GS Nguyễn Lân Dũng nói về 'hạnh phúc của tuổi thơ'

29/03/2012 14:00
Bích Thảo (thực hiện)
(GDVN) - Tôi thấy không nên cấm việc giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học mà nhà quản lí giáo dục cần tìm hiểu những mô hình tốt có sẵn ngay trong nước.
Trách nhiệm thuộc về cả xã hội

Thưa GS.NGND Nguyễn Lân Dũng, GS có thể lí giải đôi điều về việc học sinh tiểu học làm nhiều bài tập về nhà là do đâu?

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Tôi có hỏi các bạn của tôi là các giáo viên thì ai cũng phàn nàn vì ngay ở bậc Tiểu học trẻ em vẫn phải làm quá nhiều bài tập ở nhà hoặc phải đi học thêm một tuần tới 3-4 buổi tối.

Hiện nay chúng ta đều mắc bệnh thành tích, từ bệnh thành tích ở Bộ , ở Sở, ở Phòng, ở Trường… lây lan vào các bố mẹ , rồi đến trẻ nhỏ. Ai cũng muốn con mình có điểm cao, muốn sau này thành nhân tài.

Trẻ em chịu áp lực ghê gớm nên mới dẫn đến không ít tiêu cực như chép bài của bạn, nhờ bố mẹ, anh chị làm hộ bài…

Ngoài ra còn do lương thầy cô giáo quá thấp mà nếu không dậy thêm thì lấy gì để sống? Hầu như cán bộ, viên chức nào cũng tìm thêm nghề tay trái để cải thiện “ngân sách gia đình”. Nhưng thầy cô giáo thì biết làm thêm bằng nghề gì khác?

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng trong cuộc thi sách
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng trong cuộc thi sách


Thưa GS, GS nghĩ sao về học sinh tiểu học phải nhập viện vì áp lực học tập quá căng? Trách nhiệm thuộc về ai?

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Trách nhiệm thuộc về cả xã hội. Chúng ta cần xem lại từ triết lý giáo dục đến chương trình giáo dục ở từng cấp học. Cần đào tạo một đội ngũ giáo viên vừa lành nghề, vừa yêu trẻ, nhưng phải có mức lương đủ sống để không cần lo dạy thêm và toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp Trồng Người. 

Chúng ta phải tạo ra sự gắn bó mật thiết giữa Nhà trường và Gia đình để đạt tới một mục tiêu quan trọng là đào tạo ra một thế hệ những chủ nhân của một đất nước công nghiệp hóa, phát triển theo hướng hiện đại. 

Theo ông thì liệu có phải kiến thức trong nhà trường quá nhiều khiến các em không học hết ở lớp mà phải đem bài tập về nhà làm?

Theo thầy B. bạn tôi, một thầy giáo phổ thông rất nhiều kinh nghiệm , thì chương trình ở bậc Tiểu học hiện nay không quá cao, quá nặng. Nặng là nội dung ngoài chương trình đang được nhồi nhét ở các lớp học thêm. Càng như vậy thì phụ huynh càng thích đưa con em đến đó, vì thấy chúng có thể giỏi hơn các bạn khác. 

Chữa căn bệnh thành tích này thật không dễ dàng gì. Đã đến lúc cần xem lại có nên bỏ điểm kiểm tra ở bậc Tiểu học như ở nhiều nước khác hay không?

Vẫn cần giao bài tập về nhà cho trẻ

Trường phổ thông liên cấp Olympia.
Trường phổ thông liên cấp Olympia.


Theo GS, có cần thiết phải giao bài tập về nhà cho trẻ tiểu học hay không?

Thuận lợi là vì học phí cao nên mỗi lớp chỉ có dưới 20 học sinh (sau này tối đa cũng chỉ giới hạn có 25 học sinh mỗi lớp mà thôi). 

Các cô giáo cho bài tập phân biệt với trình độ từng học sinh và phần lớn bài làm về nhà là phù hợp với kiến thức đã được học trên lớp. Các em chỉ cần 30-60 phút mỗi tối để hoàn thành.

Nếu không hoàn thành thì cũng không sao (không cần nhờ phụ huynh làm hộ). Thầy cô giáo khi kiểm tra vào ngày hôm sau sẽ hiểu được nguyên nhân vì đâu.  

Nếu là số đông không làm được bài tập thì phải tự rút kinh nghiệm lại về bài giảng của mình. Nếu là số ít thì cần giảng lại cho từng em và động viên các em ấy chứ không dùng tới bất kỳ hình phạt nào. 

Tôi nghĩ giá như giáo viên nào cũng làm được như ở trường này thì các cháu sẽ sung sướng hơn biết bao nhiêu. Nhưng thật khó, vì đây là trường học hai buổi, các cô giáo lại có mức lương thỏa đáng. 

Không ít ông bố, bà mẹ kêu ca về việc quá căng thẳng khi dạy con làm bài tập về nhà? GS nghĩ cha mẹ cần phải làm gì khi dạy con học?

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Tôi không còn có con nhỏ từ lâu rồi, lại không ở cùng nhà với các cháu nội, nhưng nhìn vào gia đình các bạn trẻ trong cùng cơ quan thì thấy ai cũng bức xúc về chuyện trẻ em đã phải ganh đua quá mức ngay từ bậc Tiểu học. 

Tôi luôn nhớ đến câu nói của nhiều nhà giáo dục học nước ngoài: Chúng ta cần đào tạo những bộ óc, chứ đâu phải đào tạo những tủ sách. Nghĩ lại thế hệ chúng tôi (lớp tốt nghiệp Đại học vào năm 1956) đâu có được học hành nhiều  nhưng các thầy đã thổi vào tâm hồn mỗi chúng tôi lòng yêu kiến thức, yêu khoa học và một ý thức vươn lên để có những cống hiến cho xã hội.  

GS có định hướng như thế nào cho học sinh, gia đình và các thầy cô giáo trong việc dạy học và giao bài tập cho học sinh?

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Đã đến lúc cần xem lại thật kỹ nội dung chương trình giáo dục các cấp, để ít nhất cũng không nên khác quá nhiều so với các nước khác. Phải dành nhiều thời gian cho trẻ vui chơi và hào hứng khi đến trường.  

Các em cần đi ngủ sớm, cần có thời gian xem phim thiếu nhi hay đọc truyện phù hợp với từng lứa tuổi. Quan trọng là các em cần có cuộc sống khỏe mạnh, hồn nhiên, thanh thản, vui vẻ. Đó chính là hạnh phúc của tuổi thơ.

GS đã từng đi nhiều nước, vậy GS có đánh giá, so sánh gì về môi trường học tập Việt Nam so với các nước đó?

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Học sinh nhiều nước tôi thấy rất vui khi được đến trường. Tại Đức tôi thấy học sinh Tiểu học được học nhạc, học vẽ, học đánh bóng, học đi xe đạp… Làm gì mà các cháu không hào hứng khi được đến trường? 

Tôi được đọc một bài thi được giải cao tại Australia của một học sinh gốc Việt.

Em ấy đã kể lại chuyến về thăm Việt Nam và được bố mẹ cho tiếp xúc với nhiều với học sinh trong nước. Em ấy viết rất cảm động về những điều cảm thấy còn thua kém các em trong nước, nhưng có hai điều thấy rất thương các bạn ấy. Đó là không bao giờ được tranh luận với thầy cô và sân trường…không một cọng cỏ (lấy gì vui chơi giữa các tiết học). Chúng ta có băn khoăn về hai điều này hay không và cũng có gì quá khó để không khắc phục được nhỉ?. 

Theo GS, nên  xử lí việc giao bài tập về nhà cho học sinh tuổi học như thế  nào?

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Tôi thấy không nên cấm, mà tôi với tư cách nhà quản lý giáo dục sẽ tự đến tìm hiểu những mô hình tốt có sẵn ngay trong nước (như trường Olympia ở Hà Nội) , kết hợp với việc tham khảo kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tiến bộ. Từ đó cùng tập thể đề ra được những giải pháp thiết thực và thích hợp để đổi mới sự nghiệp Giáo dục ngay từ bậc Tiểu học.

Bích Thảo (thực hiện)