PGS Văn Như Cương: Thảng thốt vì 10h đêm cháu gọi điện nhờ giải bài

29/03/2012 06:00
Thu Hòe (thực hiện)
(GDVN) - “HS tiểu học chỉ cần học và làm bài tập trên lớp là đủ, không cần đến bài tập về nhà để giỏi hơn…”, PGS.TS Văn Như Cương.
Xung quanh những quan điểm trái chiều “có nên hay không nên giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học?”, PGS. TS Văn Như Cương đã có những chia sẻ với báo Giáo dục Việt Nam về vấn đề này. Mở đầu câu chuyện với phòng viên báo Giáo dục Việt Nam, PGS. TS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh đã dẫn ra “câu chuyện quá tải bài tập về nhà” của chính những đứa cháu nội, cháu ngoại của mình. “10 giờ đêm, cháu gọi điện hỏi ông cách giải bài tập toán về nhà. Tôi đã vô cùng thảng thốt khi đã khuya như vậy cháu của mình vẫn chưa đi ngủ.

Tôi hỏi cháu: Tại sao khuya như vậy rồi cháu chưa ngủ?

Thằng bé trả lời: Cháu còn chưa làm xong bài tập về nhà. Còn nhiều bài cháu chưa làm xong lắm ông ạ! Rồi thằng bé tiếp: Ông ơi! Bài này giải thế nào ạ? Khó quá! Bố, mẹ cháu đều không giải được. Ông giảng cho cháu với! Mai cháu phải nộp cho cô rồi…”
Đã “hơn 1 lần” PGS Văn Như Cương phải nhận những cuộc điện thoại “cầu cứu” từ chính những đứa cháu của mình. Rồi đến câu chuyện của 1 phóng viên Đài truyền hình đến phỏng vấn. Phóng viên này có chia sẻ với PGS Văn Như Cương rằng: Hiện tại, cô đã có công việc ổn định để làm, thu nhập tương xứng. Thế nhưng khi nhìn lại, cô thấy mình đã thiệt thòi và mất mát nhiều thứ. Tuổi thơ, tuổi trẻ của cô không có gì. Ngoài việc lao vào học như con thiêu thân từ hồi tiểu học cho đến khi đi học ĐH, cuộc sống của cô chỉ có quanh quẩn từ nhà đến trường và sách vở… Người ta nhìn cô với cái sự thành đạt nhưng lại không biết cô đã thiệt thòi và có chút “bất hạnh”…“Trường chuyên, lớp chọn đang đào tạo ra những con gà công nghiệp. Những lớp học sinh rời trường có kiến thức tốt nhưng thiếu thốn căn bản và trầm trọng những kỹ năng giao tiếp xã hội, thể dục, thể thao, không biết tự lập và ứng xử với những mối quan hệ xã hội.

Học sinh tiểu học đang phải gồng mình gánh “gánh nặng” quá lớn về áp lực học hành. Thay vì được vui chơi, giải trí, học trong chơi, chơi trong học thì học sinh tiểu học đã bị biến thành những con mọt sách suốt ngày cắm cúi với đống sách vở…

Buồn lắm!”,
PGS Văn Như Cương nói.
PGS. TS Văn Như Cương (Ảnh Thu Hòe)
PGS. TS Văn Như Cương (Ảnh Thu Hòe)


- PV: Thưa PGS. TS Văn Như Cương. Có 1 thực tế là, học sinh tiểu học ngoài 2 ca học căng thẳng trên trường, buổi tối về nhà còn phải ‘đánh vật” và “bơi” trong 1 đống bài tập về nhà. Ông nghĩ sao về thực tế này?
PGS. TS Văn Như Cương: Tôi lấy làm lạ! Tại sao học sinh lớp 1, lớp 2 lại phải học bài đến tận 11 -12 giờ đêm? Trong khi đó quy định là không được giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học. Học sinh tiểu học học bán trú 2 buổi ở trường, chúng đã khổ sở lắm rồi, không có niềm vui gì rồi. Lẽ ra, buổi tối phải là thời điểm để chúng được thư giãn, được làm những gì mình thích như xem phim, chơi đàn, vẽ tranh… thì chúng lại phải đối diện với 1 đống bài tập về nhà. Thử hỏi, học như vậy sao không quá tải? Học sinh tiểu học làm sao chịu được cái cường độ và áp lực nặng nề đó? Học như vậy để làm gì? - PV: Theo ông, học sinh tiểu học học tập trong điều kiện căng thẳng như vậy sẽ dẫn đến những hệ lụy như thế nào?PGS. TS Văn Như Cương: Sự học là cả 1 quá trình. Với mỗi bậc học lại có những phương cách dạy và học khác nhau. Với cấp tiểu học, học sinh cần được chơi nhiều hơn. Quá trình học được ví như 1 cuộc chạy đua marathon. Người chiến thắng và về được đích sớm là người biết gìn giữ “sức bền” cho mình. Chạy nước rút ngay từ đầu tất yếu sẽ thất bại. Tuổi thơ vận lộn với việc học thì không thể nói “mỗi ngày đi học là 1 ngày vui”. Học sinh sợ bài tập đồng nghĩa với việc sợ thầy, cô giáo. Học sinh sợ thầy cô giáo đồng nghĩa với việc sợ đến trường. Và tất nhiên, chúng sẽ không còn hứng thú, thiết tha gì với việc học tập ngay từ những năm tháng đầu đời đến trường.- PV: Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến việc học sinh tiểu học phải gánh chịu những áp lực học tập quá sức như vậy?PGS. TS Văn Như Cương: Có 3 nguyên nhân. Thứ nhất, chương trình học nặng. Thứ 2, giáo viên tự đặt áp lực bài tập lên vai học sinh với suy nghĩ, chỉ có bài tập về nhà mới giúp học sinh củng cố và không rơi rụng kiến thức trên lớp. Thứ 3, do chính phụ huynh của các em học sinh. Họ bắt con học nhiều hơn để giỏi nhanh hơn. Tâm lý không yên tâm, sốt ruột muốn con phải là người xuất sắc nhất ở trường, ở lớp đã “đốt cháy” nhiều ông bố, bà mẹ…- PV: Theo PGS, cường độ học tập như thế nào thì được coi là phù hợp với sự phát triển của học sinh tiểu học hiện nay?
PGS. TS Văn Như Cương: Đối với học sinh tiểu học ở các trường bán trú hiện nay, học sinh chỉ cần học và làm hết những phần bài tập trong SGK ở trên lớp. Thế đã là quá đủ rồi. Giáo viên không cần phải giao bài tập về nhà cho các em. Lý do là học trên lớp, giáo viên đã luyện rất nhiều và kỹ cho học sinh rồi. - PV: Xin hỏi riêng PGS Văn Như Cương. Trong mấy chục năm dạy học, ông có khi nào khiến chính những học sinh của mình lầm vào hoàn cảnh “quá tải”, sợ hãi với bài tập về nhà chưa?PGS. TS Văn Như Cương: Chưa có bất cứ 1 học sinh nào phàn nàn với tôi về vấn đề này. - PV: Ông suy nghĩ gì về hiện tượng 1 bộ phận học sinh tiểu học đã phải vào viện Tâm thần để điều trị chỉ vì áp lực học hành quá căng thẳng?PGS. TS Văn Như Cương: Đó là hiện tượng xã hội đáng báo động. Người lớn là người có tội. Chúng ta đã không biết cách giáo dục cho đúng tâm sinh lý của trẻ. Là người lớn thì đừng làm khổ trẻ con!- PV: PGS có lời khuyên gì cho các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh đã và đang có con em trong độ tuổi tiểu học?PGS. TS Văn Như Cương: Thầy, cô giáo nên điều chỉnh lại cường độ dạy học của chính mình. Cần bỏ ngay cái suy nghĩ bắt buộc phải giao bài tập về nhà cho học sinh thì học sinh mới khá được. Phụ huynh phải là người hiểu con cái của mình hơn ai hết, nắm bắt được những tâm sinh lý của con. Trước những cú sốc tinh thần của con cái tuyệt đối phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân. Chúng ta không nên đòi hỏi ở con quá lớn. Những cái nằm ngoài khả năng của con đừng bắt nó làm bằng được. Không nên đay nghiến con cái trước những thất bại đầu đời của con. Con cái là tài sản quý giá nhất với mỗi người làm cha, làm mẹ.- Cám ơn những chia sẻ của PGS. TS Văn Như Cương! Chúc ông sức khỏe và có nhiều cống hiến hơn cho sự nghiệp giáo dục!
Thu Hòe (thực hiện)