GS Hoàng Tụy: 'Bây giờ mới thấy 1 cách tuyển sinh ĐH tiến bộ như vậy'

30/03/2013 08:21
Uyên Uyên (Thực hiện)
(GDVN) - “Khi xây dựng tiêu chí tuyển sinh đại học không thể bỏ qua khả năng sẵn sàng tiếp nhận cách học mới này của thí sinh, cho nên lại càng cần kiểm tra, phỏng vấn trực tiếp để có cách đánh giá và lựa chọn đúng đắn hơn”.
LTS: Tiếp tục bàn về đề án tuyển sinh rất mới mẻ của Trường ĐH Phan Châu Trinh (Hội An, Quảng Nam), Báo Giáo dục Việt Nam đã có dịp trò chuyện với GS Hoàng Tụy, nhà toán học tiền bối mà GS Ngô Bảo Châu rất kính trọng, một nhà giáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chung và cho toán học nói riêng.
- Thưa GS Hoàng Tụy, là một người có nhiều năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục nước nhà, ông có đánh giá gì về chế độ thi cử hiện nay?
GS Hoàng Tụy: Chế độ thi cử và quy cách tuyển sinh đã hình thành lâu nay ở nước ta ngày càng lộ rõ những bất cập lớn, ảnh hưởng và tác động không tốt đến sự phát triển lành mạnh của nền giáo dục. Ai cũng thấy rõ điều đó, hàng năm Bộ Giáo dục cũng luôn tìm cách cải tiến, song đến nay thi cử và tuyển sinh rất tốn kém mà ít hiệu quả vẫn là một trong những điểm gây nhiều bức xúc cho xã hội. Một trong những vấn đề nổi cộm trong tuyển sinh là quyền tự chủ tuyển sinh của các trường chưa được tôn trọng đúng mức.
Năm nay, Bộ chủ trương khuyến khích các trường chủ động xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh là một chủ trương đúng đắn, rất đáng hoan nghênh. Tôi tin rằng thực hiện tốt chủ trương này chính là một bước đổi mới quan trọng trong công tác giáo dục.

Giáo sư Hoàng Tụy
Giáo sư Hoàng Tụy
- Theo Giáo sư, ngoài điểm thi đại học, việc xét tuyển vào đại học cần căn cứ vào những tiêu chí nào?
GS Hoàng Tụy: Xét tuyển vào đại học phải căn cứ vào những tiêu chí sau: Vốn kiến thức và kỹ năng tối thiểu cần thiết; Vốn văn hóa chung (hiểu biết tổng hợp, khả năng tư duy, suy luận); Mức độ chuẩn bị về tinh thần, thái độ cần có để theo học đại học.
Những thứ đó không thể đánh giá chỉ qua kết quả một kỳ thi tuyển sinh đại học, thậm chí qua kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa cũng chưa đủ. Thi cử bao giờ cũng có yếu tố rủi ro, ngẫu nhiên, bất thường đột xuất, cho nên, từ nhiều năm nay tôi luôn đề nghị phải xét thêm cả quá trình học tập 3 năm cuối ở phổ thông.
Hơn nữa, trong ba yếu tố trên người ta thường chỉ chú ý yếu tố thứ nhất. Tuy nhiên, quan trọng nhất, quyết định nhất lại là hai yếu tố sau thì điểm thi ở các kỳ thi, kể cả kết quả học tập ghi trong học bạ 3 năm THPT cũng hoàn toàn chưa đủ để nhận xét và đánh giá. Cho nên để giúp đánh giá đúng và công bằng, còn phải kiểm tra, phỏng vấn trực tiếp thí sinh.
Một lý do khác là cách dạy ở trường phổ thông của chúng ta có xu hướng đồng loạt, gò ép mọi người theo một khuôn chung, ai thích nghi được thì học có kết quả, ai khó thích nghi thì cảm thấy khó khăn, quá tải. Nhưng đại học phải dạy theo cách khác, dành cho người học nhiều quyền chủ động lựa chọn cách học thích hợp nhất với mình, tập cho người học biết tự học, tự tìm lấy cách mở mang trí tuệ.  Do đó nhiều người khi học phổ thông thì khá, lên đại học lại kém và ngược lại.
Khi xây dựng tiêu chí tuyển sinh đại học không thể bỏ qua khả năng sẵn sàng tiếp nhận cách học mới này của thí sinh, cho nên lại càng cần kiểm tra, phỏng vấn trực tiếp để có cách đánh giá và lựa chọn đúng đắn hơn.  
- Nhưng thưa Giáo sư, trên thực tế, tới lúc này thì chưa một trường đại học nào thực hiện được ý tưởng mà ông vừa nói. Duy nhất có ĐH Phan Châu Trinh đề xuất phương án tuyển sinh mới với Bộ Giáo dục, nhưng đây mới là đề xuất, chứ nó chưa đi vào thực tế?
GS Hoàng Tụy: Theo tôi biết, vừa qua ĐH Phan Châu Trinh đã đề xuất một phương án tuyển sinh với 5 tiêu chí ngang nhau để xét tuyển sinh. Theo đó, lần đầu tiên điểm thi đại học được đặt ở vị trí đúng đắn, trong một tổng thể đồng bộ nhiều tiêu chí khác nữa. Nhiều năm tôi đã quan tâm vấn đề này nhưng bây giờ tôi mới thấy có một cách làm phù hợp xu hướng tiến bộ trên thế giới mà hoàn toàn khả thi trong điều kiện Việt Nam.  
Có lẽ nhiều người sẽ chú ý hai tiêu chí 4 và 5 vì ta chưa quen với hình thức kiểm tra, phỏng vấn trực tiếp. Thật ra cách làm này khá phổ biến từ lâu ở nước ngoài. Đưa thêm hình thức kiểm tra trực tiếp và phỏng vấn vào tiêu chí tuyển sinh đòi hỏi nhà trường phải làm việc nhiều hơn nhưng cái được lớn là tuyển sinh có chất lượng tốt hơn, công bằng hơn, không bỏ sót nhiều trường hợp đặc biệt mà các cách tuyển sinh thông thường khó phát hiện được.     
- Theo Giáo sư, nếu được Bộ Giáo dục chấp thuận, phương án tuyển sinh này sẽ tác động như thế nào đến tình hình tuyển sinh hiện nay?
GS Hoàng Tụy: Tuyển sinh như thế nào tất nhiên sẽ có ảnh hưởng đến việc dạy và học ở trường phổ thông mà hiện đang có quá nhiều vấn đề cần thay đổi, nhất là ở ba năm cuối. Chẳng hạn, các trường phổ thông sẽ bớt học thuộc lòng, sẽ có cách dạy bớt gò bó hơn, chú ý đến cá tính, sở  thích cá nhân nhiều hơn; nhà trường sẽ chú ý nhiều hơn đến việc bồi dưỡng văn hóa chung và tinh thần, thái độ học tập, ngoài chuyện dạy kiến thức và kỹ năng (nói đúng hơn, thông qua cả dạy kiến thức và kỹ năng); nhà trường cũng sẽ chú trọng nhiều hơn đến việc kiểm tra nghiêm túc chất lượng học tập thường xuyên  thay vì chỉ chú tâm vào kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học.
Về điểm này tôi đã có nhiều dịp bàn tới cụ thể khi phát biểu trên báo chí hoặc trực tiếp với Bộ Giáo dục. Dĩ nhiên ngoài chuyện tuyển sinh còn cần giải quyết nhiều vấn đề khác nữa, nhưng dù sao gỡ được các khúc mắc ở đây đã tồn tại dai dẳng nhiều năm cũng sẽ tạo đà cho nhiều tiến bộ mới.   
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Bộ tiêu chuẩn của ĐH Phan Châu Trinh có 5 tiêu chí, mỗi tiêu chí chiếm tỉ trọng 20% trong tiêu chuẩn xét tuyển, tương đương 20 điểm. Tổng điểm xét tuyển 100, trường sẽ lấy từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu.
Khác với hầu hết các trường lấy kết quả thi 3 chung (từ điểm sàn trở lên) làm thước đo duy nhất, ĐH Phan Châu Trinh không đặt nặng vai trò của kỳ thi này (chỉ chiếm 20% giá trị xét tuyển). Trong khi đó, cả quá trình học và thi THPT có giá trị xét tuyển gấp đôi, chiếm 40%. Đặc biệt, với tiêu chí thứ 5, thí sinh sẽ được "thử lửa" bằng một buổi phỏng vấn trực tiếp - điều mà họ cũng sẽ phải trải qua trong quá trình tìm việc làm sau này (xem chi tiết: Đề xuất đột phá chưa từng có về phương án tuyển sinh 2013)
Uyên Uyên (Thực hiện)