PGS. Văn Như Cương từng bị nữ sinh gọi là… ông giáo ác

15/08/2012 06:00
Thu Hòe
(GDVN) - Tiết của tôi, anh chàng lăn ra ngủ hồn nhiên lắm! Điệu bộ ngủ gật gù, cái mồm thì há hốc và bắt đầu “kéo gỗ” khiến cả lớp không ai tập trung học bài được. Lúc đó, tôi cũng không có ý tưởng gì đặc biệt mà chỉ muốn đánh thức cậu sinh viên ấy dậy. Tôi dùng viên phấn cầm trên tay tung một cái và viên phấn lọt thỏm vào miệng của cậu sinh viên.
LTS: Chia sẻ với Báo Giáo dục Việt Nam xung quanh phương pháp giáo dục bằng roi vọt, PGS. Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT DL Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã kể lại những kỷ niệm dạy học trong cuộc đời làm thầy của mình.Cậu sinh viên “kéo gỗ” trong giờ học… “20 tuổi, tôi đi giảng ở ĐH Sư Phạm Hà Nội. Sinh viên sư phạm vốn rất chuẩn mực nhất là ở vào cái thời chúng tôi hồi đó. Hầu như không có những trường hợp sinh viên cá biệt đến mức bị đuổi học hoặc gây ra những sự việc chấn động dư luận như bây giờ. Có một kỉ niệm khiến tôi nhớ mãi bởi đó là lần đầu tiên tôi ứng xử với học trò một cách bất thường nhất. Một nam sinh viên chuyên “kéo gỗ” trong giờ học. Tiết của tôi, anh chàng lăn ra ngủ hồn nhiên lắm! Điệu bộ ngủ gật gù, cái mồm thì há hốc và bắt đầu “kéo gỗ” khiến cả lớp không ai tập trung học bài được. Lúc đó, tôi cũng không có ý tưởng gì đặc biệt mà chỉ muốn đánh thức cậu sinh viên ấy dậy. Tôi dùng viên phấn cầm trên tay tung một cái và viên phấn lọt thỏm vào miệng của cậu sinh viên. Anh chàng giật mình, choàng tỉnh giấc, lớ ngớ không biết chuyện gì đang xảy ra trong khi cả lớp đang cười ngặt nghẽo.
PGS. Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT DL Lương Thế Vinh (Hà Nội)
PGS. Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT DL Lương Thế Vinh (Hà Nội)
Sau buổi học ấy, cậu sinh viên này không bao giờ dám ngủ trong giờ học nữa. Bẵng đi một thời gian dài, năm đó, tôi đang làm nghiên cứu sinh bên Nga và tình cờ gặp lại cậu học trò “kéo gỗ” năm xưa. Cậu ấy cũng sang Nga làm nghiên cứu sinh. Thầy trò gặp lại nhau trò chuyện vui vẻ. Cậu học trò nói rằng, đó là kỷ niệm không thể nào quên được vì sau lần đó không bao giờ cậu dám ngủ trong giờ học. Đó cũng là lần cậu thấy xấu hổ nhất…Tôi từng bị gọi là một ông giáo ác
Năm 22 tuổi, tôi chuyển công tác về giảng dạy ở Trường ĐH Vinh. Lớp tôi được phân công giảng dạy, sinh viên trẻ nhất cũng hơn thầy giáo 1 tuổi. Ra chơi, chúng tôi vẫn xưng hô anh em rất thân mật, thầy trò chỉ là khi vào giờ giảng. Có một kỉ niệm khiến tôi ấn tượng mãi. Hôm đó trời hơi se lạnh, tôi diện một chiếc áo vest đi giảng. Lớp học tôi đến giảng là lớp đang có người yêu (nay là vợ tôi) theo học. Mỗi lần lên lớp, tôi vẫn thường bị những nữ sinh học cùng người yêu trêu chọc. Họ biết chuyện tình cảm của hai chúng tôi. Trời chỉ se lạnh thôi, nhưng thấy tôi diện một chiếc áo vest nên một nữ sinh trong lớp đã tìm cách trêu chọc. Cô nữ sinh này bỗng dưng xuýt xoa kêu rét quá, rét quá! Biết mình đang bị trêu chọc, tôi gọi nữ sinh ấy đứng dậy và cho phép về nhà lấy áo rét mặc. Buổi học kết thúc, cô bạn gái của tôi nói rằng: “Bạn bè em nói anh là một ông giáo “ác” nhưng dí dỏm và đáng yêu…”.
Câu chuyện về hai cái ghế
Khi mở trường Lương Thế Vinh, tôi bắt đầu tiếp xúc và bước vào thế giới của các em học sinh THCS, THPT. Hầu hết các em thi tuyển vào Lương Thế Vinh đều là những học sinh ngoan, đáng mến nhưng vẫn có những trường hợp học sinh rất đặc biệt với những tâm lí đặc thù của lứa tuổi. Đó là câu chuyện một ông thiếu tướng dẫn con đến gặp tôi xin cho con vào trường. Trong văn phòng lúc ấy có hai cái ghế dành cho khách. Sau vài lời chào hỏi, tôi chưa kịp mời hai cha con ngồi thì cậu học sinh ấy đã kéo ghế ngồi xuống yên vị trước sự chứng kiến của bố và thầy giáo. Tôi rất không hài lòng và đã yêu cầu cậu học sinh ấy đứng dậy. Tôi phân tích cho cậu học sinh hiểu rằng, hành động ấy của em đối với bố của mình, thầy giáo của mình là sự thiếu tôn trọng và không có sự lễ phép tối thiểu. Trong cả buổi nói chuyện tôi đã yêu cầu cậu học sinh đó đứng nghe nói chuyện. Xét thấy những điều kiện về đạo đức và học lực, học sinh này đều không đạt yêu cầu nên tôi đã không nhận vào trường. Gần đây nhất là trường hợp một học sinh nam năm nay lên lớp 12. Học sinh này trước nay vẫn hoàn toàn bình thường, chăm ngoan, học khá. Thế nhưng, hè vừa rồi thức xem Euro quá nhiều đã khiến cậu thay đổi tính nết. Cậu học sinh này chỉ ngồi lì trong phòng nhất định không chịu đi học với rất nhiều lí do được đưa ra. Sau khi tôi biết chuyện, tôi đã ân cần hỏi thăm và khuyên gia đình nên đưa cháu đi khám bác sỹ tâm lí. Tôi cũng nhắc nhở các thầy cô giáo làm công tác chủ nhiệm lớp nên sâu sát hơn với từng thay đổi của học sinh. Đối với học sinh cá biệt phải có những ứng xử cực kì thận trọng và cầu thị. Chúng ta phải tìm ra đúng nguyên nhân. Một đứa bé bình thường nhưng lại có những biểu hiện bất bình thường đều có nguyên nhân của nó. Mỗi học sinh là một cá thể độc lập, chúng ta không có bất cứ một “mẫu số chung” nào về cách giáo dục những học sinh cá biệt.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Chùm ảnh nóng: Nữ sinh Cao Bằng đánh nhau... tóe máu đầu

Những người nổi tiếng từng trượt đại học (P3)

Chùm ảnh: Xem “Thiên tài sống” trình diễn Robot 

Clip: Phụ huynh bức xúc vì con điểm cao mà vẫn trượt ĐH Y Dược TP.HCM

Học sinh ở Trung Quốc bị đánh dã man như thời Trung cổ

Clip: Sinh viên hò reo vì diễn viên Robot nhào lộn như người thật

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Thu Hòe