Sao Bayern châm lửa đốt nhà và những bi kịch đời cầu thủ

28/09/2011 08:32
Minh Phương
(GDVN) - Breno đã bị bắt, cảnh sát rồi cũng có thể khép lại hồ sơ vụ án này. Nhưng tại Đức và các nền bóng đá tiên tiến khác, nhiều hồ sơ khác đang được lật lại.
Đó là hồ sơ về một loạt ca stress dẫn đến những cái kết bi kịch cho sự nghiệp và thậm chí là tính mạng của các cầu thủ. Thời nay, bóng đá không còn chỉ là thú vui, là đam mê, mà nó là cả một nền công nghiệp hái ra tiền. Các ông chủ đầu tư vào cầu thủ, lẽ dĩ nhiên là họ đặt vào đó mục tiêu và cả núi áp lực. Những ai không đủ bản lĩnh và may mắn sẽ tự đưa mình xuống dốc và có thể đối diện với cả mớ những hệ lụy khó lường.

Như Breno, trung vệ này phải ngồi dự bị dài dài tại Bayern Munich. Tất cả đâu chỉ có vậy, đó còn là áp lực, là sự coi thường, là chút gì đó hắt hủi từ BHL hay đồng đội. Bởi lẽ, chẳng mấy ai thích một người nhận lương để ra sân và phá đồng đội cả (Breno rất hay mắc sai lầm). Và thế là, với một người Brazil vốn thừa cảm hứng nhưng lại thường thiếu bản lĩnh cùng sự lạnh lùng, cầu thủ mới 22 tuổi đã không thể vượt qua. Anh tự thiêu rụi căn nhà 1,5 triệu euro của mình để rồi giờ đang đối mặt với án tù 1 năm, có thể nó sẽ đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp lận đận của Breno, dù anh mới ở tuổi đôi mươi.
Căn nhà bị Breno thiêu cháy
Căn nhà bị Breno thiêu cháy
Nhìn về quá khứ, hẳn người Đức phải giật mình. Họ từng sản sinh ra một nhạc trưởng tài hoa bậc nhất, một ngôi sao được đánh giá là kỹ thuật thượng thừa. Nhưng, cái cần là một thể lực dẻo dai cùng tâm lý vững chãi, anh lại không có được. Anh chính là Sebastian Deisler. Sớm nổi nhưng cũng sớm chìm vì bệnh trầm cảm khi gặp muôn vàn chấn thương liên miên, tiền vệ kỹ thuật của Bayern đành khép lại sự nghiệp của mình ở tuổi 26 đầy dang dở.

Rồi cách đây 2 năm, người ta còn chứng kiến một kết cục bi thương hơn, khi thủ thành Robert Enke đâm đầu vào đoàn tầu cao tốc và tự kết liễu cuộc đời. Anh đã không thể chịu được cuộc sống thiếu đứa con gái bé bỏng vừa qua đời do bệnh hiểm nghèo, anh cũng không thể chịu được sức ép tại Bundesliga. Hoàn cảnh gia đình của Enke không khác là mấy so với Khalid Boulahrouz. Cô con gái của trung vệ tuyển thủ Hà Lan đã qua đời khi còn chưa được cất tiếng khóc đầu tiên. Nhưng rồi, Boulahrouz vẫn vượt qua, vẫn đi lên từ đau khổ. Và anh đã không chấp nhận kết liễu đời mình như Enke.
Thủ thành đã quá cố Enke
Thủ thành đã quá cố Enke
Sau Enke, dường như cái ‘bóng ma’ trầm cảm vẫn còn lảng vảng tại Hannover. Người kế vị anh trong khung gỗ, Markus Miller cũng rơi vào trạng thái u uất khi liên tục phải ngồi dự bị. Anh sau này đành phải nhờ đến các bác sĩ tâm lý điều trị riêng và nghỉ tập. Từ đó đến nay đã gần 1 tháng và chưa rõ liệu thủ thành này đã có thể trở lại sân chưa.

Vượt ra ngoài nước Đức cũng xuất hiện nhiều trường hợp đáng tiếc. Tại Anh, đáng kể nhất là Michael Johnson. Ở tuổi 20, anh đã được ví von như Gerrard phiên bản mới của bóng đá Anh, được Man City chăm chút, kỳ vọng như là minh chứng sống, chứng minh rằng ‘thiếu gia’ vẫn biết cách đào tạo ra những nhân tài kiệt xuất. Nhưng rồi, Man City và cả Johnson cũng chỉ biết than thân trách phận khi chấn thương cùng căn bệnh trầm cảm đã đẩy tiền vệ 23 tuổi lui vào dĩ vãng. Hai mùa qua, anh dành hầu hết thời gian chữa trị chấn thương và gặp bác sĩ tâm lý. Để rồi giờ đây, Johnson nhìn già hơn cái tuổi 23 rất nhiều, chỉ riêng trình độ của anh thì vẫn còn non. Ở Man City, còn một trường hợp khác là Carlos Tevez. Hè vừa qua, khi không được ra đi và đối mặt với cái nhìn ghẻ lạnh từ các CĐV, tiền đạo người Argentina đôi lúc đã thừa nhận mình trầm cảm nhẹ.
Ở tuổi 23, Johnson đã phải trải qua quá nhiều sóng gió
Ở tuổi 23, Johnson đã phải trải qua quá nhiều sóng gió
Vẫn còn rất, rất nhiều trường hợp chưa tiết lộ, còn nhiều ca bệnh đang âm ỉ trong các cầu thủ. Và từ đó, có thể khẳng định bóng đá đỉnh cao ngoài sự hào nhoáng vẫn còn rất nhiều rủi ro mà những ai theo đuổi sẽ phải đánh đổi.
Minh Phương