PGS Văn Như Cương lý giải đầy bất ngờ về chuyện xé đề cương

13/04/2013 14:50
Đức Giang
(GDVN) - "Không thi Sử thì reo hò vì thi Sử khó kiếm điểm hơn thi Địa. Đơn giản là thế...", PGS Văn Như Cương viết trên Facebook của ông.
Sự kiện học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM) xé đề cương môn Sử ném ra sân trường vừa qua đã lần nữa gióng lên hồi chuông khẩn cấp về việc phải đối mới chương trình và cách dạy - học môn Sử hiện nay.

Nói như lời của GS Phan Huy Lê thì: "Nếu là học sinh thì tôi cũng chán môn Sử như các em. Bởi môn Sử đáng ra rất hấp dẫn lại trở thành môn học chán ngắt, SGK nặng nề, la liệt sự kiện, đưa ra những phân tích và khái quát chung chung, trừu tượng. Có thể nói, SGK bậc phổ thông hiện nay chẳng khác gì là tóm tắt sách người lớn rồi bắt trẻ con phải học. Dạy Sử và học Sử như thế thì trẻ em chán là phải".

Có thể thấy, chính những nhà giáo lão thành, có tâm huyết và kiến thức sâu rộng nhất lại là những người hiểu nhất tâm lý của học sinh, chỉ rõ được bản chất vấn đề chứ không trách các em. PGS Văn Như Cương là một người như thế. 

Thầy Văn Như Cương được nhiều thế hệ học trò yêu mến, kính trọng.
Thầy Văn Như Cương được nhiều thế hệ học trò yêu mến, kính trọng.

Viết trên trang cá nhân, ông kể một câu chuyện: "Tôi nhớ mãi câu chuyện hồi tôi học năm thứ hai ở trường ĐHSP Hà Nội. Hôm đó có hai tiết cuối của môn Đại số Cao cấp, môn học mà chúng tôi thích vì vị GS giảng rất hay, rất hấp dẫn và dễ hiểu (GS hiện đã 90 tuổi, học trò chúng tôi vừa tổ chức mừng thọ Thầy). Chúng tôi chờ dăm bảy phút rồi mà GS không đến. Cả lớp được thể nói chuyện ồn ào. Vài phút sau có cậu nào kêu to: “Thầy ốm rồi!” và thế là chúng tôi reo lên và lục tục ra về. Ra đến cổng thì tôi trông thấy GS dắt xe đạp vào trường (chắc là xe bị hỏng dọc đường). Vì các bạn về hết nên tôi cũng không dám gặp thầy và tìm cách trốn luôn… Thế rồi đến buổi giảng hôm sau của Thầy, sau khi ổn định lớp thầy nói giọng rất dí dỏm: “Tôi chỉ hơi buồn… vì biết tôi ốm mà không có bạn nào hỏi thăm tôi lấy một câu!”. Chúng tôi lặng người đi, nhiều khuôn mặt cúi xuống không dám nhìn thầy. Chúng tôi biết mình có lỗi, nhưng không phải chúng tôi ghét môn học hoặc không quan tâm tới thầy, mà chỉ quá vui vì… được nghỉ, được đi chơi..." Từ câu chuyện thời đi học, PGS Văn Như Cương rút ra: "Tôi kể chuyện này vì nghĩ tới chuyện các em học sinh trường Nguyễn Hiền xé đề cương ôn tập môn Sử và ném xướng sân trường… Theo tôi các em chả có lỗi gì ngoài việc ném giấy làm bẩn sân trường. Không thi Sử thì reo hò vì thi Sử khó kiếm điểm hơn thi Địa. Đơn giản là thế. Còn về Chương trình môn Sử, SGK môn Sử, cách dạy Sử, cách thi Sử… như thế nào thì học sinh không có lỗi"!Một số bình luận về lời của thầy Văn Như CươngHuy Hung Luong Cảm ơn giáo sư, nhưng vấn đề lý luận của giáo sư vẫn đi vào lòng người một cách dí dỏm như thế. Người ta bây giờ gì không bao giờ nghĩ tới cảm giác của người khác ra sao khi áp đặt những vấn đề mà chính người làm không nghĩ tới.
Lê Quang Lạc Câu chuyện Anh Cương kể rất đúng tâm lý học sinh lúc bấy giờ và ngay cả bây giờ. Bản thân tôi hồi nhỏ cũng nhiều lần reo hò khi biết tin thầy cô không đến lớp vì ốm. Nhưng sau đó vẫn tổ chức thăm thầy cô như thường. Việc học sinh xé đề cương ôn tập môn Sử chẳng qua là vui mừng vì thoát được một môn khó xơi mà thôi. Chẳng phải quan điểm... gì đâu!

Sky Garden Không nhiều người có thể đưa ra cái nhìn khách quan như thầy, Internet đã đưa rất nhiều vấn đề có tính tranh cãi ra 1 cách công khai, và những người không "liên quan" vẫn tìm cách "hạ thấp" những người trong cuộc, như rất nhiều vụ việc gần đây. Hy vọng những ý kiến của thầy sẽ được nhiều người biết đến.

Nguyen Hoa Binh Hồi học trường Lương Thế Vinh - lúc còn thuê địa điểm ở Đại học tổng hợp, ở tầng 4 em cũng lấy giấy viết môn Địa gấp máy bay, đốt lửa và phi xuống sân trường. Các bạn thấy " hay" bèn làm theo, kết quả là có màn máy bay cháy rợp trời. Lúc đó em bị khiển trách vì làm bẩn sân trường và gây nguy cơ dễ xảy ra hỏa hoạn chứ chẳng ai quy kết chúng em là ghét môn Địa cả.

Hằng Virgo Em thấy một vài bình luận nói học sinh bây giờ thế này thế nọ, nên cho môn sử là môn thi bắt buộc em rất bức xúc. Họ là người ngoài cuộc thì sao hiểu được. Em đã từng chịu áp lực rất nhiều vì là học sinh ban A, trong khi toán lý hóa còn dang dở thì phải lo ôn thi tốt nghiệp cho tốt. Em không ghét môn sử và cô giáo dạy sử giảng rất hay. Nhưng thật sự bắt em học thuộc lòng một quyển sách là không thể. Chính vì không nhớ được nên học sinh cứ dùng phao, cứ quay cóp. Biết đến bao giờ mới được gọi là "học thật thi thật". Em chỉ xin góp ý một chút. Em rất cảm ơn thầy đã đọc. Yêu thầy nhiều ạ!

Ngoc Xuan Đúng là một người thầy đáng kính, rất hiểu tâm lí học trò!!!

Duy Linh Em nhớ mãi lần đang nhẩy dây quay đôi môn thể dục thầy dậy học xong vứt cặp lao vào nhảy dây cùng bọn em! Bài viết của thầy hay quá thầy ạ!

Tuan Nozin Vẫn nhớ những lần thầy bất ngờ bước vào lớp viết lên bảng đề toán và nói ''ai giải được thầy cho 10k, không giải được cho thầy 500 đồng'', chúng em không ai giải được mà cách giải thầy viết ra luôn làm bọn học trò chúng em ngạc nhiên vì sự logic và dễ hiểu. Bao năm rồi tư duy vẫn xuất sắc như thế. Chúc thầy khỏe.
Đã ở tuổi "xưa nay hiếm" (SN 1937) nhưng PGS Văn Như Cương rất hay lên Facebook. Có lẽ đó là cách để ông - một người thầy và một hiệu trưởng (Trường THPT Lương Thế Vinh) - "sống trẻ" như chính các học trò của mình, để hiểu tâm lý và nguyện vọng của học trò. Đặt mình vào người khác để thấu hiểu, bản thân cách sống và làm việc đó cũng đã là một bài học rất lớn ông dành cho các thế hệ hậu bối. 
Đức Giang