VPF ra đời, V-League xóa nạn giám sát 'bù nhìn'

13/12/2011 15:10
Theo Người Lao Động
Đó là đột phá mới, mà Phó chủ tịch VFF, Phạm Ngọc Viễn, ứng viên cho ghế TGĐ điều hành Cty CP Bóng đá VN (VPF), tin rằng sẽ giúp V-League cải thiện hình ảnh.
Thu nhập của trọng tài làm nhiệm vụ ở V-League và giải hạng Nhất có bước đột phá với hy vọng khâu yếu nhất của V-League sẽ không còn yếu. Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Viễn, chất lượng trọng tài được nâng lên cần có thời gian, trong khi có những việc cần làm ngay ở V-League lúc này. Đó là việc nâng cao trách nhiệm của những người trực tiếp thay mặt VPF nắm bắt giải đấu, các giám sát trận đấu, giám sát trọng tài - những cánh tay nối dài của VPF.

Lực lượng giám sát được VFF ví von là cánh tay nối dài của BTC lại là lực lượng làm việc kém hiệu quả và không mang lại sự tôn trọng từ phía các cầu thủ lẫn BTC các sân cũng như từ báo chí. Theo ông Viễn, giám sát là người của VFF và sẽ được VPF thuê để làm việc sau khi công ty ra đời trong mùa giải 2012.
VPF có thể sẽ thí điểm mời các vị giám sát là các chuyên gia bóng đá, chuyên gia trong lĩnh vực thể thao như cựu HLV Thanh Hóa Trần Văn Phúc để tạo ra sự cạnh tranh.
VPF có thể sẽ thí điểm mời các vị giám sát là các chuyên gia bóng đá, chuyên gia trong lĩnh vực thể thao như cựu HLV Thanh Hóa Trần Văn Phúc để tạo ra sự cạnh tranh.
Hiện nay, đội ngũ giám sát trận đấu và giám sát trọng tài không nhiều, thậm chí là thiếu hụt so với yêu cầu thực tế. Tuy nhiên, VPF có thể sẽ thí điểm mời các vị giám sát là các chuyên gia bóng đá, chuyên gia trong lĩnh vực thể thao để tạo ra sự cạnh tranh trong môi trường này. Việc tập huấn nghiệp vụ giám sát cũng sẽ do VPF phối hợp cùng VFF tổ chức. Cũng theo ông Viễn, VPF đang có kế hoạch đánh giá năng lực giám sát dựa theo thang điểm rõ ràng. Những giám sát quen “tô hồng” các bản báo cáo để làm đẹp lòng BTC giải như những mùa trước có thể bị đánh “tụt hạng tín nhiệm”, thậm chí không được thuê nữa. Việc “đánh” thẳng vào “nồi cơm” của các vị giám sát được ông Viễn kỳ vọng sẽ phát huy ngay hiệu quả để VPF kịp thời nắm bắt tất cả những biến động ở V-League, kịp thời đưa ra đối sách hợp lý, chấn chỉnh những mặt bất cập nảy sinh trong quá trình điều hành giải. Lập lại trật tự trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ, theo ông Viễn, là một trong những ưu tiên hàng đầu nếu muốn V-League có được hình ảnh của một giải đấu chuyên nghiệp. Giải pháp mà ông Viễn đưa ra là sẽ siết chặt hợp đồng lao động giữa cầu thủ và CLB. Các đội bóng buộc phải ký hợp đồng lao động với cầu thủ với mức lương cụ thể và ràng buộc quyền lợi, nghĩa vụ của hai bên. Ngoài ra, không chỉ cầu thủ ngoại mà cả cầu thủ nội cũng sẽ được cấp giấy phép hành nghề. Giấy phép hay chứng chỉ hành nghề của cầu thủ là chứng chỉ bắt buộc để cầu thủ có thể tham gia thị trường chuyển nhượng. Những cầu thủ vi phạm quy định về chuyển nhượng, “đi đêm”, làm giá có thể bị rút giấy phép này, đồng thời nhận mức kỷ luật theo quy định. Thời gian qua, có nhiều vụ cầu thủ vi phạm các quy định về chuyển nhượng nhưng vẫn được bỏ qua. VPF sẽ thành lập ban tư cách và pháp lý cầu thủ để “soi” thật kỹ tất cả các vụ chuyển nhượng. “Nếu cần thiết, VPF sẽ vào cuộc nếu xảy ra tranh chấp chứ không thể để xảy ra tình trạng CLB và cầu thủ kiện cáo nhau như thời gian vừa qua”- ông Viễn cho biết.
Không thể can thiệp giá cầu thủ

VPF chưa thể kéo giá cầu thủ về với giá trị thực bởi việc mua bán cầu thủ trên thị trường vẫn phải tuân theo quy luật cung- cầu. Tuy nhiên, theo ông Viễn, nếu việc đàm phán về giá cầu thủ rõ ràng, minh bạch, đúng luật thì cả cầu thủ và CLB đều không bị thiệt hại do bàn tay của “cò” dàn xếp.

Trọng tài hồi hộp chờ VPF

Ngày 14-12, Đại hội cổ đông VPF sẽ chính thức diễn ra tại Hà Nội để thông qua dự thảo Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam 2012. Trong đó, vấn đề được đặc biệt quan tâm là bản dự trù kinh phí dành cho các trọng tài làm nhiệm vụ ở V-League 2012 sẽ được VPF thông qua như thế nào để các “vua” yên tâm làm việc.

Chiếu theo bản dự trù kinh phí, khoản tiền làm nhiệm vụ của trọng tài chính sẽ được nâng cao gấp gần 3 lần (từ 3 triệu đồng/trận lên thành 8 triệu đồng/trận). Trong khi đó, tiền làm nhiệm vụ của trợ lý trọng tài và các giám sát cũng tăng gấp đôi (2 triệu đồng lên thành 4 triệu đồng/trận). Chưa kể những chi phí khác như tiền ăn ở, di chuyển..., đó rõ ràng là một tín hiệu mừng cho giới trọng tài khi phải điều hành những trận cầu trị giá bạc tỉ.

Trọng tài Nguyễn Trọng Thư cho biết không đầy một tháng nữa V-League 2012 sẽ khởi tranh nên việc VPF họp đại hội cổ đông khá trễ cũng ảnh hưởng không ít đến công tác chuẩn bị cho mùa bóng của các trọng tài, giám sát.

Con trai của nguyên chủ tịch Hội đồng Trọng tài quốc gia Nguyễn Văn Mùi hy vọng rằng khi đến đợt tập huấn giám sát, trọng tài sắp tới để chuẩn bị cho V-League 2012, VPF sẽ gút xong chuyện tài chính để giới trọng tài yên tâm làm việc. Riêng mô hình tổ chức các giải đấu trong nước từ nay sẽ phụ thuộc lớn vào quyết định của VPF mà đại diện là các đội bóng dự giải, đồng nghĩa giới trọng tài sẽ không còn được chống lưng nhiều như trước đây.

Trọng tài Thư nhận định: “Khi VPF chưa chính thức thành lập thì mọi chuyện vẫn còn chưa rõ ràng. Điều đó cũng ảnh hưởng đến tâm lý giới cầm còi, không riêng gì chuyện thu nhập. Dù vậy, việc làm quen với mô hình quản lý mới cũng là khó khăn chung không chỉ của giới cầm còi mà còn của cả các đội bóng. Vì thế, chúng tôi dặn nhau cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao”.
Theo Người Lao Động