Nỗi đau chồng lên nỗi đau

07/04/2012 06:00
Anh Tấn
(GDVN) - Một gia đình có đến 3 đời chịu di chứng nặng nề của "bóng ma" dioxin. Nỗi đau chồng chất lên nỗi đau, khiến gia đình nghèo càng trở nên tăm tối.
Thất vọng đời riêng   

Chiến tranh đã lùi xa hơn 35 năm nhưng hậu quả của nó để lại rất nặng nề. Di chứng của nó để lại rất nhiều thế hệ biến thành nỗi đau chung của toàn xã hội, nó phá tan biết bao nhiêu hạnh phúc gia đình, đạp đổ bao nhiêu niềm vui của mọi người.

Tôi về vùng đất Hà Tĩnh, miền quê mà trước đây là một trong những tâm điểm đánh phá của đế quốc Mỹ. Giờ đây vùng đất này đã thay đổi hơn nhiều so với những năm trước đây, đó niềm tự hào của người dân nơi đây. Nhưng có một điều mà người dân nơi đây luôn buồn rầu khi nhắc đến đó là những di chứng mà chiến tranh đã  đổ lên đầu những người dân yêu nước lúc bấy giờ. 

Nói đến “bóng ma” dioxin, tôi được một người đàn ông chừng 50 tuổi, dẫn đến một căn nhà cấp 4 nằm cạnh cái ao cá: “Đây là nhà ông Bình, chủ tịch hội nạn nhân chất độc da cam của xã cũng là nạn nhân của chất độc da cam  đó chú”, ông nói.

Ông Long buồn rầu nói về hoàn cảnh gia đình mình
Ông Long buồn rầu nói về hoàn cảnh gia đình mình

Ông  Nguyễn Trọng Bình, sinh năm 1947, tại xóm 11 - Hồng Lộc - Lộc Hà - Hà Tĩnh, gia đình ông có 8 người con, nhưng có đến 4 người đi bộ đội chống Mỹ cứu nước, ông là con cả trong gia đình. Năm 1967, ông đi bộ đội chiến trường Bình Trị Thiên đến năm 1975 thì về quê lập nghiệp.
Năm 1975 ông lấy vợ, sinh người con gái đầu lòng. Ba năm sau gia đình ông  hi vọng sinh thêm đứa con trai để nối dõi tông đường. Nhưng thật trớ trêu, trong niềm hạnh phúc chưa trọn vẹn của gia đình, thì đứa con trai ra đời không có một tiếng khóc, chân tay co quắp, càng lớn người con trai mất  trí nhớ. 

Ông bình tâm sự: “Nghĩ mà xót cho số phận chú à. Con cái người ta tầm tuổi này đã tính chuyện vợ con xây nhà, còn con mình thì đang phải trông coi từng ngày từng giờ”.

Vừa chịu nỗi đau da cam, vừa chịu điều tiếng hàng xóm

Nói chuyện với ông được một hồi lâu, thấy ông đứng dậy đưa tôi vào trong nhà tay ông chỉ vào căn phòng phòng nhỏ cạnh lối cửa ra bếp: “Đấy chú xem nhà tui phải làm phòng riêng để quản nó đấy” ông cho biết. 

Nhìn vào trong căn phòng chỉ thấy duy nhất mối chiếc giường, mấy bộ đồ vứt ngổn ngang, có một lỗ thông ra ao cá để lúc quét dọn cho tiện. Ông cho tôi xem xong căn phòng rồi ông đóng sầm cửa lại như một sự thất vọng đời riêng, bước ra khỏi căn nhà lụp xụp ông lại nhìn về phía Long đang ngồi ngẩn ngơ góc sân.

Trên khuôn mặt của ông hằn sâu những nỗi cùng cực, nỗi vất vả gian truân của cuộc đời.

Do gia đình đông con nên hai vợ chồng ông phải làm việc vất vả mới đủ cái ăn cho cả nhà, không lúc nào gia đình ông có đồng dư giả, lại phải chăm sóc đứa con mang di chứng chất độc da cam.

Bà Nguyễn Thị Sứu (vợ ông Bình) cho biết: “Số mình vất vả phải chịu thôi chú à. Có những hôm đi làm đồng về trưa, mở cửa ra là phải dọn vệ sinh cho Long, dọn dẹp xong nấu nướng thì quay lại không thấy nó đâu. Cả nhà lại đi tìm nó, về đến nhà nó lại lên cơn co giật lại phải chăm nom, thế là bỏ cả việc đồng”. 

Để cuộc sống gia đình có thêm thu nhập ông Bình đã chuyển đổi toàn bộ ruộng của mình sang đào ao thả cá, nhưng để nuôi được cá bán ra thị trường thì không phải điều dễ dàng gì. Thiên tai, bão lũ, bệnh dịch... đã làm cho gia đình ông tưởng chừng như không thể đứng vững. 

Nhưng chỉ có thế thì đã may mắn. Cái mà làm cho ông Bình phải suy nghĩ nhiều nhất là lời dị nghị của bà con lối xóm. Ở vùng quê nghèo này chưa ai biết đến thứ chất độc dioxin là gì, mà chỉ biết thêu dệt lên những câu chuyện làm cho gia đình ông Bình rất đau lòng.
Cháu đích tôn của ông Long cũng không tránh khỏi bóng ma dioxin
Cháu đích tôn của ông Long cũng không tránh khỏi bóng ma dioxin
Nỗi đau chồng lên nỗi đau

Mãi đến năm 1982 ông mới sinh thêm người con trai.
Ông Bình cho biết thêm: “Tưởng chừng ông trời bắt tôi thế này là quá lắm rồi ai ngờ… Đứa cháu đích tôn của tôi ra đời cũng mang di chứng chất độc da cam. Ông lại dẫn tôi vào căn phòng tối mù mịt trên chiếc giường đang có đứa trẻ chân tay co quắp, đang giãy giụa liên hồi giữa giường.
“Chú xem đấy, tuổi nó đáng lẽ chạy vào chạy ra trong nhà, bập bẹ gọi ông gọi bà rồi đó”, đấy là cháu Nguyễn Nhật Quyền con anh Vỹ (anh Vỹ con thứ 3 của ông Bình). Bóng ma dioxin đang đè nặng lên cả 3 thế hệ gia đình ông. 

Chính ông Bình  cũng đang là người trực tiếp mang những di chứng của da cam như: thoát vị  địa đệm xương sống, choáng váng những lúc trái gió trở trời…             

Đời người ta chỉ mong được thanh thản lúc nhắm mắt xuôi tay nhưng có lẽ điều đó là rất xa xỉ với ông Bình.

Dự kiến khoảng 3-4 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn



Anh Tấn