Liên Sơn sau cơn "bão Ết"

01/04/2012 10:27
Nguyễn Xuân Hoàng (Lớp Báo in k29a2, HV. BC&TT)
(GDVN) - Tôi tìm đến Liên Sơn (Hương Sơn, Hòa Bình), nơi trước đây người ta thường gọi là "xã ết". Tuy nhiên giờ nơi đây, một bức tranh mới đã xuất hiện.
Chỉ một “cơn bão ết” quét qua năm 2003 đã nhanh chóng biến đây trở thành một trong những nơi có số người nhiễm vi rút HIV cao nhất cả nước.
Một xã có gần 900 hộ dân, phần lớn là người Mường, chỉ có số ít là người Kinh. Thế mà có tới bốn xóm có người bị nhiễm vi rút HIV, với tổng số lên tới 38 đối tượng. Cái tên như xóm: Đá Bạc, Hóc Mã, Gò Mè, Liên Khuê, năm 2003 đã bị chấm vào “sổ thiên tào” của ngành y tế về việc phát hiện người có H. Trong đó, số lượng người bị nhiễm H nhiều nhất là Đá Bạc. Xóm chỉ vỏn vẹn 84 hộ mà có tới 29 đối tượng, trong số đó có 9 người đã tử vong. Hầu hết đều có độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi.
Trong đó có gia đình cả hai vợ chồng hoặc hai đến ba anh em trong một gia đình đều bị nhiễm H. Đáng buồn hơn cả là gia đình ông Biên và bà Thược. Họ là hai chị em ruột, căn bệnh thế kỷ đã cướp đi 4 đứa con trai của ông bà.
Tuy nhiên, theo ông Lưu Hữu Toán – Chủ tịch UBND xã Liên Sơn: “Đó là trước đây, còn giờ Liên Sơn đã xuất hiện một bức tranh mới…”.

Những huyền thoại buồn

Chuyện bắt đầu từ năm 2003, trong đợt xét tuyển nghĩa vụ bộ đội, tình cờ người ta phát hiện một thanh niên tên C. thuộc xóm Đá Bạc bị nhiễm vi rút HIV. Sau vụ việc ấy hàng loạt các trường hợp nhiễm vi rút H liên tiếp được phát hiện.

Trưởng xóm Đá Bạc Bạch Văn Viên (Ảnh: Xuân Hoàng)
Trưởng xóm Đá Bạc Bạch Văn Viên (Ảnh: Xuân Hoàng)

Khi kể lại chuyện này, ngồi tại nhà ông Bạch Văn Viên – Trưởng xóm Đá Bạc, ai nấy đều sụt sùi nhỏ lệ. Bởi họ không ngờ cái tin dữ này lại quét đến đây nhanh đến vậy. Nhất là ông Biên. Ông không thể tin và cũng không muốn tin. Bởi, chỉ trong vòng một ngày mà ông đã phải đón nhận hai lần tin dữ.
Lần đầu, cán bộ y tế xã báo rằng hai đứa con trai của ông đã bị nhiễm H. Lần hai là họ nhờ ông báo hộ cho gia đình bà Thược, chị gái ông. Bởi hai thằng cháu ruột của ông cũng bị nhiễm H luôn. Tin dữ đến với gia đình ông quá bất ngờ, dù không tin nhưng rõ ràng là sự thật. Đứng trước mặt ông, cán bộ y tế bảo xét nghiệm cả bốn đứa rồi, tuốt cả bốn đứa đều dính H. Ông không tin vì cả bốn đứa đều hiền lành. Đều không hút chích ma túy. Không chơi gái đàn điếm. Giờ, bốn đứa đều ngồi trên bàn thờ cả rồi.

Hầu như tốp đi làm ăn xa trong các năm 1998, 2000, 2002 tại các bãi vàng ở Quảng Nam, Đà Nẵng, khi trở về đều nhiễm HIV. Người chết đã đành, người sống thanh minh rằng, trong chốn rừng thiêng bị chủ vàng ép chích thuốc, nói là phòng muỗi mới bị như vậy (?)
Sau này ông Chủ tịch xã cũng phân bua với tôi: “Người ta nói thì biết vậy, chứ thật tình mình có vào đấy đâu mà biết”.

Chủ tịch UBND xã Liên Sơn Lưu Hữu Toán (ảnh: Xuân Hoàng)
Chủ tịch UBND xã Liên Sơn Lưu Hữu Toán (ảnh: Xuân Hoàng)

Tất nhiên, khi mà chuyện HIV vẫn đang là căn bệnh thế kỷ chưa có thuốc chữa, thì người dân không khỏi kỳ thị cũng là điều dễ hiểu. Bởi vậy mới có chuyện dở khóc, dở cười như: gia đình ông T. có đứa con trai nhiễm HIV đã chết lâu rồi, thế mà người ta thấy gia đình ông thì tránh như tránh tà. Ngay cả cậu con trai út khi đang học cũng phải bỏ vì bạn bè kỳ thị xa lánh. Đến tuổi lấy vợ rồi mà chẳng có cô nào dám yêu. Ông bà có hỏi, thì chỉ được lời đáp lại: “Ai mà dám lấy con nhà nhiễm H chứ”.
Lại có anh tên là H. yêu chị H. Dù biết mình bị nhiễm HIV nhưng anh vẫn cố dấu vì sợ mất người yêu. Đến một ngày tình yêu của hai người đã sâu đậm, thì cô mới nhận được lời thú thật của anh. Tuy nhiêm hai người vẫn tổ chức đám cưới. Nhiều người trách anh đã mang “án tử hình” rồi lại kéo cả người yêu vào chỗ chết. Gia đình khuyên can cô nên bỏ “chàng ết” đi lấy người khác. Cán bộ y tế cũng đến tận nhà lựa lời. Nhưng cô vẫn quyết lấy cho bằng được.
Ết thì ết cô không sợ. Rõ ràng anh ấy yêu cô, cô cũng yêu anh, ai cũng biết. Với lại họ cũng trót đã quan hệ tình dục nhiều lần trước hôn nhân rồi. Tất nhiên cô cũng không tránh khỏi con vi rút HIV.
Một cán bộ y tế xã kể, nhiều hộ có người nhiễm HIV mà mất cả bạn bè, mất anh em. Có gia đình còn cho con em mình ăn uống bằng bát đũa riêng. Thậm chí có ông bố, bà mẹ từ con và đuổi ra ngoài ở riêng để khỏi mang tiếng với xã hội là người nhà có HIV. Hàng xóm cạnh nhà cũng chẳng dám sang chơi, mà bất đắc dĩ lắm có việc mới sang thì cũng chẳng dám ngồi uống nước. Ngay cả rau quả đem bán cũng chẳng ai dám mua. Bởi người ta sợ ăn rau nhà ết có ngày... mắc ết.
Lại có cả gia đình không có người bị ết, nhưng vì mang tiếng sống trong “làng ết”, khi tổ chức đám cưới cho con, bạn bè xã khác đến chúc phúc xong rồi họ viện cớ có việc bỏ đi hết nhằm tránh ăn uống.
Sự kỳ thị ấy cũng khiến cho một cô gái mắc ết phải bỏ làng ra đi. Đó là một cô gái xinh đẹp chưa đầy ba mươi. Sau khi chồng bị chết, cô mới phát hiện ra mình đã bị dính căn bệnh thế kỷ từ chồng lây sang, thế là cô khốc rống lên. Cô gái trẻ này không muốn tin sự thật, nên còn lên tận UBND xã Liên Sơn tìm gặp các bộ y tế đòi xét nghiệm lại lần nữa, rồi cứ lăn lộn khóc lóc. Sau này trước khi rời làng ôm theo căn bệnh ết, cô tự tuyên bố rằng, cô sẽ đi trả nợ đời, cô chết thì cũng phải kéo theo mấy thằng đàn ông cùng chết... 

Và nụ cười trở đã trở lại
Ít ai có thể ngờ rằng, những ngôi làng nghèo xơ nghèo xác của xã Liên Sơn - nơi một thời bị người ta mệnh danh là “làng ết nhái” - với số lượng người bị nhiễm HIV lớn nhất tỉnh. Thậm chí có làng lớn nhất cả nước. Sự kỳ thị ghê nhất. Nơi ảm đạm và cướp đi nhiều nước mắt nhất của các ông bố bà mẹ thì giờ, điều đó ngược lại.

Minh chứng điều này ông Hồ Quốc Thảo – cán bộ chuyên trách HIV của xã, lục trong tủ ra tập tài liệu gần chục trang giấy thống kê rõ ràng, đưa tôi xem. Xóm Đá Bạc: 29 đối tượng, Liên Khuê: 5, Gò Mè: 3, Hóc Mã: 1. Kể từ năm 2003 tới nay con số 38 người nhiễm HIV toàn xã không hề tăng thêm, ngược lại giảm đi. Chỉ còn lại 26 đối tượng. Bởi, có 12 người nhiễm H đã tử vong.
Số lượng lây nhiễm từ mẹ sang con chỉ có một đối tượng duy nhất, và cháu bé đã mất khi vừa tròn 4 tháng tuổi. Trong khi đó có một trường hợp hai vợ chồng bị H ở xóm Đá Bạc, họ sinh được một cháu gái, đã hai tuổi nhưng vẫn không bị H, vì được tiếp cận với thuốc ARV theo hướng dẫn của tổ chức phòng chống HIV. 
Điều quan trọng vài năm gần đây, không còn cảnh kỳ thị, xa lánh của người dân với người nhiễm H. Mọi nghi vấn giải đáp hộ tôi bằng hình ảnh ngôi nhà bốn gian ở đầu làng. Dưới dòng chữ nhà văn hóa xóm Đá Bạc là một tấm biến mang tên: câu lạc bộ Cùng chia sẻ.
Đó là nhờ sự tuyên truyền, vận động của các cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng địa phương. Tiêu biểu như: ông Toán, ông Viên, ông Thảo... còn trực tiếp ngồi ăn uống, bắt tay, trò chuyện với người ết, để chứng minh HIV không quá sợ như người ta tưởng. Chính điều này đã làm cho sự kỳ thị của xã hội dần được xóa bỏ. Bản thân người bị nhiễm cũng cởi bỏ tâm lý tự ti, lo lắng, hoang mang.

Câu lạc bộ "Cùng chia sẻ" nơi những người nhiễm HIV được sống trong không khí vui vẻ và thân thiện với những người bình thường (ảnh: Xuân Hoàng)
Câu lạc bộ "Cùng chia sẻ" nơi những người nhiễm HIV được sống trong không khí vui vẻ và thân thiện với những người bình thường (ảnh: Xuân Hoàng)

Từ khi câu lạc bộ Cùng chia sẻ được thành lập năm 2006, nhà hội họp cũng được đầu tư 30 triệu đồng để xây dựng. Từ 3 hội viên giờ đã có trên 50, trong đó phần lớn lại không phải người nhiễm H. Nhiều cuộc họp đề ra giúp người bệnh an cư lạc nghiệp. Nhiều nguồn kinh phí của các cơ quan, tổ chức rót về.
Năm vừa rồi doanh nghiệp nước ngoài còn cho CLB vay 5000 USD. Trong số đó một nửa tiền, một nưa hiện vật như: máy vò lúa, máy bừa, máy khâu, máy in. Riêng ông Bí thư huyện cho CLB một giàn vi tính, mục đích để bà con cập nhật thông tin hiểu biết xã hội. Đặc biệt, CLB được sự giúp đỡ các cấp đã xây dựng được 4 ngôi nhà cho 4 hộ nhiễm H nghèo nhất, trung bình mỗi căn trị giá khoảng 30 triệu đồng.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Đình H. ( 39 tuổi) và chị Nguyễn Thị H. (36 tuổi). Theo như ông Bạch Văn Viên – Trưởng xóm, thì đây là đôi vợ chồng tiêu biểu nhất trong số người nhiễm HIV. Bởi họ vừa là thành viên năng nổ trong câu lạc bộ Cùng chia sẻ về việc tuyên truyền phòng chống HIV. Đồng thời họ cũng có thành tích rất tốt về làm ăn kinh tế. Đứng trước mặt tôi chị H. bảo: “Đây là lần tiếp nhà báo vui nhất. Ba, bốn lần trước nhà báo đến hỏi chuyện là tôi cứ khóc ngặt. Chỉ sợ cảnh kỳ thị, ốm đau, nghèo đói”.
Còn giờ nụ cười của gia đình chị thực sự hé nở. Bởi cách đây 5 tháng chị được vay 20 triệu đồng, và xuất được đàn lợn 700 kg, trừ chi phí đi còn được 15 triệu đồng. Số tiền này sẽ để cho chồng mua thêm chục con lợn thịt nữa để nuôi. Chị thì sử dụng chiếc máy khâu của Hội LHPN tỉnh cho để may áo thuê.
Rời nhà chị H, tôi đến nhà chị Q, chị B.H, anh Cao Văn K. Rồi đến một số gia đình thuộc các xóm: Gò Mè, Hóc Mã, Liên Khuê. Phần lớn mọi người rất ít nhắc lại chuyền buồn xưa, mà nhắc nhiều đến chuyện làm ăn, mùa màng, chuyện được vay vốn ngân hàng. Nhìn cảnh ấy tôi có cảm giác nơi đây như chưa hề có một nỗi buồn.
Nguyễn Xuân Hoàng (Lớp Báo in k29a2, HV. BC&TT)