Gs Nguyễn Minh Thuyết và 4 mối quan hệ của ngành Giáo dục

19/01/2012 07:29
Gs Nguyễn Minh Thuyết - PGS.TS Hoàng Hòa Bình
(GDVN) - Theo Gs Nguyễn Minh Thuyết, Giáo dục tuy đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng vẫn còn 4 mối quan hệ cần được xử lý thấu đáo trong thời gian tới.

Từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới đến nay, giáo dục (GD) nước ta tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Quy mô GD không ngừng tăng, về cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho GD ngày càng tăng, đồng thời xã hội hoá GD được đẩy mạnh, góp phần khắc phục những hạn chế về nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho GD, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của nhân dân.

Nội dung và phương pháp dạy học, công tác quản lý GD, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên và xây dựng cơ sở vật chất trường học đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu phát huy hiệu quả đối với sự nghiệp phát triển GD.

Đội ngũ nhân lực do nhà trường Việt Nam đào tạo ra đã góp phần chủ yếu thực hiện thành công đường lối Đổi mới của Đảng, đưa đất nước vượt ra khỏi tình trạng nước nghèo.

Tuy nhiên, GD vẫn bị coi là lĩnh vực chưa thành công trong sự nghiệp Đổi mới. Những hạn chế căn bản của GD thể hiện ở việc giải quyết chưa thành công 4 mối quan hệ sau đây và đó cũng là những vấn đề cần được xử lý thấu đáo trong thời gian tới:

Một là, quan hệ giữa những kỳ vọng về sứ mạng của GD với điều kiện thực tế của đất nước.

Ở ngành Giáo dục có sự lẫn lộn kỳ vọng (cái chủ quan) với mục tiêu (cái khách quan)
Ở ngành Giáo dục có sự lẫn lộn kỳ vọng (cái chủ quan) với mục tiêu (cái khách quan)

Với mong muốn cải thiện tình hình, nhanh chóng khắc phục khoảng cách tụt hậu so với các nước đi trước, Việt Nam chủ trương “đi tắt đón đầu” và đặt rất nhiều kỳ vọng vào GD. Nhưng cũng như những cố gắng trong lĩnh vực kinh tế thúc đẩy tăng trưởng GDP bằng giải pháp tăng vốn đầu tư, Việt Nam dường như đã chọn con đường nâng cao thứ hạng của GD và cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế bằng phát triển quy mô đào tạo, vì tỷ lệ người đi học và số năm học bình quân của công dân là những chỉ số rất quan trọng trong xếp hạng.

Giải pháp này phù hợp với mục tiêu tạo cơ hội cho mọi công dân được học tập theo nguyện vọng của mình nhưng do không tương xứng với năng lực thực hiện nên không thể triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp học và đối với những cấp học quy mô phát triển nhanh thì chất lượng nguồn nhân lực đào tạo ra không đáp ứng được yêu cầu xã hội, vì vậy quy mô càng phát triển nhanh càng lãng phí nguồn lực.

Chúng ta cũng đang hướng theo những chỉ tiêu chưa phù hợp với hoàn cảnh đất nước như đào tạo 20.000 tiến sĩ, có trường đại học (ĐH) lọt vào tốp 100 của châu Á, 200 của thế giới v.v…

Kỳ vọng về sứ mạng của giáo dục còn thể hiện ở việc xây dựng hệ thống giáo dục phổ thông kéo dài tới 12 năm với 14 môn học và hoạt động giáo dục ở tiểu học, 17 môn học và hoạt động giáo dục ở trung học và rất nhiều nội dung giáo dục thường xuyên được bổ sung vào chương trình như giáo dục về an toàn giao thông, giáo dục phòng chống tham nhũng, giáo dục phòng chống HIV, giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng sống v.v…, khiến cho chương trình càng thêm nặng nề.

GS.NGND Nguyễn Ngọc Lanh nhận xét rằng ở đây có sự lẫn lộn kỳ vọng (cái chủ quan) với mục tiêu (cái khách quan); “nước nghèo thường sốt ruột, dễ đưa ra những mục tiêu hoành tráng, xuất phát từ những triết lý cao siêu nhưng mơ hồ”.

Hai là, quan hệ giữa GD với thị trường lao động và xã hội nói chung.

61% sinh viên ra trường phải đào tạo lại

61% sinh viên ra trường phải đào tạo lại

Sự gắn bó giữa GD với xã hội từ lâu đã được coi là nguyên lý GD ở nước ta. Nhưng trên thực tế, chương trình từ phổ thông tới ĐH vẫn chưa tạo ra được năng lực thực hành cho người học.

Tình trạng học sinh “học xong cấp 2 (9 năm) mà không hiểu mét vuông là gì, không đo được diện tích căn buồng đang sống, không chỉ ra được vị trí cơn bão trên bản đồ (cho biết tọa độ địa lý), không vạch được hướng di chuyển của nó (ví dụ, hướng tây - tây bắc)…” mà tác giả Nguyễn Ngọc Lanh nêu lên trong bài viết của mình là rất phổ biến.

Trong chương trình ngữ văn, tuyệt đại bộ phận tác phẩm văn chương được dạy tuy có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật nhưng đều  thuộc về quá khứ, khá xa lạ với cách cảm cách nghĩ của các em, trong khi những tác phẩm đương đại phản ảnh những gì các em tiếp xúc hằng ngày lại không được dạy. Số môn học nhiều, nội dung học nặng, thời khoá biểu rất khít khao về mặt thời gian khiến học sinh không có cơ hội tham quan, dã ngoại hoặc thực hành trong đời sống.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, ngành giáo dục đã có chủ trương phân luồng học sinh sau trung học cơ sở để một số học lên trung học phổ thông, còn số khác học trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề. Nhưng cũng chính ngành giáo dục tham mưu cho Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố mở ra nhiều trường trung học phổ thông ngoài công lập để đón số học sinh không đỗ trường công lập vào học.

Sau trung học phổ thông, ngành giáo dục lại một lần nữa tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ thành lập hàng loạt trường đại học dẫn đến việc tuyển sinh theo kiểu vơ bèo, gạt tép với điểm tuyển đầu vào rất thấp. Học xong đại học, đa phần những sinh viên này không tìm được việc làm.

Như vậy, không chỉ chủ trương phân luồng không thực hiện được mà bản thân các em cũng lãng phí 7 năm học, bỏ lỡ cơ hội tham gia lao động tự nuôi sống bản thân ít ra là 5 năm, chưa kể gia đình các em còn tốn kém không ít tiền bạc nuôi con ăn học thêm 7 năm trời.

Mô hình phân ban ở THPT chỉ phục vụ cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, cao đẳng (CĐ) mà không gắn với thị trường lao động. So sánh với cách phân ban của một số nước châu Âu càng thấy rõ điều này. Cấp trung học phổ thông ở các nước này được tổ chức theo 3 ban, một ban học 6 năm mới có bằng trung học nhằm đào tạo những học sinh sau này có thể vào đại học, một ban học 5 năm dành cho những học sinh sau này vào học các trường cao đẳng kỹ thuật, và chương trình còn lại thực hiện trong 4 năm nhằm đào tạo công nhân.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, bậc đào tạo kỹ sư thực hành và công nhân thường có sự liên kết giữa nhà nước và doanh nghiệp theo tỷ lệ doanh nghiệp bỏ ra 70%, nhà nước 30% tổng chi phí đào tạo. Trong quá trình đào tạo, học sinh có 70% thời gian học tại doanh nghiệp, 30% tại trường. Thời gian học tại doanh nghiệp, học sinh được tiếp cận với toàn bộ thiết bị, công nghệ mới, quy trình làm việc bình thường, có như vậy sau khi tốt nghiệp nguồn nhân lực này mới đáp ứng được yêu cầu.

Ở nước ta, sự liên kết giữa các trường, từ trung cấp tới ĐH, với đơn vị sử dụng lao động rất lỏng lẻo. Chính sự xa rời thực tiễn, sự thiếu gắn bó với thị trường lao động là một nguyên nhân quan trọng hạn chế chất lượng GD, đồng thời gây lãng phí thời gian và nguồn lực, trong khi chính nguồn lực dành cho GD còn hết sức hạn chế.

Một trong những giải pháp quan trọng gắn kết GD với cộng đồng, đồng thời khắc phục những hạn chế về năng lực tài chính công trong phát triển GD là chủ trương xã hội hoá GD. Nhưng trong suốt thời gian qua, xã hội hoá chỉ được triển khai theo hướng lập chế độ học phí để người dân chia sẻ gánh nặng cùng Nhà nước nhằm duy trì hoạt động GD và thu hút vốn từ các nhà đầu tư để mở trường.

Hai nội dung quan trọng khác của xã hội hoá là tạo điều kiện để xã hội hưởng thụ thành quả GD (xây dựng xã hội học tập) và xã hội tham gia quản lý GD thì chưa được quan tâm. Số lớp “vừa học vừa làm” (tại chức) mở ra nhiều, người đi học đông, nhưng chất lượng thường không đảm bảo. Động cơ mở lớp, động cơ đi học phần lớn không đúng như mục đích xây dựng xã hội học tập. Chưa có cơ chế để cộng đồng dân cư thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát hoạt động của cơ sở GD ở địa phương mình.  

Ba là, quan hệ giữa các mặt tích cực và tiêu cực của cơ chế thị trường.

GD chưa phát huy được điểm mạnh của cơ chế thị trường là cạnh tranh để tạo nên chất lượng tốt, trong khi có phần lơi lỏng bàn tay điều tiết của Nhà nước. Nhà nước chưa có chính sách ưu đãi thích hợp để khuyến khích đầu tư vào những vùng khó (miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa) và những lĩnh vực thiếu hấp dẫn (giáo dục mầm non, dạy nghề) và cũng chưa có chính sách linh hoạt để điều tiết kinh phí cho những vùng, những lĩnh vực khó có khả năng thu hút đầu tư xã hội.

Các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục như lạm thu, dạy thêm học thêm tràn lan, chạy trường chạy điểm,… kéo dài đã nhiều năm, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội nhưng đến nay vẫn chưa có cách khắc phục hữu hiệu.

Các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội nhưng đến nay vẫn chưa có cách khắc phục hữu hiệu.
Các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội nhưng đến nay vẫn chưa có cách khắc phục hữu hiệu.

Bốn là, quan hệ giữa tập trung và phân cấp trong quản lý

Biểu hiện bất cập rõ nhất là cơ quan quản lý nhà nước về GD ôm đồm trong quản lý chuyên môn nhưng chỉ kiểm soát được 5% nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước chi cho GD hằng năm.

Theo Báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2008 trình Quốc hội khoá XII do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ ký, năm 2008 có 27 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không chi đủ kinh phí cho giáo dục theo số phân bổ của Chính phủ, trong đó có những thành phố lớn chỉ chi được ½ hoặc 1/3  kinh phí.

Thông tin này cũng cho thấy quyền của Sở Giáo dục và Đào tạo đối với kinh phí ngân sách phân bổ cho giáo dục địa phương rất hạn chế.

Việc cơ quan quản lý nhà nước về GD không kiểm soát được nguồn lực tài chính GD trong khi bản thân nguồn lực này rất hạn hẹp rõ ràng là ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp phát triển GD.

Gs Nguyễn Minh Thuyết - PGS.TS Hoàng Hòa Bình