Đến trường có đồng nghĩa với việc nhận được sự giáo dục?

24/03/2012 06:00
Đỗ Quyên Quyên
(GDVN) - Tại sao học sinh không thích học mà vẫn muốn được điểm cao? Đến trường có đồng nghĩa với việc nhận được sự giáo dục?

Đó là nội dung buổi nói chuyện của Diễn giả Phan Ý Ly cùng Sinh viên Trường Đại học FPT.

Sinh năm 1981, Thạc sỹ Phan Ý Ly là người nhận được học bổng của Chính phủ Anh và tốt nghiệp hạng ưu về Sử dụng nghệ thuật trong phát triển con người. Hiện tại, Phan Ý Ly đang là Giám đốc Life Art - Trung tâm đào tạo Phát triển nhân cách qua quá trình sáng tạo.

Học Đại học tại Ấn Độ, Phan Ý Ly biết rõ thực trạng đây là một trong những nước có tỷ lệ sinh viên, học sinh tự tử cao nhất thế giới.
Học Đại học tại Ấn Độ, Phan Ý Ly biết rõ thực trạng đây là một trong những nước có tỷ lệ sinh viên, học sinh tự tử cao nhất thế giới.

Nguyên nhân tự tử từ học sinh: Giá trị sống tính bằng điểm số

Diễn giả Phan Ý Ly chia sẻ, giáo viên dạy môn Xã hội học của cô đã từng tâm sự về giá trị sống của sinh viên:  “Giá trị sống của những bạn trẻ tự tử vì áp lực thi cử được đo bằng điểm số. Nếu các em ấy có giá trị sống khác thì đã không có tình huống đáng buồn này xảy ra”.

Học Đại học tại Ấn Độ, Phan Ý Ly biết rõ thực trạng đây là một trong những nước có tỷ lệ sinh viên, học sinh tự tử cao nhất thế giới. Khi thiếu đi sự cảm thông từ phía thầy cô, gia đình, áp lực quá nặng nề thì tự tử trở thành giải pháp duy nhất.
Trách nhiệm thuộc về những người làm giáo dục, vốn là nơi tạo ra sự hứng thú trong học tập nay tạo ra áp lực, như công cụ giết người thầm lặng.
Phân biệt giữa nhà trường và giáo dục

Có người cho rằng, chương trình giáo dục tại Việt Nam hiện nay phần lớn bị áp đặt và đi theo hệ thống. Nhiều người lựa chọn cho con đi du học vì không tin tưởng nền giáo dục nước nhà mặc dù cũng không chắc giáo dục mới có tốt hay không?

Trò chuyện với sinh viên Đại học FPT, Phan Ý Ly nói về phương pháp Giáo dục phản biện. Đây là phương pháp đã được thực hiện tại nhiều Trường Đại học ở các nước phương Tây, nhằm thúc đẩy khả năng tư duy độc lập của học sinh. Môi trường phái giáo dục mà thậm chí giáo viên bị cách chức, những người theo bị số đông phản đối.

Phan Ý Ly cho rằng, cần phải phân biệt giữa nhà trường và giáo dục. Hiện nay, đang tồn tại việc dạy dỗ đáp ứng cơ chế thị trường không đồng nghĩa với giáo dục. Nhà trường chưa hẳn đã là giáo dục, ngược lại giáo dục chưa hẳn đã là nhà trường.

Giáo dục phản biện phân biệt giữa “huấn luyện” và “giáo dục”. Huấn luyện có nghĩa là giáo dục rèn dũa theo đích đặt ra từ trước. Giáo dục mang ý nghĩa rộng hơn rất nhiều, là tư cách con người, làm cho học sinh lớn hơn chính mình, lớn hơn thầy cô giáo. Bản thân giáo dục là động lực để học viên, giáo viên thực sự có động lực dạy và học. Việc tiếp thu tri thức không phải chỉ bắt nguồn từ điểm số, thành tích mà là đam mê học tập, tiếp thu kiến thức.

Từ môi trường này, mỗi học sinh được đặt tên cho thế giới của mình. Thay vào sự mô tả hoặc kể lại theo những áp đặt của người khác là thực hiện những quyết định qua quá trình trải nghiệm và đúc kết của riêng mình.

Trong phương pháp giáo dục, Phan Ý Ly khuyến khích mọi vấn đều có tác dụng gợi mở chứ không phải là chân lý.

Mỗi học sinh cần có tư duy độc lập thay vì tư duy nô lệ. Mỗi cá nhân hãy luôn xác định cho mình một con đường, sống trọn vẹn với trách nhiệm với đam mê của mình là thông điệp mà Thạc sỹ Phan Ý Ly gửi tới sinh viên.

Đỗ Quyên Quyên