Vì đâu học sinh thiếu đạo đức và vi phạm pháp luật nhiều?

01/12/2011 09:35
Xuân Trung
(GDVN) - “Lứa tuổi này các em có cảm nhận mình là người lớn, muốn được suy nghĩ và làm việc như người lớn, từ đó có nhiều hành động mạo hiểm”.
TS Nguyễn Thị Hoa- Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tâm lý học (Viện tâm lý học) chia sẻ tại Hội thảo thực trạng vi phạm pháp luật và đạo đức trong học  sinh thủ đô được tổ chức sáng ngày 30/11 tại trường THPT Chu Văn An.

Tâm lý muốn được cảm nhận là người lớn

TS Tâm lý Nguyễn thị Hoa cho rằng, vấn đề  học sinh  vi phạm pháp luật và đạo đức ở  thủ đô có phần tăng do nhiều nguyên nhân. Theo  phân tích của TS Hoa, học sinh ở độ tuổi này (độ tuổi THPT) đã trải qua giai đoạn dậy thì, về cơ bản giống như người lớn. Tuy nhiên, cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng. Về tâm lý các em muốn cảm nhận mình là người lớn, được suy nghĩ và làm việc như người lớn. Từ những suy nghĩ đó nên bột phát có những hành vi mạo hiểm như đua xe máy.

Hơn nữa, theo TS Hoa: “Ở độ tuổi này các em muốn được người khác có cái nhìn “người lớn” về mình, nhất là bố mẹ, anh chị trong gia đình. Nhưng bố mẹ thì suy nghĩ ngược lại. Do vậy thường có những mâu thuẫn và hành vi chống đối như bỏ nhà ra đi. Hiện tượng này có xu hướng tăng  ở độ tuổi từ 12-16 tuổi” TS Hoa cho biết.
Lứa tuổi học sinh cần phải được quan tâm và tạo điều kiện cho các em được nói ra những suy nghĩ của mình, giúp các em tự chủ và nâng cao trách nhiệm với gia đình và xã hội. Ảnh Xuân Trung
Lứa tuổi học sinh cần phải được quan tâm và tạo điều kiện cho các em được nói ra những suy nghĩ của mình, giúp các em tự chủ và nâng cao trách nhiệm với gia đình và xã hội. Ảnh Xuân Trung
Nguyên nhân nữa khiến tâm lý của thiếu niên ở lứa tuổi này  thường có  những việc làm quá với lứa tuổi  đó là sự cảm nhận rõ ràng về sinh lý khác giới của mình. TS Hoa cũng chỉ rõ, tâm lý đó cũng có những biểu hiện tốt và xấu, như việc đua xe máy  mà phía sau chở bạn gái thì vô cùng nguy hiểm. 
Việc đưa ra những biểu hiện về tâm lý ở lứa tuổi này  với mong muốn các bậc cha mẹ có cái nhìn thực tế hơn khi chăm sóc con cái của mình, TS Hoa lấy  ví dụ thực tế: “Hiện nay độ tuổi mới lớn ở học sinh thường thích tò mò, thích khám phá do vậy các em thường bị lừa và “khám phá” trong nhà nghỉ, khách  sạn để cảm nhận cuộc sống như người lớn, các em nghĩ rằng người lớn làm được thì mình cũng làm được. Từ đó dẫn đến nhiều hành vi sai trái” TS Hoa thẳng thắn cho biết. 
Theo TS Tâm lý Nguyễn Thị Hoa những biểu hiện trên của học sinh cần được đánh giá một cách khách quan rồi từng  bước điều chỉnh cho phù hợp.
Ở một khía cạnh nhìn khác  đối với lứa tuổi học trò này, TSKH Đoàn Hương lại nhận định, vấn đề vi phạm pháp luật và đạo đức của học sinh ví như là một vấn đề “nhức nhối” của xã hội, vì “trẻ em hôm nay sẽ thay thế chúng ta trong tương lai”. 
TSKH Đoàn Hương cho rằng, để xảy ra nhiều trường hợp vi phạm pháp luật ở tuổi học trò cũng có phần lỗi lớn từ người lớn. Ở lứa tuổi học trò bây giờ chỉ cần 5-6 năm nữa các em sẽ bước vào một xã hội, 15 năm nữa các em có thể trở thành những người lãnh đạo đất nước.
“Chúng ta đừng nhìn nhận trẻ em là trẻ em nữa mà các em sẽ là những  người chủ trong tương lai. Các em cũng đừng coi mình là trẻ con nữa, phải lớn lên vì các em phải gánh vác vận mệnh của đất nước. Lớp  trẻ cũng phải tự định hướng được hành động và suy nghĩ của mình, nếu không như con tàu đi mà không có la bàn” TSKH Đoàn Hương nhắn nhủ lớp trẻ hiện nay. 

Văn hóa… lùn sẽ không làm được gì

Vấn đề  vi phạm pháp luật và đạo đức của học sinh tuy là một hiện tượng của xã hội nhưng TSKH Đoàn Hương nhìn nhận một cách “khiêm tốn” rằng, phần lớn tỉ lệ học sinh hư vẫn rất ít, hiện tượng xấu không phải là tất cả. 

Theo TSKH Đoàn Hương, chúng ta đang quá lo cho đất nước phát triển nhưng lại quên mất vấn đề mà cả thế giới đang lo lắng, đó là văn hóa của thế hệ trẻ chúng ta. “Tôi nói đơn  giản như việc chúng ta không có văn hóa, không có hiểu biết thì  đừng  ra thế giới. Mọi cách ứng xử hiện nay đều xuất phát từ văn hóa cả. Ngay như văn hóa đọc của các em rất kém, từ sự  yếu kém đó dẫn đến nhiều suy nghĩ không sâu sắc về xã hội và có những việc làm vô văn hóa” TSKH Đoàn Hương chỉ rõ.
Từ những nhận định của mình, bà Hương để nghị muốn hạn chế được hiện tượng học sinh vi phạm pháp luật cần phải nâng cao trách nhiệm tế bào gia đình, bố mẹ hãy quan tâm tới con cái hơn nữa và đừng quá quan tâm tới đồng tiền. 
PGS, TS Phạm Hồng Tung, ĐHQGHN cho rằng, trẻ em, thanh niên hư muốn tốt lên thì người lớn cũng phải gương mẫu. Ảnh Xuân Trung
PGS, TS Phạm Hồng Tung, ĐHQGHN cho rằng, trẻ em, thanh niên hư muốn tốt lên thì người lớn cũng phải gương mẫu. Ảnh Xuân Trung

Cùng với quan điểm về xã hội nhìn nhận lớp trẻ hiện nay, PGS. TS Phạm Hồng Tung (ĐH QGHN) cho biết, hiện tượng vô cảm trong xã hội ngày một nhiều dẫn đến có nhiều hành động không nhân văn. 

Ông Tung cho rằng, xuất phát từ quá trình chuyển đổi nên không thể tránh khỏi sự lệch lạc ở lớp trẻ. “Chúng ta vẫn có thể làm được lành mạnh hóa quá trình chuyển đổi. Trẻ em, thanh niên hư muốn tốt lên thì người lớn cũng phải  gương mẫu” PGS. TS Tung cho biết.
Một yếu tố khiến học sinh vướng phải áp lực và có những suy nghĩ bất cần trong quãng thời gian đầu của cuộc đời, các em đang phải tham  gia một cuộc đua từ  lớp 1 đến lớp 12 để vào đại học. Theo PGS, TS Tung đó là cuộc chạy đua không mong muốn, cuộc chạy đua đó chỉ thích hợp với những người thích đua và chúng ta sớm phải chấm dứt nó. “Sau 12 năm học mà không thi đậu vào đại học coi như công cốc, những suy nghĩ đó khiến các em chán nản và bất cần trong cuộc sống. Điều đó rất nguy hiểm, có thể dẫn đến những hành vi phạm tội” ông Tung nhấn mạnh.
TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã  hội  học) cũng đánh giá, chính vấn đề bạo lực gia đình cũng là yếu tố chủ yếu hun đắp đến hành vi bạo lực của con cái. “Nếu trẻ em thường xuyên phải chứng kiến cảnh cha đánh chửi mẹ (hoặc ngược lại) thì bé trai dần dần hình thành nhận thức rằng: làm đàn ông có quyền đánh phụ nữ và rồi khi trở thành chồng thì có quyền đánh đập vợ, không chỉ có vậy sẽ kéo theo  quan niệm sống “kẻ nào mạnh thì kẻ đó thắng” và coi đó như một chân lý trong quan hệ xã hội” TS Trịnh Hòa Bình phân tích. 
Đại tá Nguyễn Đức Chung (Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) cho biết, tình trạng vi phạm pháp luật và phạm tội trong học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố ngày càng gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ nghiêm trọng. Theo thống kê của của các cơ quan chức năng, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn thành phố đã phát hiện, xử lý 968 đối tượng trong lứa tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường vi phạm pháp luật hình sự (riêng năm 2011 đã phát hiện, xử lý 110 đối tượng). 
Tội phạm lứa tuổi học đường còn tham gia các ổ nhóm tội phạm cướp, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản…để lấy tiền phục vụ các nhu cầu của cá nhân; gây rối trật tự công cộng, tụ tập nhau thành các băng nhóm, dùng dao, kiếm…để giải quyết các mâu thuẫn.

Trong thời gian từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 42 vụ học sinh tụ tập đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có 2 vụ giết người. Nguyên nhân có thể chỉ vì những mâu thuẫn rất nhỏ trong sinh hoạt và học tập. 
Ông Chung thông tin, các hành vi, vi phạm pháp luật và phạm tội của học sinh, sinh viên tập trung chủ yếu bao gồm các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người như giết cướp, cố ý gây thương tích,; hiếp dâm… Đáng chú ý là có nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau, lột quần áo, dùng điện thoại ghi hình rồi phát tán lên mạng gây tâm lý hoang mang, lo ngại cho phụ huynh và bức xúc trong dư luận.
Ông Chung cho rằng, học sinh có những hành vi trên nguyên nhân trước hết là từ phía gia đình bởi môi trường sống trong gia đình có tác động đầu tiên và ảnh hưởng sâu sắc tới quá trình phát triển nhân cách của các em. Bên cạnh đó, việc quản lý học sinh trong các nhà trường còn nhiều thiếu sót, tác động của xã hội và cũng do chính bản thân người vi phạm.
Xuân Trung