Hành trình về đất thiêng Quảng Trị

01/08/2012 15:09
Nguyễn Tiến Danh, ĐH Bách khoa Đà Nẵng
(GDVN)- Băng qua sự khắc nghiệt của nắng gió tháng bảy, những bước chân của tuổi trẻ đội CTXH khoa QLDA – ĐH Bách Khoa Đà Nẵng tìm về với đất thiêng Quảng Trị.

Chạy xe trên con đường mang tên Bác, chúng tôi dừng chân trước cổng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Sau khi dâng hương tại khu khánh tiết, một bác cán bộ Ban quản trang dặn cả đoàn: “Khi vào viếng mộ các liệt sĩ, các cháu hãy bước thật nhẹ và cố nén cảm xúc, đừng để mình bật khóc…”

Cả rừng cờ đỏ sao vàng, miên man những hàng mộ trắng được xếp từng khu vực theo tỉnh, thành phố, trải trên năm quả đồi. Dù đã cố lặng lẽ, bước chân thật nhẹ nhưng dòng nước mắt vẫn không sao kìm được. Trời đứng gió, chỉ có nắng là vẫn âm thầm trải xuống như tưới lửa. Biết là không đủ hương thơm để thắp cho 10.263 liệt sĩ đang nằm dưới mộ, chúng tôi đành đi về phía đầu gió để gió có thể mang chút khói hương gửi khắp không gian  mênh mông… Sau đó cả đội tỏa ra, đi về các khu mộ liệt sĩ, tự nhủ lòng mình có thể sửa sang, quét dọn được càng nhiều ngôi mộ càng tốt.

Các thành viên trong đội sửa sang, quét dọn các phần mộ liệt sĩ - Ảnh: Sơn Trương
Các thành viên trong đội sửa sang, quét dọn các phần mộ liệt sĩ - Ảnh: Sơn Trương

Địa phương nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ nhưng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn ở đất Quảng Trị nắng gió này thì khác hơn, bởi đây không chỉ là một nghĩa trang Quốc gia mà còn là nơi yên nghỉ của hàng vạn liệt sĩ trở về từ khắp các chiến trường trên cả nước. Mỗi phần mộ là một mảnh đời, hoàn cảnh khác nhau nhưng đều hội tụ một niềm tin “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!”. Họ là những người con ưu tú từ các vùng quê, ra đi khi tuổi mới mười tám đôi mươi. Ai biết rằng trong số họ có biết bao người từng mơ ước trở thành kỹ sư, bác sỹ, nhà giáo hay chỉ đơn giản là một người nông dân ngày ngày vui với ruộng cày…

Ấy thế mà 37 năm sau khi đất nước hòa bình, non sông trọn vẹn vẫn còn đó những nấm mộ im lìm với dòng chữ khắc trên bia “Liệt sĩ chưa biết tên”. Tôi nghẹn lòng dừng lại trước một phần mộ không tên, thắp nén nhang mà tay run lên bần bật giữa trưa hè…

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương mất mát vẫn còn đó, đâu dễ phai nhòa. Ký ức một thời “máu và hoa” vẫn hòa trong từng hơi thở của biết bao con người, trong từng nhịp đập của hàng triệu con tim dù cho tháng năm có vô tình trôi đi. Thế hệ trẻ chúng tôi sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình thống nhất luôn tự nhủ phải sống sao để không hổ thẹn với thế hệ cha anh đã ngã xuống.

Tôi may mắn được gặp và tiếp chuyện cùng ông Hồ Tất Ái – Trưởng ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, người đã có 14 năm gắn bó với nơi đây. Ông cho biết ban quản trang gồm 20 người, hầu hết là cựu binh. Công việc hằng ngày tại nghĩa trang không hề nhẹ nhàng chút nào nhưng với lòng biết ơn sâu sắc, họ đón các đoàn khách, chăm sóc bồn hoa cây cảnh và vệ sinh cả khu nghĩa trang rộng tới 52 ha với tất cả tấm lòng. “Hàng ngày chăm sóc từng phần mộ, đón tiếp tấm lòng tưởng nhớ liệt sĩ ở mọi miền gần xa, mọi người trong Ban Quản lý luôn cảm thấy các liệt sĩ vẫn sống bên mình”- Ông nói trong suy tư.

Giã từ nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn khi những cảm xúc vẫn còn đong đầy trong lòng mỗi người, chúng tôi rẽ qua quốc lộ 1A hướng về thành cổ Quảng Trị. Ngang qua dòng Thạch Hãn – dòng sông thắm đẫm xương máu của các liệt sĩ vô danh trong trận thành cổ năm xưa, lời thơ của cựu chiến binh Lê Bá Dương như ngân vang đâu đây: “Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”. Đã 40 năm trôi qua, nước dòng Thạch Hãn đã trong xanh  trở lại nhưng những chứng tích chiến tranh thì vẫn còn sống mãi với “dòng sông máu” năm nào.

Qua cầu Thạch Hãn, đi về phía đông nam chừng 2 km, chúng tôi dừng chân tại Thành cổ Quảng Trị. Chiều Thành Cổ giữa những ngày hè tháng 7 không ồn ào như trung tâm thị xã Quảng Trị mà lặng lẽ theo mỗi bước chân du khách. Cả khu vực 16 ha rộng mênh mông chỉ toàn cỏ. Đài tưởng niệm Thành Cổ nằm trang nghiêm trong khu di tích giữa gió mát từ dòng Thạch Hãn mang vào. Trong khu di tích không có một nấm mộ mà Đài tưởng niệm chính là nấm mộ chung cho tất cả các liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây. Cô hướng dẫn viên nghẹn ngào khi đọc đoạn thơ: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật/Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật/Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào”… Tôi chợt nhói đau ở nơi ngực, một cảm giác không thể nói thành lời. Cả một vùng di tích trong ánh chiều hoàng hôn đang chầm chậm buông vừa trang nghiêm vừa trầm lặng đến xao lòng.

Dưới chân Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị - Ảnh: Sơn Trương
Dưới chân Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị - Ảnh: Sơn Trương

Chúng tôi rời đất thiêng Quảng Trị trong niềm quyến luyến khó tả. Cuộc hạnh ngộ bất ngờ đã cho chúng tôi hiểu thêm rất nhiều so với những gì đã biết về quá khứ, giúp chúng tôi nhận ra giá trị hiện tại và sống sao cho xứng với thế hệ cha anh…

Nguyễn Tiến Danh, ĐH Bách khoa Đà Nẵng