợp cầu thủ Phan Thanh Tuấn. Không chỉ nội binh mà cả ngoại binh, việc nhẹ thì uống rượu, hút thuốc, vào bar chơi, “nặng đô” hơn thì chơi ke, dùng thuốc lắc. Vài năm trước, ngoại binh Molina đã đột tử trong một khách sạn ở Sài Gòn sau khi sử dụng ma túy. Tuy nhiên, trường hợp của Huy Hoàng rất khác biệt bởi đây là cầu thủ từ lâu được goi là thủ lĩnh, là biểu tượng của bóng đá xứ Nghệ.

Huy Hoàng “chẳng may” bị phát hiện, còn những người khác vẫn đang “chơi trong bóng tối”, trong những góc quán bar, trong nhà nghỉ kín mít, thì ai biết đấy là đâu?

Bóng đá với đặc trưng riêng giờ đây đã trở thành một cuộc chơi sặc mùi tiền bạc. Cầu thủ có đôi chút tài năng thôi là có hợp đồng lót tay tiền tỉ, lương tháng vài chục triệu, rồi tiền thưởng, chưa kể những khoản “làm ăn ngoài”. Phải chăng vì quá sướng nên cầu thủ đã sinh hư.

Trường hợp của Văn Quyết là ví dụ, vốn là một cầu thủ trẻ, quê gốc Hà Tây cũ, Văn Quyết trưởng thành từ lò đào tạo Thể Công. Chỉ hơn một năm lên chơi V-League, nhìn cách đá của Văn Quyết, không ai còn nhận ra một cầu thủ hiền lành ngày nào nữa. Tiền vệ của HN T&T chủ động đá xấu, đá bậy với đối thủ. Trong trận chung kết Cup QG, khi Nguyễn Rogierio đã ngã, Văn Quyết đạp vào đầu cầu thủ này. Rồi trong tình huống lộn xộn, có cả trọng tài đứng đó, Văn Quyết lao đến đạp thẳng vào người đối thủ, một hành động rất vô văn hóa.

Hành động của Quốc Long bị phạt rất nặng, hậu vệ của HN T&T còn bị loại khỏi ĐT QG, nhưng đó là những hành động vi phạm đạo đức trên sân cỏ và có chứng lý để xử phạt. Nhưng còn những hành vi khác, bên ngoài sân cỏ, và tình trạng xuống cấp chung về đạo đức cầu thủ, thì ai ngăn chặn, ai xử lý.

Ban đạo đức của VPF đã thực sự có chưa, hoạt động chưa và hoạt động thế nào, thì đến giờ, cũng chưa ai rõ.
Quang Anh (Theo VnMedia)