Câu chuyện lịch sử: Nạn nhân hào nhoáng của Galacticos

12/02/2013 06:46
Hoàng Quân
(GDVN) - Los Galacticos là gì với Steve McManaman? Đó là sự thất vọng vì phải trải qua những ngày tháng mòn mỏi của một cầu thủ Anh xa xứ.
“Nó bắt đầu giãy chết khi Claude ra đi” - Steve McManaman, 2006
Bóng đá là một bức tranh phong phú. Nhưng những người xem tranh thường hay nhìn vào những mảng sáng, những mảng màu rực rỡ, lòe loẹt, mà ít khi để ít tới những mảng tối nhưng được vẽ một cách cẩn thận, tinh tế và chứa đựng nhiều ý nghĩa mà họa sĩ muốn gửi gắm.
Steve McManaman có lẽ hiểu rõ điều đó hơn ai hết, bởi anh là người đã vẽ ra cái mảng màu lòe loẹt ấy cho sự nghiệp của bóng đá của chính mình, trước khi nhận ra rằng những mảng màu lòe loẹt hơn rồi cũng sẽ vùi lấp mảng màu của anh và những người bạn, mà mảng màu đó có tên gọi Los Galacticos.
Spice Boys
Steve McManaman xây dựng danh tiếng cho mình với tư cách là một trong những cầu thủ chạy cánh tốt nhất của Premier League bên cạnh Ryan Giggs, và cả hai đều là những người “có thể làm xấu hổ mọi hàng phòng ngự với những bước chạy của họ”.
Mùa giải 1995/96 là một ví dụ, khi McManaman lập kỷ lục kiến tạo trong một mùa giải với 25 kiến tạo thành bàn. EURO 1996 chỉ càng khiến danh tiếng McManaman nổi như cồn. Khi đó Liverpool chơi thứ bóng đá đẹp mắt bậc nhất nước Anh, và người ta nói rằng khi McManaman, Eric Cantona hay Gianfranco Zola có bóng, lập tức các khán giả đứng dậy để đợi chờ những khoảnh khắc ma thuật. Pele thậm chí còn gọi McManaman là “Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới”, một cái danh hiệu mà sau này anh đã thừa nhận là mình không thể đạt tới.
Có điều, sự hào nhoáng của McManaman nói riêng và Liverpool nói chung không giúp The Kop trở thành một đội bóng hùng mạnh, mà còn mang lại những điều tiếng cho họ bên ngoài sân cỏ.

Bộ 3 McManaman, Fowler và David James, ảnh chụp năm 1996.
Bộ 3 McManaman, Fowler và David James, ảnh chụp năm 1996.

Giữa thập niên 1990 là lúc văn hóa nước Anh bất chợt sống dậy sau một thời gian dài bị phủ mờ kể từ khi The Beatles tan rã. Những boyband, girlband ca nhạc xuất hiện như nấm sau mưa, và trong đó Spice Girls nổi bật nhất. Sự hào nhoáng của những cô gái này đã được báo chí nước Anh mang ra so sánh, và Steve McManaman cùng những cầu thủ Liverpool đã bị so sánh với Spice Girls, dẫn tới biệt danh “Spice Boys”.
Chơi thứ bóng đá đẹp, những cầu thủ Liverpool cũng tận dụng hình ảnh đẹp mà họ đang có để được nổi tiếng và giàu có. Những Jamie Redknapp, David James, Robbie Fowler, Jason McAteer và McManaman ký những bản hợp đồng thời trang kếch xù với các hãng như Hugo Boss, Armani và Top Man. Trước trận chung kết FA Cup 1996, người ta còn thấy nhóm cầu thủ này tới Wembley để xem xét mặt sân trong những bộ quần áo lòe loẹt của Armani.
Riêng cá nhân McManaman còn thuê hẳn một người đại diện rất có tiếng tăm, đó là Simon Fuller, ông bầu ca nhạc của chính Spice Girls và là người lập ra thương hiệu truyền hình nổi tiếng Idol (tiền thân của American Idol). Các báo lá cải đã mang tới cho độc giả những cái nhìn về lối sống của McManaman và Fowler, mà theo mô tả thì bộ đôi này là những người theo chủ nghĩa khoái lạc và hay có những trò nghịch phá không đúng lúc đúng chỗ. Fowler khi đó còn hẹn hò cả với Emma Button, “Baby Spice”.
Tuy nhiên, khi mà những gì các cầu thủ quan tâm là tiệc tùng, là siêu xe, là gái đẹp, là những kiểu tóc thời trang, thì Liverpool hoàn toàn không thành công về phương diện bóng đá, mà theo tờ Daily Mail khi đó bình luận, “xâm nhập lên đầu trang nhất những tạp chí in trên giấy bóng hơn là lên đầu bảng xếp hạng giải VĐQG”. Một tập thể vô kỷ luật không thể đoạt những chiếc cúp.
Vỡ mộng tại Madrid
“Phòng thay đồ của đội bóng này là một cái hầm chứa phân, mà bên trong đó là những lời nói dối, sự phản bội và những âm mưu. Tôi rất tiếc cho Steve, bởi nếu anh ấy nghĩ rằng anh ấy đang tới CLB số một thế giới, anh ấy đã mắc sai lầm lớn nhất của sự nghiệp” – Raul, 1999.
Sau 364 trận và 99 bàn thắng cho Liverpool trong hơn 9 năm thi đấu chuyên nghiệp, McManaman đặt chân tới Real Madrid với tư cách là bản hợp đồng cuối cùng của Guus Hiddink, người bị sa thải sau đó. Đây là lúc chủ tịch cũ của Real, ông Lorenzo Sanz, đang phải gánh những khoản nợ ngập đầu. Florentino Perez tận dụng điểm yếu đó để giành lấy chiến thắng trong cuộc bầu cử chức chủ tịch CLB, và tiếp theo đó HLV John Toshack được thuê.
Cho dù đang gặp rất nhiều khó khăn ngoài sân cỏ và đã phải bán đi một loạt danh thủ để trả nợ, Real Madrid vẫn thành công vì những con người đang có. Raul, Fernando Hierro, Fernando Morientes và Steve McManaman đã đóng góp một cách tận tụy cho CLB, và McManaman được báo giới Madrid gọi là “một bài hit ngay khi được hát lên lần đầu tiên”, tức chỉ pha kiến tạo của anh cho Morientes ghi bàn trong trận ra mắt ngày 22/8/1999.
Vicente Del Bosque sau đó đến Bernabeu vào tháng 11/1999 và lập tức Real Madrid trở thành một ứng cử viên hùng mạnh cho mọi danh hiệu. McManaman cùng với Fernando Redondo là một cặp tiền vệ cực kỳ ăn ý, và Real lần lượt đánh bại Manchester United và Bayern Munich để lọt vào chung kết Champions League, trận đấu mà McManaman có những giờ phút tuyệt vời nhất trong sự nghiệp khi ghi cú vô-lê đỉnh cao giúp Real đánh bại Valencia 3-0. Steve trở thành cầu thủ Anh đầu tiên đoạt Champions League với một đội bóng nước ngoài.

McManaman giương cao cúp vô địch Champions League năm 2000.
McManaman giương cao cúp vô địch Champions League năm 2000.

Nhưng thành công đó lại chỉ là khởi đầu cho những chuỗi ngày vỡ mộng của McManaman…
Khi Florentino Perez ra tranh cử chức chủ tịch Real Madrid, ông đã hứa rằng “Luis Figo (khi đó đang ở Barcelona) sẽ tới Bernabeu”. Và điều đó quả thực đã xảy ra. Sự xuất hiện của Figo có ý nghĩa tiêu cực với McManaman, bởi Figo và McManaman cùng đá cánh phải, và do sức ép chính trị, Vicente Del Bosque buộc phải dùng Figo và giảm thời gian ra sân của McManaman. Chưa hết, Figo đến buộc Real phải bán đi một loạt cầu thủ, trong đó có chiến hữu Fernando Redondo của McManaman.
McManaman cũng nằm trong số bị đưa vào danh sách chuyển nhượng, tuy nhiên hợp đồng của anh còn tới tận 2004 mới hết và McManaman kiên quyết không ra đi. Khi đó Sky Sports đã đưa tin rằng có tới 8 đội đang muốn có chữ ký của McManaman, và thậm chí Sir Alex Ferguson đã lập hẳn một phái đoàn để tới thuyết phục Steve sang Manchester United.
Sự kiên trì của McManaman sau đó đã khiến Del Bosque phải đổi ý và cho tới tháng 10/2000, anh được xuất phát và từ đó đá chính trong 2/3 số trận của Real trong toàn mùa giải. Real mùa đó thua ở Champions League nhưng đã vô địch La Liga với khoảng cách 7 điểm so với Deportivo La Coruna. Một cuộc bình chọn trên El Mundo cho biết 90% cổ động viên Real Madrid muốn McManaman ở lại Bernabeu, và Michel Salgado còn công khai chỉ trích ban lãnh đạo đội bóng vì cách họ đối xử với McManaman.
Thật trớ trêu làm sao, một cầu thủ tấn công hào nhoáng một thời giờ lại đang bị CLB của mình tìm cách thay thế bằng những cầu thủ hào nhoáng khác.
“Disney hóa Galacticos”
“Dát thêm một lớp vàng nữa lên chiếc Bentley để làm gì khi nó đã mất đi cả bộ động cơ?” – Zinedine Zidane, 2003.
Chính sách Galacticos, như sau này đã được chỉ ra, dường như chỉ nhắm tới những cầu thủ ngôi sao được coi là những “tình nhân” của các hãng quảng cáo. Hay nói đúng hơn, những ngôi sao đẹp trai nhất, đá bóng đẹp mắt nhất sẽ tới Madrid để làm ra những đồng euro cho Real qua các cỗ máy marketing.
Và cũng vì thế, những cầu thủ phòng ngự thường xuyên bị Florentino Perez lờ đi. Họ thường bị coi là những cầu thủ chơi bóng không đẹp mắt, quá nặng về thể lực và hay bị chân dung hóa trên các phương tiện truyền thông như những kẻ vai u thịt bắp.
Đỉnh điểm của những sai lầm của Perez là khi Claude Makelele ra đi vào năm 2003, đi kèm với bài diễn văn nổi tiếng của cá nhân Perez:
“Chúng tôi sẽ không nhớ tới Makelele. Kỹ thuật của anh ta chỉ ở mức trung bình, anh ta thiếu tốc độ và kỹ thuật để qua người, và 90% những đường chuyền của anh ta là chuyền về hoặc sang bên cánh. Anh ta không biết đánh đầu và hiếm khi chuyền bóng dài hơn 3m. Những cầu thủ trẻ sắp tới đây sẽ khiến Makelele bị lãng quên”.
Lý do của sự ra đi là bởi vì Makelele muốn được trả lương tương xứng như các ngôi sao lớn khác trong đội bóng. Điều này được Raul, Zidane, Morientes và McManaman ủng hộ hết lòng. Makelele khi đó đang là một trong những cầu thủ bị trả lương thấp nhất của đội 1.

Makelele và McManaman là chiến hữu trên sân golf. McManaman cùng các đồng đội đã vận động để Makelele được tăng lương năm 2003.
Makelele và McManaman là chiến hữu trên sân golf. McManaman cùng các đồng đội đã vận động để Makelele được tăng lương năm 2003.

Tuy nhiên, Florentino Perez thẳng thừng từ chối lời đề nghị tăng lương, và Makelele lập tức đòi được đưa vào danh sách chuyển nhượng và sau đó tới Chelsea. Perez đưa về một loạt những cầu thủ tấn công như Michael Owen, Julio Baptista và Robinho, và sau này như chúng ta đã biết, tất cả những cầu thủ này đều mất dạng.
Những trụ cột trong đội, thậm chí cả chính những cầu thủ được đưa tới Madrid vì chính sách “Dải ngân hà”, đã không bằng lòng vì sự thiếu trân trọng của Perez với những cầu thủ phòng ngự. Fernando Hierro và Ivan Helguara sau đó đã rời CLB, trong khi vị trí tiền vệ phòng ngự được Real nhắm cho Patrick Vieira của Arsenal, nhưng thương vụ đổ vỡ vì Perez quyết không trả lương cao cho bất kỳ những ai “đá phòng ngự”.
Danh thủ năm nào còn thuộc nhóm Spice Boys không khỏi chua xót khi nói về những ngày ở Madrid và sự ra đi của Claude Makelele trong cuốn tự truyện El Macca. “Chúng tôi, những cầu thủ cũ của thời đại, là nạn nhân của Galacticos. Tôi đã nghĩ rằng việc tới Tây Ban Nha sẽ tạo cho tôi điều kiện chứng tỏ mình là một cầu thủ giỏi thực sự, chứ không phải là một kẻ thích thác loạn như báo chí Anh đã mô tả”.
“Tôi có cảm giác rằng chính vì những cầu thủ tấn công chơi bóng đẹp mắt như tôi mà những người như Claude đã bị đối xử một cách không công bằng, và sau này những người chúng tôi lại bị bỏ đi để thay vào đó là những cầu thủ khác cũng lối chơi đẹp như chúng tôi từng trình diễn. Florentino đã Disney hóa đội bóng này vì động cơ cá nhân của ông ta. Claude ra đi là khởi đầu cho sự kết thúc của Los Galacticos, và như Fernando (Hierro) đã từng nói, đó là buổi bình minh của Chelsea”.
Câu nói đó đã tiên đoán số phận của Los Galacticos. Quả thực sau khi David Beckham ra đi, cộng thêm việc Florentino Perez từ chức, thời đại “Dải ngân hà” thứ nhất đã chấm dứt trong thất bại.
Những điều nuối tiếc
“Thành thực mà nói, cả ngàn người đã nhìn thấy trước tương lai của Galacticos. Bóng đá không phải là khoa học tên lửa” – McManaman, tạp chí 4-4-2, tháng 10/2004.
Thật ngạc nhiên là, McManaman không bao giờ chỉ trích chính sách “Dải ngân hà” trong suốt những năm ở Bernabeu, cho dù anh là nạn nhân của chính sách ấy. Nhân cách của McManaman đã thay đổi từ khi anh tới Real.
Sự chăm chỉ cũng như hòa đồng với văn hóa TBN khiến Steve McManaman được các đồng đội và cổ động viên Real yêu mến. Anh đã 2 lần được bầu chọn là cầu thủ được yêu thích nhất năm của CLB. Ở Bernabeu, những dư âm từ thời “Kền kền” của Emilio Butragueno vẫn còn vang vọng, và những người Madrid luôn biết cách tri ân cho những ai đá bóng bằng tất cả sự tận tâm, dù người đó có sinh ra ở Madrid hay không.
Hình ảnh ấy thật trái ngược làm sao khi McManaman ở Liverpool là một con người thích vui vẻ, thích những bữa tiệc xa hoa và có một lối sống gấp gáp, buông thả. Thời đại Los Galacticos đã làm thay đổi con người của McManaman theo chiều hướng tốt hơn, nhưng để làm được điều đó, nó đã đưa sự nghiệp của anh rơi xuống mặt đất. 

McManaman luôn cảm thấy cay đắng vì những gì xảy ra với mình ở Madrid.
McManaman luôn cảm thấy cay đắng vì những gì xảy ra với mình ở Madrid.

Có mặt ở La Liga khi vẫn còn đang tại đỉnh cao sự nghiệp ở tuổi 27, McManaman chẳng phải là một cầu thủ quá già đối với Real. Nhưng qua mỗi năm thi đấu, anh càng lúc càng trở thành một cầu thủ dự bị, và từ cuối năm 2001, McManaman bị gạch tên khỏi đội tuyển Anh. Nếu anh dự World Cup 2002, biết đâu anh đã có thể có chức vô địch lớn nhất của đời mình, nhưng thời đại Galacticos đã ngăn cản điều đó. 
Những chiếc cúp vô địch La Liga và Champions League không thể che lấp một sự thật rằng, thời gian của McManaman tại Bernabeu sắp hết. Và khi David Beckham đến từ Manchester United năm 2003, McManaman đã sẵn sàng để trở lại quê nhà.
Nhưng trở lại Manchester City cũng không giúp gì được cho McManaman, người khi đó đã qua tuổi 30 và đã trải qua 3 mùa giải ngồi dự bị nhiều hơn ra sân. Spice Boy năm nào của Liverpool đã bị Sven Goran Eriksson lờ đi khi ĐT Anh dự EURO 2004. Mọi cơ hội giờ đã trôi qua với McManaman, và năm 2005 anh quyết định giải nghệ trong lặng lẽ.

Đó cũng là số phận của những cầu thủ cựu trào khác của Real, như Hierro, Redondo, Makelele, Helguera, Salgado, Morientes... Los Galacticos đã đánh đổi những chiến thắng để lấy cái vẻ bóng bẩy bên ngoài, mà thật trớ trêu làm sao khi cái sự bóng bẩy đó đã vùi lấp một con người một thời hào nhoáng khác, Steve McManaman.
Hoàng Quân