Nhiều bất cập trong giao dịch thương mại điện tử qua biên giới

11/04/2012 17:05
Phạm Bằng Giang (31B, HV BC&TT)
(GDVN) - Nhiều băn khoăn, thắc mắc của các doanh nghiệp đã được đề cập tại Hội thảo "Các vấn đề thuế trong giao dịch thương mại điện tử qua biên giới".
Sáng 10/4, Hội thảo được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, 11A Lê Hồng Phong, Hà Nội.

Vẫn còn nhiều điểm băn khoăn
Tại hội thảo, các diễn giả đến từ Vụ Chính sách Thuế, Ban Cải cách Thuế, Vụ Công nghệ thông tin cùng đại diện một số doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử đã thẳng thắn trao đổi những vấn đề liên quan. 
Đại diện các doanh nghiệp đều bày tỏ việc sẵn sàng thực thi các nghĩa vụ thuế nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn. Bà Bùi Hằng giám đốc Maketing của Nova Ads (đối tác chính thức của Google tại Việt Nam) cho rằng, việc quy định đối tượng nộp thuế là nhà thầu nước ngoài có “cơ sở thường trú” tại Việt Nam như hiện nay là chưa rõ ràng. 

Hội trường 318 chật kín các đại biểu tham dự Hội thảo (ảnh: Bằng Giang)
Hội trường 318 chật kín các đại biểu tham dự Hội thảo (ảnh: Bằng Giang)

Các doanh nghiệp Việt Nam không phải là cơ quan thường trú của đối tác, do đó khi đề cập đến việc giảm chi phí để đóng thuế nhà thầu đều bị đối tác từ chối. Ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VinaGames bức xúc trước việc VinaGames bị ưu đãi ngược trên sân nhà, doanh nghiệp bị đối xử không công bằng, khi mà các nhà thầu nước ngoài không bị đánh thuế, còn doanh nghiệp tiến hành hoạt động giao dịch phải chịu mức thuế lên tới 10%. 
Còn theo ông Nguyễn Khánh Trình, Tổng giám đốc Công ty CleavAds (đối tác Google), các văn bản, thông tư hướng dẫn về thuế thương mại điện tử rườm rà, khó hiểu, nhiều văn bản luật có quy định trùng lặp nhau, khiến doanh nghiệp băn khoăn không biết thực hiện theo điều khoản nào, dẫn đến những sai phạm trong việc thực hiện.

Nhiều quy định chưa rõ ràng và đầy đủ

Các diễn giả tham gia hội nghị cho rằng, hạ tầng công nghệ và hạ tầng pháp lý cho thương mại điện tử tại Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng và hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển thương mại điện tử. Thông tư số 78/2008/TT-BTC ngày 15/9/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số nội dung của Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/2/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính Hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử; Thông tư số 134/2008 ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính... quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến thuế và vấn đề thuế trong thương mại điện tử. 

Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực mới mẻ, phát triển không ngừng. Do đó một số quy định pháp luật tỏ ra chưa rõ ràng, đầy đủ, còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước. Cần thiết phải bổ sung, sửa đổi các quy định Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế nhà thầu, cũng như các nội dung trong công tác quản lý thuế và kiểm tra giám sát hải quan liên quan đến giao dịch điện tử về thương mại hàng hóa dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu và nộp thuế, tránh thất thoát nguồn thu lớn như hiện nay. 

Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ”:
Cunglambao@giaoduc.net.vn

Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Đối với một số vấn đề doanh nghiệp đưa ra, ông Nguyễn Thanh Hưng, Tổng thư ký Hiệp hội thương mại Điện tử Việt Nam, cho biết, không có sự bất bình đẳng trong việc đối xử giữa các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp sản phẩm qua biên giới (như Google, FaceBook...) không trốn thuế, nghĩa vụ nộp thuế thuộc về các doanh nghiệp Việt Nam. Việc quy cho doanh nghiệp nước ngoài trốn thuế, sẽ khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài không tiếp cận thị trường Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử của nước ta.
Nhìn chung, hội thảo đã làm rõ được một số vấn đề thực tiễn gây cản trở cho việc thực thi chính sách thuế và giải đáp được một số thắc mắc của các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan chức năng có những đề xuất bổ sung, sửa đổi chính sách và pháp luật liên quan tới thương mại điện tử. 
Phạm Bằng Giang (31B, HV BC&TT)