Mã số 11:

Cám cảnh thân cò “nuôi đủ 5 con với 1 chồng…”

19/03/2012 06:00
Đức Tình
(GDVN) - Khi đến thăm nhà anh Đoàn Văn Minh ở xóm 2, xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Lưu, Nghệ An ai cũng phải cảm thấy mủi lòng, thương xót cho một gia cảnh éo le. 
Đó là cảnh người chồng bị bệnh tâm thần, mất trí đi lang thang khắp nơi. Một mình bà vợ phải cáng đáng công việc gia đình với 5 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Cộng thêm đó là bà cô què quặt, chỉ ngồi được một chỗ. Éo le đến đến cùng cực Anh Đoàn Văn Minh sinh năm 1969 và vợ là chị Trần Thị Hoàng sinh năm 1972. Theo lời bác ruột của anh Minh, anh đi bộ đội năm 1988. Lúc đầu, anh được tham gia huấn luyện ở Như Xuân, Thanh Hoá. Được 1 năm, anh chuyển về Anh Sơn, Nghệ An. Sau đó 3 tháng, anh lại chuyển về Quân khu 4, ở Vinh. Không may mắn cho anh, mới tuổi đôi mươi, hăng hái và nhiệt huyết, nhưng căn bệnh thần kinh quái ác đã buộc anh phải xuất ngũ vào tháng 2 năm 1990. Lúc mới về, có lúc tưởng như bệnh đã khỏi, anh tham gia sản xuất ở quê và lập gia đình với chị Hoàng và đã có 5 mặt con. Thế nhưng, căn bệnh thần kinh đã không buông tha anh. Anh Minh, trụ cột gia đình giờ đây đã không thể làm tròn trách nhiệm. Anh phải điều trị bệnh ở khắp các bệnh viện, từ Vinh ra Thanh Hoá. Bao nhiêu công sức, tiền của của đôi vợ chồng trẻ tích góp rồi đi vay mượn khắp nơi cộng với sự giúp đỡ của hàng xóm, họ hàng, tất cả đều vô hiệu. Bệnh tình của anh càng lúc càng nặng, lúc tỉnh, lúc mê, lúc thôi, lúc tái phát. Không những không làm được gì phụ giúp gia đình, anh còn không thể tự mình chăm sóc bản thân, đi rông ngoài đường suốt ngày có lúc qua đêm không về, nằm đầu đường xó chợ, có lúc còn làm mất chiếc xe đạp là tài sản đáng giá của gia đình. Mọi gánh nặng giờ đây đè nặng trên đôi vai người vợ. Ở vùng quê thuần nông, mọi chi tiêu, sinh hoạt đều nhờ vào mấy đồng ruộng. Chỉ với 2 sào ruộng, chị Hoàng phải nỗ lực, bươn chải từng ngày, lo thuốc thang điều trị cho người chồng bệnh tật, lo cho bữa cơm hàng ngày của 5 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Chừng đó đã quá vất vả với một người phụ nữ rồi, nhưng chị vẫn cố gắng tằn tiện, chắt chiu cho tất cả các con được đến trường, được kiếm cái chữ.
Cả gia đình 8 miệng ăn chỉ trông vào 2 sào ruộng
Cả gia đình 8 miệng ăn chỉ trông vào 2 sào ruộng 
Có lẽ cuộc đời vẫn đang muốn thử thách chị, khi trong gia đình còn có một người cô ruột bị què, teo chân, không làm được việc gì, suốt ngày chỉ ngồi một chỗ.
Việc làm thêm này chả thấm vào đâu với 8 miệng ăn
Việc làm thêm này chả thấm vào đâu với 8 miệng ăn
Bên cạnh công việc đồng áng, chị và các con còn tranh thủ chẻ que nhang để kiếm thêm thu nhập, nhưng chẳng được là bao khi 1 yến que khô giá 15.000 đồng, thu nhập chỉ khoảng 150.000 đến 200.000đ /tháng.“Con thương mẹ nhất, mẹ nhọc lắm…” Niềm tin, niềm an ủi của chị Hoàng đầu tiên là những đứa con của chị. Trong 5 đứa, em Hồng là chị cả hiện đang học lớp 11, đứa bé nhất mới chỉ lớp 1. Biết rõ hoàn cảnh gia đình khó khăn của gia đình mình, dù đang còn nhỏ nhưng các em rất chăm ngoan, cố gắng phụ giúp mẹ chăm lo cho gia đình. Công việc bắt cua, bắt ốc, đánh cò, nhặt cỏ ngoài đồng...là công việc thường nhật của các em sau mỗi buổi đến trường. Không những thế, chị cả Hồng còn cùng với các anh chị trong làng đi lắp bật gas để phụ thêm tiền cho mẹ lo cho các em. Tháng nào cao nhất em có thể được 200.000 đồng, nhưng công việc thì ít nên tháng có, tháng không, rất thất thường.
Em Hồng mơ ước sau này sẽ có 1 công việc ổn định để phụ giúp cha mẹ và các em
Em Hồng mơ ước sau này sẽ có 1 công việc ổn định để phụ giúp cha mẹ và các em
Hồng xúc động chia sẻ: “ Gia đình cháu nghèo quá, mỗi khi nhắc đến nhà cháu, hay khi cô giáo nhắc tiền học phí, tiền quỹ là các bạn lại cười. Cháu ước mơ sau này có một công việc ổn định để phụ giúp cha mẹ và các em”. Dù sắp lên lớp 1, nhưng Cường đứa em út vẫn ngọng nhịu: “Con thương mẹ nhất... mẹ nhọc lắm”.
Bà con hàng xóm, họ hàng cũng là nguồn động viên lớn cho gia đình. Những lúc trong nhà không còn một đồng tiền, một hạt gạo, bà con hàng xóm cũng thường xuyên giúp đỡ, góp tiền, đong bơ gạo mang đến nhà cho chị. Bởi từ đầu làng đến cuối làng, ai cũng biết và thương cảm với gia đình chị Hoàng. Chị Nguyễn Linh, hàng xóm của gia đình chị Hoàng nói: “Cùng lứa tuổi với chị Hoàng, nhưng tôi thấy nó cực quá! Nhiều khi sang giúp nó việc nhà mà nọ thấy vào mô cả”.
Mọi sự giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với gia đình chị Hoàng lúc này là vô cùng cần thiết và quý giá
Mọi sự giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với gia đình chị Hoàng lúc này là vô cùng cần thiết và quý giá
Gia đình chị Hoàng cũng được trợ cấp 270.000 đồng/tháng cho chồng bị tâm thần, 180.000 đồng/tháng cho người cô bại liệt, rồi quỹ hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho người nghèo, nhưng tất cả cũng không thấm vào đâu cho tiền thuốc, tiền điều trị cho chồng, tiền học cho con cái... Trước thời buổi mọi thứ đều leo thang, giá cả đắt đỏ, ước mơ có được ngôi nhà nhỏ sạch sẽ hơn, an toàn hơn cũng là quá xa vời đối với gia đình chị. Dù được hỗ trợ nhưng với số tiền nhỏ nhoi ấy, đến bao giờ mái ấm của 8 con người khổ cực ấy mới hoàn thành? Mọi khó khăn, cực nhọc sẽ phần nào vợi bớt khi có sự chung tay chia sẻ của những tấm lòng hảo tâm.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Chị Trần Thị Hoàng. Địa chỉ: Xóm 2, xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Lưu, Nghệ An
Mã số 11

2. Hoặc gửi về Quỹ Tấm Lòng Việt Nam - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

3. Qua Ngân hàng:

- Tên Tài khoản: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn

Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

 Video Clip

Đức Tình