Dạy con biết quý trọng đồng tiền

03/01/2012 12:00
Theo PLHCM
Những bài học đầu tiên trong việc quản lý tiền nong thường không phải do con trẻ học từ trường mà từ chính những người thân trong gia đình với món tiền tiêu vặt đầu tiên.
Nhiều phụ huynh lo lắng, băn khoăn không biết nên dạy con tiêu tiền ra sao để giáo dục các em biết quý trọng đồng tiền ngay từ bé, dù là tiền của bố mẹ, ông bà cho để tiêu vặt. Đây là vấn đề đang được đông đảo phụ huynh quan tâm.

Tiểu học chưa nên xài tiền

Anh LTP, phụ huynh một học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Đuốc Sống (quận 1), chia sẻ: Anh và bà xã hốt hoảng khi thấy tiền xì lì tết 2011 của con gái cứ vơi dần. Tìm hiểu anh biết mỗi ngày cháu lấy 10.000 đồng mang vào trường mua các món đồ chơi mà cháu thích. Theo anh P., lứa tuổi này cha mẹ không nên cho con xài tiền vì các cháu chưa biết định hướng nên sẽ xài tiền vào những việc không cần thiết. Hơn nữa ở nhà cha mẹ cũng lo cho con trẻ ăn sáng no đủ nên nhu cầu xài tiền không có.

Còn anh Nguyễn Văn Chiến, phụ huynh một học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chính (quận Phú Nhuận), cho biết: Con gái anh đã biết xài tiền từ khi học lớp 3. Tiền lì xì tết cháu cất riêng và dùng để mua logo, hình ảnh về trang trí phòng của mình. Nhưng năm nay học lớp 5, bé đã biết về nhà vòi vĩnh mẹ cho tiền khi đi học.

Theo bé, các bạn cùng lớp được ba mẹ cho tiền, nhiều bạn có đến vài trăm ngàn đồng. Giờ ra chơi, các bạn xúm nhau ăn uống ở căn tin, còn bé không có tiền nên không chơi với bạn được. Nghe xong mẹ bé khuyên còn nhỏ không nên xài tiền, thèm ăn gì mẹ sẽ mua. Vậy là bé vòi mẹ mua cái iPad để chơi game vào giờ ra chơi nếu bạn không cho chơi chung. “Thiệt tình, tôi với mẹ nó rất lúng túng, không biết phải khuyên nhủ con như thế nào” - anh Chiến tâm sự.

Dạy con biết quý trọng đồng tiền ảnh 1

Phụ huynh nên đưa con cái đi siêu thị, đi chợ chung để các cháu biết kế hoạch chi tiêu tài chính hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng của gia đình giúp các cháu biết tiết kiệm, mua những vật dụng cần thiết tránh tiêu xài lãng phí. Ảnh: QV

Định hướng để trẻ biết giá trị đồng tiền

Theo bà Trần Thị Huế, cán bộ dự án giáo dục tài chính của Save the Children, hơn 90% phụ huynh lúng túng, không biết làm thế nào trong việc giáo dục con cái sử dụng tiền bạc. Có trường hợp cha mẹ cũng hướng dẫn cho con cách tiêu tiền nhưng không biết đúng cách chưa. Vẫn còn khoảng cách giữa cha mẹ và con cái khi trò chuyện các vấn đề tiền bạc, tài chính. Các em thường rất ngại phải giải trình về các khoản tiêu xài mỗi khi xin tiền.

Cô Phạm Nữ Thủy Hằng, giáo viên văn Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (Hóc Môn), kể: Năm con chị mới học lớp 7, cháu đã bắt đầu kiếm tiền bằng việc bán thiệp nhân ngày Nhà giáo, dịp Noel... Con chị còn tự tay thiết kế những mẫu áo thời trang cho các bạn trong lớp, bán lại kiếm lời. Phát hiện con kiếm tiền sớm, chị Hằng rất hoang mang vì cho rằng ở lứa tuổi của cháu, cần tập trung vào việc học tập, kiếm tiền sớm dễ hư hỏng. Chị đã đến gặp nhiều chuyên gia tâm lý xin tư vấn tình huống này. Lời khuyên từ các chuyên gia tâm lý là không nên cấm và phải kiểm soát số tiền mà cháu kiếm được để hướng cháu sử dụng đúng mục đích, phục vụ cho nhu cầu học tập. Không nên “buông” để mặc con kiếm tiền sao cũng được khiến trẻ sao nhãng việc học, dễ hư hỏng khi làm ra tiền quá sớm.

GS-TS Trần Văn Khê chia sẻ câu chuyện từ người con trai ông. Hồi con còn nhỏ, biết con thích xem phim, lần nọ vào dịp sinh nhật, ông mua tặng con bộ phim hài Sạc-lô (dạng đồ chơi của trẻ con, đưa mắt vào rồi bấm xem). Thấy trẻ con trong xóm thích thú, con ông bèn nghĩ ra cách cho bạn xem rồi thu tiền. Biết chuyện GS Trần Văn Khê phân tích và kể cho con nghe những câu chuyện về tình bạn, về sự chia sẻ khi mình có điều kiện hơn. Hiểu ra, con trai của GS không cho bạn mượn đồ chơi thu tiền nữa.

Cũng theo ông Khê, việc cha mẹ tiêu pha tiết kiệm, xài tiền đúng mục đích cũng giúp các cháu học tập dần và tự hoạch định được việc tiêu tiền. Cháu nội, cháu ngoại ông được người lớn dạy tiết kiệm tiền từ heo đất để xài vào những trường hợp cần thiết, quan trọng. Khi các cháu muốn tiêu xài việc gì với số tiền lớn thì tham khảo ý kiến của ba mẹ để có quyết định đúng.

Hội nghị triển khai dự án giáo dục tài chính cho học sinh THPT (giai đoạn ba) do tổ chức Save the Children phối hợp với Sở GD&ĐT TP.HCM thực hiện vừa diễn ra tại TP.HCM.

Mục đích của dự án là mong muốn học sinh THPT biết lập bản ngân sách cá nhân. Theo dõi ngân sách ít nhất ba tháng, mở tài khoản tiết kiệm (biết tiết kiệm ít nhất 5% số tiền tiêu vặt cha mẹ cho).

Gần 7.000 học sinh của 50 trường THPT tại TP.HCM sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ dự án giáo dục tài chính cho học sinh. Khoảng 4.000 học sinh và 600 phụ huynh sẽ được tham gia các sự kiện, các cuộc đối thoại có hỏi-đáp, các buổi họp với phụ huynh và các cuộc thi của dự án. Những kiến thức, kinh nghiệm về giáo dục tài chính cho học sinh THPT sẽ được đưa lên trang web các trường có tham gia để phụ huynh tham khảo, chia sẻ kinh nghiệm.

Nghiên cứu của Save the Children trên 200 học sinh THPT tại TP.HCM khi được hỏi số tiền cha mẹ cho tiêu vặt mỗi ngày đủ xài không thì 68% trả lời đủ xài, 32% nói không đủ xài. 2/3 học sinh cho biết các em luôn gặp khó khăn về tiền bạc mỗi khi có việc phải chi tiêu đột xuất. 25/27 phụ huynh được khảo sát cho biết họ đưa tiền cho con tiêu vặt dựa trên ước tính chi phí cần chi tiêu. Rất ít phụ huynh kiểm tra con mình xài tiền có đúng mục đích không.


Có thể bạn quan tâm

Ngôi sao giảng đường

Cuộc thi Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội


Theo PLHCM