Cánh cửa đại học ở Anh thu hẹp do học phí tăng

22/04/2011 16:02
Kể từ năm học tới số lượng tuyển sinh của các trường đại học ở Anh có thể sẽ bị giảm sau khi có tới 2/3 các trường áp dụng mức thu học phí tăng ba lần.

Kể từ năm học tới số lượng tuyển sinh của các trường đại học ở Anh có thể sẽ bị giảm tới 36.000 chỉ tiêu, sau khi có tới 2/3 các trường áp dụng mức thu học phí tối đa lên tới 9.000 bảng/năm, tăng ba lần so với hiện nay.

Theo số liệu các trường báo cáo với Offa - cơ quan giám sát độc lập ở Anh có mục đích đảm bảo sự tiếp cận công bằng cho mọi thí sinh thi vào các trường đại học – gần như toàn bộ các trường đại học ở “xứ sở sương mù” đều có kế hoạch áp dụng mức thu học phí ít nhất 6.000 bảng/năm kể từ năm sau. Mức học phí áp dụng đối với các sinh viên “nội địa” (sinh viên Anh và Liên minh châu Âu) hiện vào khoảng hơn 3.000 bảng/năm (100 triệu Việt Nam đồng).

Đối với sinh viên quốc tế, mức thu phổ biến thường cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần. Việc các trường nộp báo cáo cho Offa là bắt buộc. Những trường nào dự kiến thu hơn mức trung bình sẽ phải kèm theo bản “cam kết công bằng,”,bao gồm các biện pháp nhằm đảm bảo cho những sinh viên nghèo không bị tước mất cơ hội học tập.

Tháng 12 năm ngoái, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu thông qua đề nghị tăng gấp đôi học phí đại học lên 6.000 bảng/năm. Trong một số trường hợp các trường có thể thu tới 9.000 bảng/năm. Quyết định này đã dấy lên những làn sóng phản đối mạnh mẽ trong giới sinh viên, giáo viên toàn quốc. Số liệu báo cáo của các trường cho thấy mức học phí đại học trung bình ở Anh năm tới sẽ vào khoảng 8.500 bảng/người/năm.

Theo cơ chế hỗ trợ hiện nay, các sinh viên sẽ được nhà nước cho vay tiền với lãi suất ưu đãi để trang trải học phí. Họ sẽ chỉ phải hoàn lại sau khi ra trường và tìm được việc làm với mức lương từ 21.000 bảng/năm trở lên. Với việc mức học phí trung bình của các trường sẽ cao hơn nhiều so với dự toán ban đầu, chính phủ Anh sẽ phải chi thêm 450 triệu bảng/năm tiền hỗ trợ học phí nếu không muốn chứng kiến cảnh hàng ngàn sinh viên nghèo sẽ phải đứng ngoài cổng trường đại học.
 

 

Cũng giống như nhiều nơi khác, tấm bằng đại học ở Anh được giới trẻ coi là tấm giấy thông hành để có được một việc làm với mức lương tươm tất. Các chuyên gia ước tính các trường đại học đang đứng trước nguy cơ mất tới 36.000 chỉ tiêu tuyển sinh, chiếm 10% lượng sinh viên được nhận vào các trường đại học năm ngoái trên cả nước.

Không chỉ mất sinh viên trong nước, các trường đại học Anh còn mất cả sinh viên quốc tế nếu học phí tăng mạnh.

Aaron Porter, Chủ tịch Hiệp hội Sinh viên Anh, dự báo sẽ có khoảng 10% thí sinh hoãn đăng ký học đại học do học phí tăng. Trên thực tế, nhiều sinh viên Anh đã tìm cách sang Australia, Canada hay New Zealand, nơi có thể học phí không cao hơn nhưng chi phí nói chung thấp hơn so với ở Anh.

Một điểm đáng chú ý là rất nhiều trường không nằm trong nhóm các trường đại học danh tiếng cũng nhân cơ hội này để tăng học phí lên mức tối đa. Điển hình như các trường Oxford Brookes và East London đều áp dụng mức thu 9.000 bảng, dù không trường nào nằm trong tốp 40 trường hàng đầu. Một nghịch lý nữa là không chỉ cao hơn so với các nước khác, học phí đại học ở Anh trong nhiều trường hợp còn cao hơn cả học phí của các khóa sau đại học, kể cả khi so sánh ở cùng một trường. Khoảng 85% các trường đại học đang thu học phí dưới 9.000 bảng/năm đối với các khóa đào tạo cao học.

Tất nhiên học phí cao học và tiến sỹ dao động rất lớn giữa các trường và giữa các chuyên ngành. Chẳng hạn trường Imperial College London thu tới 27.500 bảng/năm cho khóa cao học về tài chính, nhưng chỉ thu 5.230 bảng cho ngành vật lý lý thuyết.

Tuy nhiên, có một điểm chung là do Chính phủ Anh không kiểm soát học phí đối với các ngành đào tạo sau đại học, mà để các trường tự quyết, nên sinh viên có thể lựa chọn đăng ký ở trường nào rẻ nhất. Chính sách thả nổi học phí, tương tự như ở Mỹ, đã buộc các trường phải cạnh tranh để thu hút sinh viên.

Để tránh bị tăng học phí, hàng chục ngàn sinh viên Anh đã không đăng ký “năm trống” (gap year - trong đó các thí sinh xin bảo lưu kết quả thi đầu vào 1 năm để nghỉ ngơi hoặc lấy kinh nghiệm cuộc sống trước khi học đại học). Theo tổ chức Projects Abroad, số đơn đăng ký “năm trống” năm nay giảm tới 50%./.

Vũ Hội/London (Vietnam+)