'Bộ GD&ĐT có muốn phát triển trường ngoài công lập nữa hay không'?

04/02/2013 06:30
Quyên Quyên
(GDVN) - Đó là câu hỏi được Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam đặt ra tại cuộc họp xây dựng đề án tuyển sinh riêng cho khối trường ngoài công lập. Theo ông Tùng, chỉ khi Bộ đưa ra quan điểm chính thức thì vấn đề tuyển sinh của trường ngoài công lập mới có hướng giải quyết thấu đáo.
Ngày 7/1/2013, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam (Vipua) đã có công văn kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường theo đúng điều 34 Luật Giáo dục Đại học. Ngày 18/1, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã có công văn trả lời trong đó gợi ý để các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tự xây dựng đề án thi tuyển sinh riêng cho mình, trình Bộ phê duyệt.

Cạn kiệt nguồn tuyển sinh

Đại diện Vipua, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ ĐH, sau ĐH, nêu lên một thực trạng đáng báo động: Hai năm trở lại đây, nhất là trong năm 2012, việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) cũng như một số trường công lập ở địa phương gặp nhiều khó khăn, hầu hết các trường đều không thực hiện được kế hoạch tuyển sinh riêng. Năm 2012, trong hơn 80 trường NCL chỉ một số nhỏ trường tuyển sinh được gần đủ hoặc đủ chỉ tiêu, phần lớn trường chỉ tuyển được 30-60%, không ít trường chỉ tuyển được 20-30%, thậm chí có trường chỉ tuyển được một lượng nhỏ không đáng kể.

Trong số hàng loạt trường không tuyển đủ chỉ tiêu, có không ít trường ĐH NCL đã được Bộ GD&ĐT kiểm định, nhiều năm nay không thiếu chỉ tiêu, có cơ sở vật chất khá khang trang, có đội ngũ giảng viên là những giáo sư nối tiếng (đến từ các đại học nước ngoài có tiếng) và có đội ngũ lãnh đạo là những người đã từng đảm đương vai trò quản lý chủ chốt trong ngành cũng như trong trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng và nhà nước.

“Theo dự báo của nhiều chuyên gia giáo dục, nếu chính sách tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT vẫn giữ nguyên như hiện nay thì chỉ vài năm nữa sẽ có hàng loạt trường ĐH, CĐ phải tự giải thể do hết nguồn tuyển”, TS Khuyến cho biết.

Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ ĐH, sau ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết: Vấn đề tuyển sinh của các trường ngoài công lập đang là vấn đề rất nóng.
Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ ĐH, sau ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết: Vấn đề tuyển sinh của các trường ngoài công lập đang là vấn đề rất nóng.

Tập hợp, nghiên cứu ý kiến của các trường ĐH, CĐ NCL và của nhiều chuyên gia hàng đầu về giáo dục, TS Lê Viết Khuyến chỉ ra 4 nguyên nhân chính dẫn đến sự cạn kiệt đó, gồm:

Một là, từ năm 2012 Bộ GD&ĐT cho phép các trường ĐH, CĐ được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh nên tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy của tất cả các trường công lập đã đạt con số kỷ lục là 504.000, vượt tổng chỉ tiêu tuyển sinh của toàn ngành (cả công lập lẫn NCL) trước đó 3 năm là 502.000.

Việc tăng thoải mái chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường công lập đã làm hẹp cửa tuyển sinh cho các trường thuộc khu vực NCL. Bởi đứng trước 2 trường công và tư có chất lượng đào tạo như nhau, người học bao giờ cũng chọn trường công bởi được Nhà nước bao cấp nên học phí thấp, không phải đóng thuế (qua học phí), được hưởng nhiều ưu đãi khác của Nhà nước mà trường tư không thể có.

Hai là, kì thi tuyển sinh “3 chung” của Bộ GD&ĐT trong nhiều năm qua thường cho kết quả rất thấp, nhiều môn thi có kết quả rất yếu, mặc dù kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT lại cao “chót vót”. Trong nhiều năm tổng điểm 3 môn thi của phần lớn thí sinh chỉ rơi vào khoảng 7 - 8/30 điểm nhưng “điểm sàn” được Bộ chọn lại dao động từ 13-15.

Để giải thích điều “lạ thường” đó, người ta có thể đỗ lỗi cho chất lượng học sinh, đội ngũ giáo viên, chương trình. Tuy nhiên, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL cho rằng, nguyên nhân chính là đề thi của Bộ hàng năm thường không chuẩn, năm khó năm dễ, môn khó môn dễ. Theo lý luận đánh giá trong giáo dục, chỉ cần nhìn vào phổ điểm ở các môn thi là đủ thấy sự không khách quan và không chuẩn của phần lớn đề thi do Bộ chuẩn bị trong nhiều năm qua.

Ba là, quy định “điểm sàn” theo sáng kiến của Bộ GD&ĐT làm cho nhiều trường ĐH, CĐ NCL và cả các trường của địa phương rất khó khăn trong tuyển sinh, do nguồn tuyển từ “điểm sàn” trở lên ngày càng cạn kiệt, đặc biệt khi các trường ĐH công lập “tốp trên” xác định điểm chuẩn vào trường áp sát “điểm sàn” của Bộ.

Trong khi đó, quy định xây dựng “điểm sàn” của Bộ GD&ĐT trong nhiều năm qua rất không chính xác. Khái niệm “điểm sàn” lại càng trở nên vô nghĩa khi đề thi không mang tính chất tiêu chuẩn.

Bốn là, kết quả điểm thi tuyển sinh quá thấp và Bộ GD&ĐT cho phép các trường ĐH, CĐ được tự hạ điểm chuẩn và không hạn chế số lần gọi nhập học cho đến gần hết năm trên thực tế sẽ không gây khó khăn (thậm chí còn tạo thêm thuận lợi) cho số ít các trường ĐH công lập thuộc “tốp trên”, nhưng với các trường thuộc “tốp giữa” và “tốp dưới”, trong đó có phần lớn các trường ĐH, CĐ NCL, thì nguy cơ không tuyển đủ chỉ tiêu và bị động về thời gian khai giảng trở nên rõ ràng, gây ra sự lãng phí lớn về cơ sở vật chất và năng lực đào tạo.

Giải pháp lâu dài và trước mắt

Về lâu dài, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL kiên trì đề nghị Bộ GD&ĐT sớm loại bỏ phương thức thi tuyển “3 chung” đã không phù hợp, khẩn trương chuẩn bị triển khai Đề án sát nhập hai kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một (như Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã hứa từ lâu khi còn làm Bộ trưởng) và thực hiện trao quyền tự chủ xét tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ theo đúng tinh thần của Điều 34, Luật giáo dục ĐH. Bộ GD&ĐT không nên đẩy trách nhiệm tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương cũng như kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ cho từng trường riêng lẻ mà phải xem đó là trách nhiệm chính trị quan trọng của chính mình, bằng mọi giá phải làm tốt.

Trước mắt, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL đề nghị Bộ GD&ĐT một số giải pháp sau:

- Công khai phổ điểm của từng môn thi và phổ tổng điểm của 3 môn thi đối với từng khối thi để xã hội có thể đánh giá tính khách quan và tính tiêu chuẩn của từng đề thi cũng như các bộ đề thi của Bộ GD&ĐT. Đại điện của các trường NCL cho biết, vài năm trở lại đây Bộ GD&ĐT đã không thực hiện việc công bố phổ điểm này, và năm 2012 trong các phương án lựa chọn điểm sàn cũng không thấy đâu. Bộ chỉ đưa ra 3 phương án lựa chọn và sau đó để cho Hội đồng điểm sàn… biểu quyết, và đó là lý do dẫn đến chuyện “điểm sàn” thường không chính xác so với thực tế.

- Bỏ quy định “điểm sàn” hoặc chí ít phải lấy “điểm sàn tốt thiểu” từ đỉnh phổ điểm của tổng 3 môn thi đối với từng khối thi nếu kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ do Bộ tiến hành không đạt được các tính chất khách quan và tiêu chuẩn.

- Có quy định thời hạn cụ thể của chừng 3 đợt gọi tuyển kế tiếp nhau và cho các trường được chủ động đăng ký gọi tuyển chỉ ở một trong ba đợt đó. Trong mỗi đợt, nhà trường được quyền gọi tuyển nhiều lần nhưng không được gọi vượt quá thời gian quy định cho mỗi đợt để tránh gây rối.

- Trường hợp chấp nhận “cơ chế điểm sàn” Bộ cần quy định nhiều mức “điểm sàn” cho phù hợp với cơ cấu vùng miền, cơ cấu phân tầng giữa các trường của hệ thống giáo dục đại học hiện nay. Theo đó, các trường ĐH quốc gia, các trường ĐH trọng điểm, các trường ĐH xuất sắc cũng như các trường ĐH trực thuộc Trung ương để thực sự xứng đáng với đẳng cấp của mình, với sự ưu ái của nhà nước, xã hội phải chấp nhận mức “điểm sàn” cao hơn “điểm sàn tối thiểu”, như một số quốc gia đã áp dụng. Riêng với các trường ngoài công lập cũng như các trường địa phương, do không nhận ngân sách từ trung ương, nên được quyền chọn mức “điểm sàn” tùy theo tuyên bố sứ mệnh của mình, miễn sao cao hơn “điểm sàn tối thiểu”.

"Bộ GD&ĐT cần đưa ra quan điểm chính thức về trường ngoài công lập"

Góp ý kiến tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng: Ngoài các giải pháp nêu trên, cần có tiếng nói chính thức từ Bộ GD&ĐT về quan điểm đối với các trường ngoài công lập là như thế nào?

TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT đề nghị Bộ GD&ĐT nên có phát ngôn quan điểm chính thức về việc có thúc đẩy phát triển khối trường ĐH, CĐ ngoài công lập nữa hay không?
TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT đề nghị Bộ GD&ĐT nên có phát ngôn quan điểm chính thức về việc có thúc đẩy phát triển khối trường ĐH, CĐ ngoài công lập nữa hay không?

Theo ông Tùng quan sát, trong một số báo cáo gần đây của Bộ GD&ĐT, vai trò của khối trường ĐH, CĐ ngoài công lập (hơn 80 trường, chiếm 15% tổng số trường ĐH, CĐ cả nước) gần như rất ít được nhắc đến. Quan điểm “đến năm 2020 làm thế nào để sinh viên trường công và trường tư là 60-40” liệu bây giờ có còn là chủ trương của Đảng, Chính phủ và Bộ GD&ĐT có t. Nhưng hiện thực thi nữa hay không? Ông Tùng cho rằng, chỉ khoảng 1 tháng nữa khi Bộ GD&ĐT công bố tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013, nếu cộng lại chắc tình hình sẽ không khác năm 2012. Sẽ ra con số “ấn tượng”, tương tự con số 504.000 chỉ tiêu ở các trường công lập (vượt chỉ tiêu toàn hệ thống ĐH, CĐ 3 năm trước đó là 502.000)! Sẽ khó còn cửa nào cho các trường ngoài công lập để tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Rõ ràng, Bộ GD&ĐT cần phải cho biết chính thức là có muốn phát triển trường ngoài công lập nữa hay không? Nếu Bộ cho biết vẫn muốn phát triển trường ngoài công lập thì tự phải có chính sách tương ứng để làm sao giảm chỉ tiêu khối trường công lập đi, phần dôi dư còn lại sẽ tự nhiên “chảy” vào khối trường ngoài công lập. Muốn làm được điều này, Bộ cũng không thể can thiệp vào việc đăng ký chỉ tiêu của từng trường, do Luật Giáo dục Đại học đã cho phép. Nhưng theo nhận định của TS Lê Trường Tùng, Bộ hoàn toàn có thể quy định các tiêu chí để các trường đề ra chỉ tiêu, chính các tiêu chí này sẽ điều chỉnh nguồn tuyển thực của các trường công, tư sao cho hài hòa. “Còn nếu Bộ không chủ trương phát triển, thì tất nhiên các trường ngoài công lập phải tự định hướng lại chiến lược của mình để mà sống sót”, TS Tùng nhận định.
Sau hội nghị xây dựng phương án tự chủ tuyển sinh trình Bộ phê duyệt, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã soạn Công văn gửi Bộ GD&ĐT. Bạn đọc quan tâm có thể đọc công văn TẠI ĐÂY.

* Còn tiếp...

Quyên Quyên