V. Hải Phòng rớt hạng và chuyện 'học đại vẫn vào Đại học'

10/08/2012 08:05
Song An/Thể Thao 24H
Thi vào Đại học thì khó nhưng để trở thành sinh viên thì dễ. Nghe thì rất nghịch lý nhưng lại là sự thật.
Khi các trường công bố điểm chuẩn, sẽ có nhiều thí sinh không đỗ, tất nhiên. Nhưng đừng lo lắng quá, bởi có cả nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3. Thậm chí, ngay cả khi “chết chắc” tức là điểm rất thấp cũng vẫn có khả năng được xét tuyển.

Nhiều năm trước có những chuyện lạ kỳ hậu tuyển sinh Đại học, chẳng hạn một thủ khoa trường nọ chỉ có vẻn vẹn 11 điểm của 3 môn hoặc có những khoa không tổ chức học được vì chỉ có 3 sinh viên. Không phải vô cớ mà có tình trạng “vét” thí sinh. Chuyện này bắt nguồn từ việc mở quá nhiều trường Đại học với mục đích kinh doanh. Thí sinh điểm cực thấp cũng sẽ nhận được rất nhiều thư mời hoặc giấy báo trúng tuyển. Hiển nhiên, gì cũng có cái giá của nó, muốn nhập học phải chi rất nhiều tiền.

Quảng Nam có suất thăng hạng V-League.
Quảng Nam có suất thăng hạng V-League.

Thời điểm này các trường đồng loạt công bố điểm chuẩn nhưng cũng đã có những nơi kịp thời “tung chiêu” để vét thí sinh. Có những trường Đại học hẳn hoi, tên lạ hoắc dụ thí sinh bằng cách chỉ cần nộp học bạ và giấy tốt nghiệp PTTH là…trúng tuyển. Quá dễ dãi nhưng câu thí sinh bằng sẽ ra những chương trình học vẽ ra những con đường vòng để “tạo cơ hội” cho thí sinh không đủ năng lực vẫn được học Đại học, Cao đẳng.

Một tờ báo lớn vừa có loạt bài đề cập đến chuyện “Không thi Đại học, Cao đẳng vẫn có giấy báo trúng tuyển”.

Tất nhiên sẽ có câu hỏi là chất lượng đầu vào như thế thì chất lượng đào tạo đến đâu? Nếu ngành giáo dục thế này thì xã hội thế nào?

Việc này khiến nhiều người chợt nhận ra rất giống câu chuyện trong bóng đá cho dù bóng đá với giáo dục chẳng “liên quan” gì đến nhau trừ việc nó đang bị... chợ hóa.

Một số đội bóng ở giải hạng nhất thi đấu cả một mùa không đủ điều kiện để lên V.League. Nhưng không sao, chỉ cần đủ tiền để “mua” suất lên hạng của đội bóng khác.

Quảng Nam đang ở thế của một thí sinh điểm thấp so với khả năng “đỗ” V.League nhưng nếu ở mùa sau đội bóng này đàng hoàng thi đấu ở V.League cũng không phải là điều mới lạ.

Hoặc V.Hải Phòng vẫn có thể trụ lại nếu họ chịu khó bỏ tiền mua suất của đội bóng nào đó “không còn có nhu cầu” chơi V.League.
Tất nhiên bây giờ hỏi thì lãnh đạo đội nào cũng bảo “muốn đầu tư bài bản, làm lại từ gốc”. Nhưng bệnh thành tích và khái niệm “thấy lợi là không nên chờ đợi”.

Câu chuyện mua bán, sáp nhập trong bóng đá này xem ra còn nhiều chiêu trò, kịch tính hơn cả hiện tượng “Học đại vẫn vào Đại học”.
Song An/Thể Thao 24H