1 tuần mỏi chân tại "thánh địa hàng lậu"

25/03/2013 08:29
Theo Người đưa tin
"Chỉ mở buổi sáng thôi mà hàng Trung Quốc đã phủ toàn thế giới. Nếu mở cả ngày, chắc phải lên tận... sao Hỏa"... - Một "tai" cười cười bằng thứ tiếng Việt lơ lớ.

Ngày tôi lên đường khám phá "kinh đô hàng chợ" là ngày Hà Nội trở gió, trời lạnh căm căm và gió mùa đông bắc rít lên từng chập tê tái. Thế nhưng, tại Quảng Châu (Trung Quốc), giữa tiết trời lạnh giá với nền nhiệt độ luôn thấp hơn Hà Nội từ 2-3oC, chúng tôi đã phải vã mồ hôi như tắm, chật vật xoay sở để thâm nhập vào những gian hàng bé tí xíu và kin kít người của khu chợ khổng lồ có tên là "Chợ 13" (tiếng Hán: Shi shang hang).

Chợ chỉ mở đúng đến 12h trưa và sau đó là các nỗ lực cứng rắn của ban quản lý chợ nhằm... đuổi khách. Người "tai" (hướng dẫn viên) của chúng tôi vừa khệ nệ xách từng túi hàng nặng trịch vừa cười cười giải thích bằng thứ tiếng Việt lơ lớ: "Chỉ mở buổi sáng thôi mà hàng Trung Quốc đã phủ toàn thế giới. Nếu mở cả ngày, chắc phải lên tận... sao Hỏa"...

Thủ phủ của hàng vạn “hướng dẫn viên”

Anh "tai" Lục vốn người gốc Thẩm Quyến, nhà ở vùng nông thôn, hiện tại vợ và hai con vẫn ở quê. Theo chia sẻ, anh giỏi tiếng Việt vì sinh ra và sống tới tận năm 13 tuổi ở Móng Cái (Quảng Ninh). Sau năm 1979, anh và gia đình về lại quê hương và sống bằng nghề trồng vải. Khoảng 15 năm trở lại đây, nhận thấy người Việt sang giao thương tại Quảng Châu ngày một đông, nghề "tai" có triển vọng, anh và ba bạn đồng hương thuê một căn hộ nhỏ ở Quảng Châu rồi mưu sinh bằng nghề. "Mỗi tháng tôi đi dẫn khách khoảng 20 ngày, tiền ăn trưa được khách mời, trừ các chi phí cũng để dành được khoảng 3.000 tệ gửi về cho vợ con", anh Lục thật thà chia sẻ khi đưa chúng tôi băng qua đường để đến khu chợ đầu tiên trong lịch trình - chợ 13.

Theo đó, vì lượng khách khắp thế giới đổ về Quảng Châu mua hàng rất lớn nên đội ngũ "tai" ở đây cũng rất hùng hậu, chia làm nhiều nhóm tùy theo ngôn ngữ sử dụng và đối tượng khách hàng của "tai". Dựa theo tiền công của các "tai", có thể nhận biết được tương đối tầm quan hệ của các "tai" đến đâu. "Có những "tai" đòi tới 1.000 - 2.000 tệ/ngày, nhưng họ sẽ dẫn khách đến những nơi bán hàng giá gốc rất rẻ, thậm chí tới tận xưởng sản xuất để đặt hàng. Những nơi này sẽ không bán hàng theo đơn vị chiếc mà là đơn vị trăm, đơn vị nghìn, phù hợp với những nhà buôn lớn", anh Lục cho biết. Thù lao chúng tôi trả anh là 250 tệ/ngày.

Anh Lục chia sẻ, người Quảng Châu rất lười học ngoại ngữ, thậm chí còn không biết nhận mặt chữ la tinh. Hầu hết người dân chỉ biết nói tiếng địa phương, kể cả lễ tân của khách sạn 5 sao. Vì vậy, nghề "tai" của anh vẫn có đất dụng võ, bởi khách đến Quảng Châu đa phần là người nước ngoài, chủ yếu là từ khu vực Đông Nam Á, Mỹ La tinh và châu Phi. Khách châu Âu hiếm hơn nhưng không phải không có. Nhiều người Trung Quốc ở vùng khác đến Quảng Châu nhập hàng cũng phải nhờ đến "tai" để dẫn đường và tìm các mối hàng.

Hiện ở Quảng Châu có tới hàng vạn người làm nghề "tai", gồm đủ các lứa tuổi. Ngoài ra, sinh viên bản xứ kiếm thêm tiền bằng nghề dẫn khách cũng không phải hiếm.

Lạc giữa mê cung hàng chợ

Chợ 13 là một tổ hợp nhà cao tầng đồ sộ rộng rãi, tọa lạc ngay trung tâm thành phố. Đây là khu chợ bán quần áo loại bình dân quy mô nhất Quảng Châu. Chưa đến 8h sáng nhưng cảnh buôn bán đã diễn ra vô cùng hối hả. Khắp nơi kin kít người, chen chúc để có một vị trí mua sắm thuận lợi. Bên ngoài tòa nhà, hàng nghìn người đang khẩn trương đóng gói và vận chuyển những bao hàng đủ màu sắc và kích cỡ.

Rất nhanh, anh Lục gạt đám đông, kéo chúng tôi nhích chân từng bước vào chợ bằng cổng chính, nơi có rất đông bảo vệ đứng kiểm soát, hòng không cho bất cứ ai mang vác hàng cồng kềnh vào bên trong chợ, chỉ trừ cửu vạn chuyên nghiệp đeo thẻ, mặc đồng phục. Bên trong chợ, cảnh tượng thậm chí còn tấp nập và đông đúc hơn nhiều so với bên ngoài. Trong một diện tích rộng rãi, ước chừng bằng một sân đá bóng (chỉ tính mặt bằng 1 tầng), hàng nghìn gian hàng (ki ốt) nhỏ tí xíu được chia đều tăm tắp, nằm san sát và đối diện nhau bởi những lối đi nhỏ. Những lối đi này sâu hun hút, cắt ngang cắt dọc liên tục cốt để số lượng ki ốt có thể tăng lên tối đa. Để tránh lộn xộn, các ki ốt đều có biển hiệu và được đánh số thứ tự, mặc dù trên thực tế quan sát, có những gian chỉ rộng chưa đầy 2m2 vẫn phải chia làm đôi cho hai tiểu thương buôn bán đồng thời. Được biết giá thuê mỗi ki ốt như vậy là từ 6 nghìn - 1 vạn tệ/tháng.

Tất cả sự sắp xếp ấy khiến chợ 13 trông như một mê cung khổng lồ với bạt ngàn quần áo và đồ thời trang chủ yếu phục vụ nữ giới. Anh "tai" Lục cho biết, tuy trong chợ có hàng nghìn gian hàng, nhưng rất hiếm gặp hiện tượng bị trùng mẫu quần áo. Đằng sau mỗi gian hàng nhỏ xíu ấy là cả một kho xưởng cực lớn, khách muốn lấy bao nhiêu cũng có. "Hàng vạn tiểu thương trong chợ đều là bán hàng lâu năm, có uy tín nên cũng không sợ bị nói thách nhiều, nhất là khi mua buôn. Ở đây người ta không bán lẻ hoặc có bán thì lại rất đắt", anh Lục cho biết.

Chúng tôi quyết định dừng chân tại một gian hàng nhỏ, đánh số thứ tự 2612 của ba cô gái trẻ. Một người ngồi sau quầy bày la liệt quần áo mùa đông, còn hai cô đứng bên rìa, liên tục chào mời khách. Các cô gái kiêm luôn người mẫu, mặc luôn những mẫu quần áo gian hàng mình bán. Tại đây, Tâm chọn được khá nhiều mẫu ưng ý với giá dao động từ 30 - 50 tệ/chiếc (khoảng 120 - 160 ngàn đồng) với điều kiện mỗi mẫu phải mua ba chiếc trở lên. Tâm nói, cô sẵn sàng bỏ ra từ 400 - 600 đồng để mua những mẫu quần áo này nếu ở Việt Nam, và cô tin cô cũng sẽ bán được với giá đó. Sau khi thanh toán tới gần 1.000 tệ, chủ shop đưa cho Tâm hóa đơn rồi hẹn nửa tiếng sau quay lại lấy hàng. Anh Lục ghi lại cẩn thận tên hàng hóa và địa chỉ gian hàng vào quyển sổ tay nhỏ. Lát nữa chính anh sẽ lãnh trách nhiệm đi gom hàng về.

Cứ thế suốt buổi sáng hôm ấy, nhóm chúng tôi đã rảo bước qua rất nhiều ki ốt nhỏ của chợ 13. Mỗi ki ốt đều là những mẫu mã quần áo, túi xách, thắt lưng... khác nhau với giá cả thì đều ở mức rẻ... giật mình. Dừng chân ở đâu, Tâm cũng sà vào muốn mua thêm nữa nhưng lượng tiền có hạn lại thôi. Anh Lục hiểu ý cười, nói đại ý rằng tiền không bao giờ là đủ ở Quảng Châu, bất cứ khách buôn mới nào cũng sẽ rơi vào trạng thái như Tâm cả. Đến khoảng 12h, khi Tâm đã nhặt và gom lại được khoảng 6-7 túi hàng to thì chợ 13 bắt đầu ngắt điện dần từng tầng một. Anh Lục giải thích rằng chợ chỉ mở buổi sáng nên chúng tôi cần nhanh chóng thoát ra ngoài.

Quả là, lúc rời khỏi "mê cung" này mới thực sự là nan giải. Bởi cuộc "tháo chạy" còn khó khăn hơn lúc chúng tôi vào gấp bội, vì ngoài những cơ thể mệt rã rời, chúng tôi phải kéo theo hàng đống đồ lỉnh kỉnh vừa mua. Tâm vẫn còn rất nuối tiếc, cô áng chừng mới chỉ đi được 1/3 chợ, và rất muốn được mua thêm nữa...

Tiền không bao giờ là đủ ở Quảng Châu

Ở Quảng Châu có đến hàng chục ngôi chợ rộng tương tự Chợ 13 với nhiều tầng lầu chuyên bán hàng hóa chuyên dụng: quần áo, đồng hồ, điện thoại di động, đồ da, đồ chơi trẻ em, đồ lưu niệm, máy tính, thiết bị âm thanh... Khách hàng được chia làm hai loại: "tả bao" là khách hàng lớn, mua mỗi lần nguyên kiện hoặc cả dây hàng đủ các size, kiểu. "Nả hua" là khách mua hàng lẻ nhưng cũng phải 3-5 cái/loại như chúng tôi. Quảng Châu từ lâu được thừa nhận là địa chỉ số 1 cung cấp hàng bình dân (hàng chợ) cho hầu hết phần còn lại của thế giới, được gọi vui là "kinh đô hàng chợ". Và ở đây, tiền không bao giờ là đủ!

Quy tắc số 2: "Đánh hàng" chỉ là mỹ từ

Nghĩ đến cảnh tượng lại phải kéo nhau rồng rắn qua hàng nghìn ki ốt nữa, rồi lại hỏi, lại mặc cả, lại nhặt nhạnh từng mẫu hàng trong một mà mắt tôi hoa hết cả lên. Hóa ra, sang Trung Quốc "đánh hàng" không mỹ miều như tôi vẫn tưởng. Bất kể chủ shop lớn hay nhỏ (có lẽ chỉ trừ những "tay to"), cứ hễ sang đến Quảng Châu nhập hàng thì đều phải cất công đi chọn từng mẫu một, cho đến khi đủ hàng mới thôi.

Theo Người đưa tin