Khi các ông chủ nước ngoài tháo chạy khỏi bóng đá Anh

01/05/2013 15:00
Theo Bóng đá Toàn cầu
Ngành công nghiệp bóng đá Anh quốc đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Sau hơn một thập kỷ bùng nổ nhờ vào các dòng tiền đổ về từ khắp nơi trên thế giới, sẽ ra sao nếu tất cả các ông chủ đồng loạt rút lui? Không còn là lời cảnh báo, điều tồi tệ ấy đang xảy ra.
Những dấu hiệu chẳng lành

Vào đầu năm 2012, người ta nhận thấy một làn sóng các diễn viên nước ngoài (có cả Hollywood) đổ xô tới Bollywood, kinh đô điện ảnh của Ấn Độ. Trong mắt họ đây chính là miền đất hứa thực sự bởi viễn cảnh thù lao ổn định trong khi đất diễn lại nhiều. Con số 1.089 bộ phim được ra rạp tính riêng trong năm 2011, vượt xa cả Hollywood là quá hấp dẫn. Tuy nhiên, những dòng người dồn dập đổ về đây đâu biết rằng tại Bollywood chỉ có hơn 20% các hãng phim làm ăn có lãi và tình trạng cạnh tranh khốc liệt (bị đồng nghiệp sát hại như trường hợp của nữ diễn viên Bidushi Dash Barde hay bắt cóc như Meenakshi Thapar) khiến nhiều diễn viên bàn địa… muốn ra nước ngoài (huyền thoại Bollywood, Amitabh Bachchan tới Hollywood để tìm cơ hội).

John Henry, ông chủ Liverpool.
John Henry, ông chủ Liverpool.

Tình trạng này không khác những gì đang diễn ra ở Premier League. Trong khi một số nhà đầu tư vẫn cảm thấy hấp dẫn với giải đấu hàng đầu nước Anh (như tập đoàn Ooredoo, Qatar xúc tiến mua lại tên sân của Liverpool) thì những ông chủ đang sở hữu một CLB Anh quốc lại muốn dẫy ra. Sau gần một năm nỗ lực, cuối cùng thì Sheik Mansour, ông chủ Man City đã tiến sát đến việc sở hữu một đội bóng ở New York. 100 triệu USD đã được chi ra và “New York City FC” sẽ sớm gia nhập MLS. Trái ngược với các thông tin cho rằng đây sẽ một “chi nhánh” của Man City trên đất Mỹ, một nguồn tin thân cận với các ông chủ Trung Đông lại khiến nhiều người phải giật mình. Sau 5 năm đầu tư, Sheik Mansour bắt đầu chán nản và muốn thoát ly dần khỏi đội bóng thành Manchester. Sẵn sàng chi 100 triệu USD cho một đội bóng còn chưa có hình thù cụ thể ở Mỹ nhưng lại không đưa về Etihad những tên tuổi lớn trong 1 năm qua là những minh chứng cụ thể.

Những diễn biến ở Liverpool cũng cho thấy, sau sự tháo chạy của bộ đôi Tom Hicks và George Gillett, khả năng tỷ phú John Henry sớm nói lời từ biệt là rất cao. Chủ tịch của tập đoàn NESV ngoài việc thương lượng bán tên Anfield còn cố chèo kéo Ooredoo… mua lại Liverpool. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở QPR. Không chỉ các cầu thủ, ngay cả ông chủ Tony Fernandes cũng đang muốn tháo chạy khỏi Loftus Road. Trước đó, cổ đông lớn thứ 2 QPR là ông trùm ngành thép Ấn Độ - Lakshmi Mittal cũng tuyên bố rút vốn.

Vì sao nên nỗi?

Đầu tư vào Premier League, nhưng mỗi ông chủ, mỗi tập đoàn lại có những động cơ khác nhau. Người để thỏa mãn tình yêu bóng đá (Roman Abramovich, Tony Fernandes), người lại muốn quảng bá hình ảnh tập đoàn, hỗ trợ kinh doanh (Sheik Mansour, John Henry) hoặc đơn thuần chỉ là kiếm lời (nhà Glazers, Alisher Usmanov)… Dù với lý do gì đi nữa, nhưng một khi mục đích cuối cùng không đạt được, từ bỏ là điều tất yếu.

Trường hợp John Henry, ông chủ của Liverpool là ví dụ cụ thể. Mua lại đội bóng thành phố Cảng chỉ vì ấn tượng với con số đông đảo các liverpudlian, sau 2 năm rưỡi ông đã nhận ra, con số NHM tăng trưởng không cao. Thậm chí, với thành tích thi đấu bết bát của thày trò Rodgers, nó còn có dấu hiệu sụt giảm. Không giúp ích gì cho việc hỗ trợ kinh doanh của tập đoàn chính New England Sports Ventures, bản thân Liverpool lại ngập trong đống nợ nần, Henry không từ bỏ mới lạ.

Còn với Sheik Mansour, sau 5 năm đầu tư không mệt mỏi về tài chính (gần 2 tỷ bảng đã được ném đi) nhưng Man City vẫn không tài nào bật lên được (thất thế ở Premier League chỉ sau 1 năm lóe sáng, tắt điện toàn phần khi bước ra châu Âu). Mansour không đến với City vì tình yêu, cái ông cần là một đội bóng mạnh mẽ để khuếch trương hình ảnh thế giới Ả Rập. Rõ ràng, Man City đã không hoàn thành nhiệm vụ.

Không phủ nhận Premier League là một thị trường béo bở được bao phủ bởi giới truyền thông hùng mạnh. Vậy nhưng tất cả đều vô hiệu nếu nó không đi cùng với thành tích. Mà các chủ sở hữu bỏ ra đâu ít tiền. Các CLB mở ra cuộc “chạy đua vũ trang” rầm rộ và những bản HĐ đắt giá không ngừng xuất hiện. Chi nhiều, thu ít và liên tục bù lỗ lại thêm những rắc rối về Luật Công bằng tài chính của UEFA, một mớ bòng bong các rác rối bủa vây lấy các ông chủ.

Vì vậy, cách tốt nhất là dừng lại. Hành động tìm đến một thị trường giàu tiềm năng nhưng lại chưa được đánh giá đúng mức như Bắc Mỹ của Sheik Mansour chính là một gợi ý không tồi cho các nhà đầu tư đang quẫn bách ở Premier League.
Theo Bóng đá Toàn cầu