Trung Quốc: Vào đại học không còn là "lá bùa hộ mệnh"

13/06/2011 00:23
(GDVN) - Pan Yingjie, hiệu trưởng trường ĐH Hàng hải Thượng Hải, có thể không bao giờ quên mùa hè năm 1977, khi một kỳ thi đại học đã làm thay đổi cuộc đời.

(GDVN) - Pan Yingjie, hiệu trưởng trường đại học Hàng hải Thượng Hải, có thể không bao giờ quên mùa hè năm 1977, khi một kỳ thi đại học đã làm thay đổi cuộc đời của ông.

{iarelatednews articleid='4340,4007'}

Đổi đời nhờ thi đỗ đại học

Đó không phải là khoảng thời gian dễ dàng đối với một thanh niên 27 tuổi như Pan Yingjie vì cuộc sống dường như rất ảm đạm khi hàng ngày phải làm việc vất vả tại một nhà máy sản xuất phân bón ở tỉnh An Huy. Điều này không chỉ ‘mài mòn’ ý trí của Pan mà còn khiến người vợ đang mang bầu của anh đổ bệnh.

Mặc dù bố mẹ đều là giáo sư tại một trường đại học ở Thượng Hải, nhưng Pan, giống như những người cùng tuổi khác, không có cơ hội học đại học vì hệ thống giáo dục ở Trung Quốc ngừng hoạt động trong thời gian diễn ra cuộc ‘cách mạng văn hóa’ (1966-1976).

Những sinh viên đầu tiên sau cuộc 'cách mạng văn hóa' ở Trung Quốc
Những sinh viên đầu tiên sau cuộc 'cách mạng văn hóa'
ở Trung Quốc

10 năm diễn ra cuộc ‘cách mạng văn hóa’ đã khiến hệ thống giáo dục của Trung Quốc bị tạm dừng. Không chỉ kỳ thi vào đại học bị tạm dừng, một lượng lớn những thanh niên ở thành phố như Pan bị buộc phải làm tại các khu vực nông thôn.

Vào tháng 8/1977, Trung Quốc đã lần đầu tiên mở lại cuộc thi tuyển sinh đại học trên toàn quốc. Trong đợt thi tuyển này, gần 5,7 triệu thí sinh tham gia và chỉ có 4,7% trong số này được lựa chọn. Mặc dù số lượng thí sinh được lựa chọn rất ít, nhưng đây là cơ hội cho những thanh niên gốc thành phố như Pan thay đổi công việc và có một cuộc sống tốt hơn.

Với khao khát cháy bỏng được vào đại học, Pan đã thi đỗ vào trường đại học Nông nghiệp An Huy và anh là một trong những sinh viên đầu tiên tốt nghiệp trong những năm 1980. Thế hệ sinh viên này có đặc điểm chung là có niềm đam mê nghiên cứu và học hỏi.

Sau 10 năm, giáo dục đại học bị tạm ngừng, nền Trung Quốc rất thiếu những người tài với trình độ đại học. Vì thế, việc vượt qua kỳ thi đại học quốc gia là một tấm vé để tìm được một cơ quan hay doanh nghiệp của nhà nước và Pan là một người may mắn như vậy.

Nghịch lý của nền giáo dục Trung Quốc

Tuy nhiên, vào năm 1999 ‘ vòng quay may mắn’ dường như không đến tới những sinh viên hiếu học thuần túy - Wu Xiaofeng, một chàng trai sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Dengtun thuộc tỉnh Liêu Ninh.

Một tương lai rộng mở và một công việc sáng lạng dường như đang chờ Wu Xiaofeng sau khi cậu học sinh này đỗ thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 1999. Wu Xiaofeng đang nộp đơn xin học tại trường đại học Peking.

“Tất cả mọi người trong làng đều rất tự hào về thành tích ấn tượng của cậu ấy và mọi người đều rất kỳ vọng vào tương lai của ấy. Rất nhiều người trong số chúng tôi tin cậu ấy sẽ làm cho một cơ quan nhà nước ở thành phố sau khi tốt nghiếp”, một người hàng xóm với nhà Wu cho biết.

Tuy nhiên, ngược với kỳ vọng của mọi người, Wu đã không thể tìm được một công việc tại Bắc Kinh hay Đại Liên sau khi tốt nghiệp đại học, mà đã trở về quê làm một nông dân trồng táo

Học sinh ôn luyên căng thẳng cho kỳ thi tuyển sinh đại học.
Học sinh ôn luyên căng thẳng cho kỳ thi tuyển sinh đại học.

Nguyên nhân khiến Wu không tìm được một công việc cho dù chàng sinh viên này đã tốt nghiệp khoa y thuộc trường đại học Peking là do cuộc cạnh tranh việc làm ở thành phố rất khắc nhiệt, trong khi, lượng việc làm chỉ có hạn.

“Một nguyên nhân khiến Wu không tìm được việc làm ở thành phố có thể là do cậu ấy không có kỹ năng giáo tiếp tốt”, một giáo viên, dạy Wu ở cấp PTTH, nhận định.

Trường hợp của Wu phản ánh nghịch lý của hệ thống giáo dục ở Trung Quốc hiện nay. Những kỹ năng như, kinh nghiệm thực tế và khả năng giao tiếp tốt rất cần thiết, nếu muốn thành công trong một thị trường việc làm cạnh tranh. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục hiện tại của Trung Quốc không đào tạo được những kỹ năng này cho sinh viên.

“Tại Trung Quốc ngày nay, kỳ thi tuyển sinh đại học không còn là tấm vé thay đổi số phận của từng sinh viên như trước đây”, Xiong Bingqi, phó giám đốc Viện nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21, nhận định. Bởi vì, thi đỗ đại học không đảm bảo bạn sẽ tìm được một công việc tốt sau khi tốt nghiệp.

Đây có thể là nguyên nhân khiến ngày càng nhiều học sinh PTTH tại các thành phố lớn ở Trung Quốc tính tới phương án du học để đề phòng trường hợp họ không thi đỗ kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc. Theo ước tính của Bộ giáo dục Trung Quốc, khoảng 1,27 triệu học sinh nước này đi du học trong năm 2010.

Hà Anh (China Daily)