Bí quyết phân biệt mỹ phẩm thật - giả

16/11/2011 06:00
Ngọc Phan (Tổng hợp)
(GDVN) - Hiện rất nhiều cửa hàng mỹ phẩm treo biển đại lý bán hàng chính hãng khiến cho nhiều người phải nghi ngờ liệu có phải là hàng thật hay chỉ là hàng giả.

Tràn lan mỹ phẩm giả

Sài Gòn có chợ Kim Biên, Hà Nội có chợ Đồng Xuân, đó là những “thánh địa” của các loại mỹ phẩm giả. Không chỉ vậy, hiện các đại lý, cửa hàng bán lẻ cũng bày bán la liệt các loại mỹ phẩm được gắn mác các thương hiệu nổi tiếng như L’Oréal, Mac, Bourjois, Dior… Và giá cả ở đây cũng rẻ bất ngờ với sale off lên đến 40 - 50%.

Mỹ phẩm nổi tiếng "siêu giảm giá", nếu người tiêu dùng ham rẻ, thiếu thông tin sẽ dễ dàng sập bẫy mỹ phẩm giả. (Ảnh Vietnamnet)
Mỹ phẩm nổi tiếng "siêu giảm giá", nếu người tiêu dùng ham rẻ, thiếu thông tin sẽ dễ dàng sập bẫy mỹ phẩm giả. (Ảnh Vietnamnet)

Hàng nhái được làm tinh xảo từ mẫu mã, màu sắc cho đến mùi hương khiến cho nhiều người khó có thể phân biệt. Nhiều khách hàng sau khi mua các sản phẩm mỹ phẩm về dùng thì bị dị ứng, nổi mẩn, thậm chí phải nhập viên cấp cứu.

Chị N.V.N (quận 7 – TPHCM) khi chị mua chai dầu gọi L’Oréal Professionnel sử dụng 3 lần, chị thấy đầu bị ngứa, da đầu bong tróc từng mảng. Khi đổ dung dịch trong chai dầu gội của chị N. ra thau thì thấy dung dịch có hai màu khác biệt.

Chị N. đến công ty L’Oréal VN để phản ánh sự việc. Kết quả kiểm tra cho thấy sản phẩm chị N mua phải là hàng giả. Ông Nguyễn Thanh Phong, chuyên viên kỹ thuật ngành hàng tóc chuyên nghiệp Công ty L’Oréal VN, giải thích: Chai dầu chị N. mua có hai màu vì 2/3 dung dịch dưới đáy chai là dầu giả, 1/3 phía trên chai là dầu thật. Đây là chiêu thức mới của những người làm hàng giả, để khi mở sản phẩm ra kiểm tra, người tiêu dùng thấy màu sắc và mùi giống hàng thật nên tưởng lầm là hàng chính hãng.

Trường hợp khác là chị V.K.L (Hoàn Kiếm - Hà Nội) khi mua mascara Maybelline tại một cửa hàng trên phố Cầu Giấy. Về nhà mở ra thấy dung dịch bên trong lỏng như nước và có mùi rất khó chịu. Nhìn trên bao bì thấy ghi nhà phân phối là Công ty TNHH Phú Việt, quận 1 – TPHCM nhưng số điện thoại lại ở tận Hà Nội là 04.9910950. Thấy lạ, chị L. tìm hiểu mới biết nhà phân phối chính thức của sản phẩm Maybelline ở VN là Công ty TNHH Nhân Việt, quận 4 – TPHCM. Đại diện nhà phân phối chính thức cho rằng: Cửa hàng ở phố Cầu Giấy không ký hợp đồng với nhà phân phối, kinh doanh hàng giả...

Bà Phan Ngọc Thanh, Giám đốc ngành hàng tiêu dùng Công ty L’Oréal VN, cho biết: Những chuyên gia trong ngành cũng khó phân biệt vì cách làm “siêu” giả từ hình thức đến chất lượng. Có những sản phẩm mới tung ra thị trường chỉ một thời gian ngắn đã bị làm giả. Như dòng sản phẩm Men Expert dành cho nam giới của L’Oréal có mặt vào tháng 3, nhưng  đến giữa tháng 4, thị trường đã tràn ngập hàng giả.

Ngay cả mỹ phẩm cao cấp Lancôme cũng bị làm giả. Hai thương hiệu dầu thơm nổi tiếng trên thế giới như Tresór, Miracle cũng bị tương tự. Theo bà Vũ Thị Nga, chuyên viên đào tạo ngành hàng Lancôme tại VN: Để qua mắt người tiêu dùng, những người bán hàng giả của Lancôme với giá tương đương với hàng thật. Nhiều mẫu mã không còn lưu hành trên toàn cầu từ cách đây 10 năm nhưng vẫn xuất hiện ở VN.

Cách phân biệt hàng thật – hàng giả

Theo các chuyên gia của mỹ phẩm Lancôme, Maybelline, L’Oréal... có hai cách phân biệt hàng thật với hàng giả là hình thức và cảm quan.

Về hình thức: Trên bao bì có in trực tiếp mã code (có tác dụng truy nguồn gốc từ nước sản xuất, hồ sơ nhập hàng qua hải quan, nước đến). Một số sản phẩm bằng tuýp, ở phần đuôi có đóng nổi hạn sử dụng và mã code. Còn mã code của sản phẩm giả được in trên giấy rồi dán lên bao bì.

Mã vạch chính là dấu hiệu để phân biệt sản phẩm thật và sản phẩm giả (Ảnh: Tamnhin)
Mã vạch chính là dấu hiệu để phân biệt sản phẩm thật và sản phẩm giả
 (Ảnh: Tamnhin)

Ở trên bao bì của hàng giả, có thể nhìn thấy nhiều kiểu trình bày in ấn không rõ ràng nổi bật, ví dụ những câu chữ quá nhỏ hoặc quá mập mờ. Phải nắm rõ sản phẩm mình định mua, đừng để bị lừa bởi các sản phẩm nhái thường biến đổi một số chữ trên tên sản phẩm như: Lamcome thay vì Lancome; Kenzzo thay vì Kenzo; Lokasta hay vì Lacoste…

Những câu viết trên hàng thật thì luôn rõ ràng và ngắn gọn súc tích. Bao bì phải chắc chắn, được làm từ bìa cứng hoặc giấy có chất lượng tốt. Những lọ nước hoa hay mỹ phẩm đắt tiền không chỉ là cách thể hiện và thu hút sự chú ý của khách hàng mà còn là sự bảo đảm về tính chất xác thực của sản phẩm, và một sản phẩm nhái khó lòng có thể bắt chước y hệt toàn bộ sản phẩm thật..

Vỏ nhựa (thủy tinh) của sản phẩm bóng, đẹp, sắc nét và tinh xảo; logo cũng như các chữ viết trên đó sắc cạnh, không lem nhem và dây mực; các đường viền, nét cạnh, gờ của vỏ nhựa (thủy tinh) được cán sắc sảo.

Về mặt cảm quan: Son, phấn mắt và phấn má hồng khi trang điểm trên da có cảm giác nhẹ, mùi thơm nhẹ và dễ chịu, độ phủ mịn, đều. Thoa thử lên tay sẽ thấy độ bóng , mịn. Còn sản phẩm giả gây cảm giác bì và nặng da, mùi thơm nồng. Dầu thơm thật có mùi thoảng nhẹ nhưng thời gian giữ mùi lâu đến 12 giờ. Còn dầu thơm giả do có độ cồn nhiều nên ngay khi xịt, mùi khuếch tán mạnh có thể gây nhức đầu và chỉ giữ mùi trong 1 giờ.


Mỹ phẩm L'Oreal thật và giả
Mỹ phẩm L'Oreal thật và giả

Lưu ý trước khi có quyết định mua mỹ phẩm, bạn nên đến gặp các chuyên viên tư vấn soi da để xác định loại mỹ phẩm phù hợp và dùng thử sản phẩm tặng để biết da có bị kích ứng hay không, sau đó nên kiểm tra nhãn mác.

Nên đọc kỹ nhãn, mác, chọn mua những sản phẩm có nguồn gốc, tìm có nguồn gốc, tìm hiểu kỹ loại sản phẩm mình định mua, chọn những mỹ phẩm có uy tín, được chiết xuất từ thiên nhiên đảm bảo an toàn cho da.

Ngọc Phan (Tổng hợp)