Hiến kế cho Bộ Giao thông vận tải: Đề án thu phí "2 trong 1"

13/04/2012 12:50
Phạm Đức Vang
"Phí bảo trì đường bộ" và "Phí nội đô" hợp lý. Còn "Phí hạn chế phương tiện cá nhân" thì RẤT PHI LÝ. Tôi xin đề xuất với Bộ GTVT 2 phương án thu phí hiệu quả.

Thời gian vừa qua đã có rất nhiều ý kiến xoay quanh đề xuất thu PHÍ GIAO THÔNG của Bộ GTVT, có những ý kiến phản đối cả 3 loại phí, có nhiều ý kiến hiến kế cho Bộ GTVT...

Với quan điểm cá nhân, tôi xin khẳng định rằng: Việc thu "Phí bảo trì đường bộ" và "Phí nội đô" là hoàn toàn đúng đắn và cần được triển khai ngay. Còn "Phí hạn chế phương tiện cá nhân" thì đề nghị Bộ GTVT đừng bao giờ đưa lên bàn nghị sự vì mới chỉ nghe cái tên gọi của loại phí này ai cũng thấy rằng RẤT PHI LÝ.

Còn 2 loại phí "Bảo trì đường bộ" và "Phí nội đô", theo tôi là rất hợp lý, hợp tình. Song mức thu và cách thức thu thì cần phải nghiên cứu kỹ sao cho DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG và VĂN MINH.

Để đạt được tiêu chí đó, cá nhân tôi xin đề xuất 2 phương án thu phí:

I- PHƯƠNG ÁN 1: CHỈ THU ĐỐI VỚI CÁC LOẠI Ô TÔ

Hiện nay, theo dự kiến, "Phí bảo trì đường bộ" sẽ được thu  từ 180.000 đ/tháng với xe ô tô dưới 9 chỗ (2.160.000/năm); mức cao nhất đối với xe to nhất thu 1.440.000đ/tháng (17.280.000dd/năm). Như vậy, ở đây ta mới tính theo tải trọng, chưa tính theo dung tích xi lanh và quãng đường mà các xe tham gia lưu hành.

Thu theo tải trọng xe là đúng rồi. Nhưng cần phải tính dung tích xi lanh và tính đến việc sử dụng đường bộ nhiều hay ít. Có những chiếc xe đi 3.000-5.000km/ năm, nhưng cũng có những chiếc đi 15.000-25.000km/năm, vậy mà Bộ GTVT đề xuất thu cùng một mức là không công bằng. Do đó Bộ GTVT và Bộ Tài chính nên nghiên cứu đề xuất thu theo đồng hồ công tơ mét là chuẩn nhất và dễ làm nhất.

Với 1 chiếc xe dưới 9 chỗ, hiện tại theo phương án của Bộ GTVT thì chỉ thu chung một mức là 2.160.000 đ/năm (dù không đi cũng phải nộp). Như vậy không đảm bảo công bằng và không góp phần giảm ùn tắc.

Việc thu "Phí bảo trì đường bộ" nên thực hiện theo đề án "2 trong 1" (1 loại phí đạt hai mục đích: BẢO TRÌ ĐƯỜNG BỘ và HẠN CHẾ LƯU THÔNG); phí này chỉ áp dụng cho xe ô tô, không nên thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy.

Theo đề án này ta xây dựng đơn giá cho từng loại xe sau đó nhân với quãng đường xe lưu hành trong 1 năm (Tính theo đồng hồ công tơ mét)

Ví dụ:

1/Loại xe dưới 9 chỗ lưu hành khoảng 10.000 km/năm

Tải trọng xe

Dung tích

Đơn giá /km

Quãng đường

Thành tiền

Dưới 9 chỗ

<=1.0

400 đ

10.000 km

4.000.000 đ

Từ 1.1 đến <2.0

600 đ

10.000 km

6.000.000 đ

Từ 2.0 đến <3.0

800 đ

10.000 km

8.000.000 đ

Từ 3.0 đến <4.0

1.000 đ

10.000 km

10.000.000 đ

Từ 4.0 đến <5.0

1.200 đ

10.000 km

12.000.000 đ


2/Loại xe dưới 9 chỗ lưu hành khoảng 20.000 km/năm

Tải trọng xe

Dung tích

Đơn giá /km

Quãng đường

Thành tiền

Dưới 9 chỗ

<=1.0

400 đ

20.000 km

8.000.000 đ

Từ 1.1 đến <2.0

600 đ

20.000 km

12.000.000 đ

Từ 2.0 đến <3.0

800 đ

20.000 km

16.000.000 đ

Từ 3.0 đến <4.0

1.000 đ

20.000 km

20.000.000 đ

Từ 4.0 đến <5.0

1.200 đ

20.000 km

24.000.000 đ


Các loại xe tải trọng khác cũng sẽ tính theo bảng giá tương tự (theo đơn giá từng loại).

Nếu chúng ta thực hiện được phương án này, mặc dù lượng xe cá nhân không giảm, nhưng chắc chắn lượng xe lưu thông trên đường sẽ giảm ngay tức thì, đồng thời các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bổ sung thêm "Phí nội đô" thì nạn ùn tắc giao thông sẽ giảm ngay sau khi chúng ta triển khai thu phí.

Tất nhiên theo phương án "2 trong 1" thì lượng tiền thu về ngân sách Nhà nước sẽ không được nhiều như dự kiến của ngành giao thông, nhưng nó sẽ đảm bảo công bằng văn minh.

II- PHƯƠNG ÁN 2: THU TẤT CẢ CÁC PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI (Kể cả đường thủy, đường sắt, đường bộ, hàng không)

Hiện nay Bộ GTVT và Bộ Tài chính đang chuẩn bị thông tư hướng dẫn thu theo đầu phương tiện cơ giới đường bộ. Phương án này là không công bằng.

Không công bằng với những người tham gia giao thông đường bộ

Tại sao chỉ đường bộ mới phải bảo trì đường bộ? Vậy ai đầu tư tiền của để khai thông luồng lạch, ai hoa tiêu, chỉ dẫn cho các phương tiện giao thông thủy? Ai đầu tư tiền để xây dựng, bảo trì đường sắt, xây dựng nhà ga, sân bay... để các phương tiện của ngành đường sắt và hàng không lưu hành?

Không công bằng vì người đi ít cũng đóng phí như người đi nhiều

Như vậy, theo tôi, để đảm bảo công bằng ta nên thu phí giao thông qua giá xăng dầu. Phương án này đã có một số ý kiến cho rằng sẽ làm khó cho một số đối tượng không sử dụng xăng dầu vào mục đích giao thông. Theo tôi việc này cũng khó, nhưng không khó đến mức không làm được. Với những đối tượng này hằng năm sử dụng bao nhiêu, sử dụng vào mục đích gì cần phải kê khai có xác nhận của Chính quyền địa phương hoặc cơ quan chủ quản, làm hồ sơ gửi ngành Công thương xét duyệt để cấp phiếu mua xăng dầu hằng năm. (Chắc chắn lượng xăng dầu phục vụ cho các mục đích phi giao thông là không nhiều).

Nên thu phí giao thông qua xăng dầu
Nên thu phí giao thông qua xăng dầu


Nếu cứ mỗi lít xăng gánh thêm khoảng 3000-4000 đồng cho phí giao thông. Chắc chắn nguồn thu về ngân sách Nhà nước cũng không hề nhỏ.

Đề án thu phí qua xăng cũng đạt được 2 mục đích là "Bảo trì" và "Hạn chế". Bởi vì, khi giá xăng dầu tăng cao do gánh thêm phí giao thông, chắc chắn các chủ phương tiện cũng sẽ cân nhắc mỗi khi cho phương tiện của mình lưu hành.




Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (8/4- 14/4): Phí giao thông

Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn

Phạm Đức Vang