Nghe mẹ Hoa so sánh giáo dục Trung Quốc và Mỹ

13/07/2011 01:04
Một bà mẹ người Trung Quốc đã chia sẻ những cảm nhận của mình về sự khác nhau giữa hệ thống giáo dục Trung Quốc và Mỹ bằng những ví dụ rất cụ thể

Một bà mẹ người Trung Quốc đã chia sẻ những cảm nhận của mình về sự khác nhau giữa hệ thống giáo dục Trung Quốc và Mỹ bằng những ví dụ rất cụ thể khi cho cậu con trai học ở một trường tư.

Bài viết ‘Tư duy đánh giá độc ác dẫn đến sự xa lánh những đứa trẻ điểm thấp’ của tác giả Wan Lixin đề ngày 4/7 một lần nữa nhắc nhở chúng ta về những vấn đề đang nổi lên của hệ thống giáo dục hiện tại.

Nếu những đứa trẻ  được đánh giá chỉ dựa vào xếp hạng điểm số, được đối xử và đối xử với nhau khác nhau chỉ vì điểm số, thì khi chúng bước ra xã hội, xã hội không thể hài hòa được.

Năm học đầu tiên của con trai tôi ở một trường tư của New York là một sự tương phản rõ ràng với những gì mà bạn bè của thằng bé học được ở Trung Quốc. Những đứa trẻ trong trường học của con trai tôi được đánh giá ở tất cả các khía cạnh và kết quả học tập chỉ là một phần trong số đó.

Trẻ em ở Mỹ bắt đầu tới trường từ lúc 5 tuổi. Con trai tôi đã hoàn thành lớp A (năm học trước khi bước vào lớp 1). Trong suốt năm đó, chưa từng có bất kì đánh giá nào về khả năng học tập của thằng bé.

 

Trong thẻ báo cáo được giáo viên của tất cả các môn học nhận xét, những lời nhận xét rất hào phóng như ‘tốt’, ‘hài lòng’ được sử dụng trong một số lĩnh vực nhất định đi kèm với những nhận xét chi tiết và kĩ lưỡng về biểu hiện của trẻ. Ví dụ, những kĩ năng xã hội và cá nhân như thể hiện ý thức, sự đồng cảm và sự tôn trọng bạn bè, thói quen làm việc và học tập… - tất cả đều được coi trọng như nhau.

Thậm chí, giáo viên thể dục và khoa học cũng nhận xét xem đứa trẻ đó có phối hợp với bạn bè hay không, hay có chia sẻ dụng cụ với bạn bè hay không.

Chồng tôi và tôi – với tâm lý so sánh con mình với những đứa trẻ khác của người Trung Quốc – đã từng hỏi về xếp hạng của cậu con trai trong lớp học tiếng Anh.

Sự tiến bộ quan trọng hơn

Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, giáo viên từ chối xếp hạng thằng bé và nhấn mạnh rằng mỗi đứa trẻ đều khác nhau. Cô nói rằng sự tiến bộ của trẻ so với trước đây mới là điều quan trọng.

Ngoài ra, nửa năm một lần đều có những cuộc hội thảo giữa giáo viên với từng phụ huynh.

Ở đó, mỗi bậc phụ huynh sẽ có 15 phút để trao đổi với giáo viên của tất cả các môn học về sự tiến bộ của trẻ.

Cuộc trao đổi thông qua những cuộc họp như thế này giúp cả giáo viên và phụ huynh – những người hiểu rõ về trẻ - làm việc cùng nhau để giúp trẻ phát triển và có một năm học tốt nhất.

Rõ ràng, trong một hệ thống giáo dục như vậy, trẻ được đối xử như những cá nhân riêng biệt. Sự phát triển của chúng được đánh giá dựa vào những gì trẻ đã làm được, thay vì dựa vào xếp hạng trong lớp. Các giáo viên yêu quý tất cả học sinh. Con trai tôi là đứa nhỏ nhất trong lớp và thằng bé đã không hành xử đúng mực hồi đầu năm học.

Ví dụ, thằng bé nói to và ngắt lời người khác khi họ đang nói chuyện, đi chào hỏi bạn bè Trung Quốc ở phòng học kế bên sau khi đã dùng phòng tắm giữa giờ học.

Kết quả là tôi được giáo viên chủ nhiệm mời tới gặp một vài lần để bàn về việc có thể làm gì để giúp thằng bé cải thiện tình hình.

Lúc đó, tôi đã rất lo lắng về việc những hành vi sai trái diễn ra thường xuyên của thằng bé sẽ khiến giáo viên không thích nó, tuy nhiên những lo lắng của tôi hoàn toàn không cần thiết khi con trai tôi yêu quý các giáo viên và họ cũng yêu quý thằng bé.

Ngoài ra, việc nuôi dưỡng sự tự tin của trẻ là một phần quan trọng trong công việc của giáo viên. Giáo viên chủ nhiệm của con trai tôi không bao giờ gạch chéo trong sách bài tập của học sinh. Thay vào đó, nếu trẻ trả lời sai, cô chỉ viết một kí hiệu.

Sự tự tin


Cô giải thích với tôi rằng, thông thường cô sẽ yêu cầu trẻ giải thích tại sao chúng lại lựa chọn câu trả lời đó, sau đó cô sẽ đề nghị chúng suy nghĩ lại và gợi ý chúng suy nghĩ. Sự tự tin cũng được phát triển thông qua những hoạt động như đọc truyện trước lớp và tự viết những câu chuyện của riêng mình, sau đó chia sẻ với cả lớp.

Tôi tin rằng động lực lớn nhất để một đứa trẻ học tập chăm chỉ là cảm giác được giáo viên yêu quý.

Theo Chinadaily/Vietnamnet