GS Nguyễn Minh Thuyết: Cần tôn trọng quyền được chơi của trẻ

29/03/2012 09:02
Bích Thảo
(GDVN) - Ngay từ năm học 2004 – 2005 Bộ GD ĐT đã nghiêm cấm việc giao bài tập về nhà cho học sinh lớp 1,2,3 và lớp 4,5 học bán trú. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết học sinh tiểu học đều nặng trĩu gánh nặng bài vở về nhà. GS Nguyễn Minh Thuyết đã có trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam về việc có nên giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học hay không.
Không hiểu trên lớp thầy cô dạy cái gì

Nghe nói học sinh các lớp1,2,3 và lớp 4,5 học bán trú phải làm bài tập về nhà, GS Nguyễn Minh Thuyết rất ngạc nhiên, vì từ lâu Bộ GD ĐT đã có yêu cầu không được giao bài tập về nhà với học sinh các lớp này.

Trong trường hợp học sinh lớp 4,5 cần chuẩn bị quan sát ở nhà để làm một số bài tập làm văn như miêu tả con mèo, cây chuối… thì các em có thể quan sát trước ở nhà và chỉ cần thể hiện kết quả bằng cách gạch đầu dòng ghi một số ý đơn giản. Còn học sinh các lớp đầu cấp không cần làm việc gì ở nhà hết.

GS Nguyễn Minh Thuyết
GS Nguyễn Minh Thuyết



Các em còn học cả đời, chữ viết ban đầu có xấu một chút, làm toán có thể sai một chút cũng còn nhiều cơ hội để rèn luyện tiếp. Trái cây còn bé tí mà đã ép nó chín thì làm sao có trái to được? Thầy cô cần chú ý là sách hướng dẫn giáo viên các lớp 1, 2, 3 không bao giờ yêu cầu giao bài tập về nhà cho học sinh. 
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết: “Với lượng kiến thức trong sách giáo khoa mà Bộ quy định thì chỉ cần sử dụng thời gian học trên lớp là đã đủ chứ không cần phải giao bài tập về nhà, nhất là học sinh học bán trú. Nếu thầy cô nào giao bài tập về nhà thì tôi quả là không hiểu trên lớp họ dạy những gì.”

Lí giải về việc dù có lệnh cấm nhưng thầy cô vẫn "lách luật”, GS Thuyết phân tích: Có trường hợp vì lo cho thành tích của bản thân, của lớp mà thầy cô đặt yêu cầu  cao đối với học trò của mình, liên tục giao bài tập nâng cao cho học sinh cả trên lớp lẫn ở nhà. Có trường hợp nhà trường hưởng hoa hồng từ sách tham khảo nên yêu cầu học sinh mua sách rồi dạy trên lớp hoặc giao bài tập về nhà theo những sách này. Dạy như vậy rất tai hại vì những sách ấy chưa hề qua bất kỳ một hội đồng thẩm định nào. 

Cũng có trường hợp cha mẹ học sinh muốn con cái mình học giỏi, học vượt chương trình nên đề nghị giáo viên giao nhiều bài tập về nhà cho con. Nếu thầy cô thực hiện đúng quy định thì sẽ phải giải thích cho phụ huynh biết rằng việc yêu cầu giao bài tập về nhà cho học sinh các lớp 1, 2, 3 và lớp 4, 5 bán trú là không cần thiết, không sát với yêu cầu, tạo áp lực nặng nề cho trẻ, trái quy định của Bộ GD ĐT.

Theo GS Thuyết, sở dĩ có việc nhiều bậc cha mẹ ép con học quá nhiều là do học trò đang phải chạy đua trong những cuộc cạnh tranh gay gắt để có một chỗ học tốt nhất, thầy dạy giỏi nhất ở cấp học tiếp theo. Trước khi vào mầm non, nhiều em đã phải miệt mài học thêm hết trung tâm này đến thầy kia để hi vọng vào lớp chọn. 

Con vào tiểu học rồi, nhiều bậc cha mẹ tối tối còn kèm con học trước chương trình với hi vọng khi đến lớp, con đã có kiến thức và giải được hết bài tập từ ở nhà sẽ đạt điểm cao. Dạy trẻ như thế là rất tai hại vì nó khiến trẻ chủ quan, lười động não khi đến lớp, hoàn toàn trái với phương pháp dạy học mới.

Học các môn học ở trường cũng giống như học bơi vậy. Nếu người lớn cứ mãi đỡ lấy đứa trẻ thì sao chúng có thể biết bơi được?

Cần tôn trọng quyền được chơi của trẻ

Hoạt động học tập của trẻ rất đa dạng. Trẻ có thể tiếp thu được kiến thức và hình thành, phát triển được kĩ năng từ nhiều nguồn khác nhau chứ không hẳn chỉ từ việc học và làm bài tập. Ngay các trò chơi tập thể như "mèo đuổi chuột", "bịt mắt bắt dê", "đánh trận giả", "bán hàng",… bên cạnh tác dụng giải lao, thư giãn đầu óc, còn giúp trẻ rèn luyện tư duy, năng lực giao tiếp, tổ chức và hợp tác trong hoạt động tập thể. Do đó, người lớn cần phải tôn trọng quyền được chơi của trẻ, đừng tước đi niềm vui cũng như tuổi thơ của con nhỏ. – GS Thuyết chia sẻ.

Đừng ép học sinh học quá nhiều
Đừng ép học sinh học quá nhiều


Tuy nhiên, muốn trẻ chơi thì cần phải có không gian chơi lành mạnh, an toàn cho trẻ. Hiện nay ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang thiếu trầm trọng những khu vui chơi dành cho trẻ em. Đó cũng là một hạn chế lớn đối với trẻ và là trách nhiệm chung của cả cộng đồng.

Các em ngoài sân chơi hạn hẹp trên trường về nhà ra ngõ là gặp ô tô, ra công viên thì gặp nghiện hút và những gã sở khanh thì làm sao có thể vui chơi một cách lành mạnh, vui vẻ thoải mái được?

Về phía ngành giáo dục, để tạo điều kiện cho trẻ học thông qua các trò chơi, các hoạt động, thì cần sắp xếp chương trình hợp lý hơn, dành quyền chủ động hơn cho thầy cô và nhiều thời gian hơn cho các hoạt động này. Thay bằng những giờ dạy kín mít trên lớp, thầy cô có thể cho các em chơi một trò chơi, hay nghe kể chuyện, xem một bộ phim, đi tham quan,… để từ đó các em có thể tiếp nhận được những thông tin hữu ích, sinh động. 

Thay vì ép trẻ hoàn thành hàng đống bài tập về nhà, thầy cô và cha mẹ cần lắng nghe xem con trẻ cần gì, thích gì, khả năng đến đâu để hạn chế gây áp lực cho trẻ, giúp trẻ phát huy đươc năng lực của bản thân. Có như vậy giáo dục mới đem lại hiệu quả cao.” – GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ thêm.
Bích Thảo