“Sân chơi” sách của giáo sư Phạm Đức Dương

06/04/2012 10:26
Trịnh Lan, lớp Xuất bản K28, HV. BC&TT
(GDVN) - “Cũng giống như cô gái đẹp trong nhà, phải có người đến tán tỉnh, tủ sách mở ra phải có người đến đọc” - giáo sư Dương ví von.
Mọi người vẫn gọi thư viện của giáo sư Phạm Đức Dương số nhà 35, đường Kim Mã Thượng, Hà Nội là “Thư viện miễn phí”, “Thư viện tự quản”, “Sân chơi của giáo sư Dương”… Ông nguyên là Viện trưởng Viện Đông Nam Á, hiện đang là Chủ tịch Hội Nghiên cứu khoa học Đông Nam Á Việt Nam.

Thư viện đọc miễn phí

Xuất phát từ suy nghĩ, sinh viên của mình thiếu nhiều sách để đọc, mình là người thầy phải làm sao truyền đạt được nhiều kiến thức đến cho sinh viên, thầy Dương đã mở thư viện ngay trong gia đình và phục vụ miễn phí. 
Tủ sách gia đình giáo sư Dương được xây dựng từ năm 1998. Ban đầu, thư viện gia đình ông có khoảng 5000 cuốn sách, chủ yếu là ông tự tay bỏ tiền ra mua, hoặc bạn bè tặng, sau này những học trò thân thiết của thầy đã mua tặng. Hiện giờ sách trong thư viện của thầy là hơn 10.000 cuốn.
Ngày ngày được sống bên tủ sách của gia đình là niềm vui của giáo sư Dương (Trịnh Thị Lan)
Ngày ngày được sống bên tủ sách của gia đình là niềm vui của giáo sư Dương (Trịnh Thị Lan)

Trong thư viện của giáo sư, chủ yếu là những cuốn sách khoa học, cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Nhiều cuốn sách là công trình nghiên cứu của giáo sư như: Từ điển Thái – Việt, Từ điển Lào – Việt, Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á, Từ văn hóa đến văn hóa học, Văn hóa Đông Nam Á… Đặc biệt, trong thư viện có 400 luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ do giáo sư trực tiếp hướng dẫn hoặc chấm điểm. 
Trong căn phòng rộng khoảng 50m2, những cuốn sách được xếp ngăn nắp trên 9 chiếc tủ. Sách còn được xếp trên nóc tủ và cả dưới nền nhà. Có những tài liệu đã cũ, giấy đã phai màu nhưng vẫn được giáo sư cất giữ cẩn thận. 
Điều đặc biệt là cổng nhà thầy Dương luôn mở cửa để đón tiếp những ai muốn đến để tìm hiểu và nghiên cứu. Những độc giả thường xuyên và quen thuộc trong thư viện của giáo sư là sinh viên và nghiên cứu sinh, hằng năm số lượng người đến đọc ước tính khoảng vài trăm lượt người. 
Chúng tôi gặp anh Hào, một học trò cũ của Giáo sư tới thăm người thầy của mình. Anh cho biết: “Thư viện của thầy Dương là một thư viện đặc biệt, bởi sinh viên đến đây không chỉ có được tài liệu để đọc mà còn được thầy trực tiếp hướng dẫn và giải đáp, nên sinh viên được gợi mở rất nhiều và rất nhiều bạn đã thành công nhờ thư viện của thầy”. 
Không gian gia đình nhà thầy Dương dường như đâu đâu cũng thấy sách (Ảnh: Trịnh Lan)
Không gian gia đình nhà thầy Dương dường như đâu đâu cũng thấy sách (Ảnh: Trịnh Lan)

Anh Hào còn chia sẻ thêm rằng, khi sinh viên đến đọc sách, thầy thường hỏi sinh viên đó học ngành gì, sau đấy thầy hướng dẫn cho các bạn nên đọc cuốn sách nào, và đọc xong bao giờ thầy cũng hỏi các bạn rút ra được nhiều điều từ cuốn sách đó không, nếu còn gì chưa hiểu thầy sẽ giải đáp. 
Thầy Dương kể, có một bạn sinh viên quê ở Sóc Trăng biết về thư viện của thầy, đã viết thư và nhờ thầy phô tô giúp bạn ba cuốn sách, bạn còn gửi tặng thầy ba cuốn sách nữa.

Trong thư viện của thầy còn có một tủ sách rất đặc biệt, đó là 75 cuốn sách Phật, trong đó có 69 cuốn kinh phật và 6 cuốn Đại từ điển quang Phật do Hội Phật giáo Đài Loan tặng thầy. 

Mô hình “tủ sách gia đình” tiêu biểu

Năm 2011, Vụ thư viện đã chính thức phát động phong trào xây dựng tủ sách gia đình nhằm nâng cao văn hoá đọc cho người dân, đặc biệt là trong từng gia đình. Tủ sách gia đình của giáo sư Dương đã được chọn là tủ sách gia đình tiêu biểu đại diện cho mô hình tủ sách gia đình ở thành thị.

Trong ngày hội gia đình được tổ chức tại trung tâm triển lãm Vân Hồ, Hà Nội ngày 25/6/2011, một số sách trong thư viện giáo sư Dương đã được trưng bày và giới thiệu tới độc giả. Bên cạnh đó là mô hình tủ sách của gia đình ông Bùi Đình Thăng ở tỉnh Hưng Yên, đại diện cho mô hình tủ sách ở nông thôn cũng được giới thiệu và trưng bày trong triển lãm. 
Năm nay, trong lễ trao giải Tủ sách gia đình tại Ngày hội sách được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 24/3 vừa qua, tủ sách gia đình giáo sư Dương đã giành giải nhất. Đây là phần thưởng xứng đáng vì những đóng góp của giáo sư Dương cho văn hoá đọc của nước ta. 
Thầy Dương kể lại, năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị tặng bằng khen cho tủ sách gia đình thầy nhưng thầy đã từ chối. Thầy cho rằng, vẫn còn có nhiều tủ sách xứng đáng được nhận bằng khen hơn. 
Những giá gỗ trong tủ sách gia đình thầy Dương luôn ngập tràn sách (Ảnh: Trịnh Lan)
Những giá gỗ trong tủ sách gia đình thầy Dương luôn ngập tràn sách (Ảnh: Trịnh Lan)


Tôi cảm nhận được ở thầy đức tính khiêm tốn, giản dị và sự cống hiến cao cả cho văn hoá đọc Việt Nam, cho thế hệ trẻ nước ta, những người mà thầy luôn mong có được nguồn tri thức để sống, để trưởng thành và công hiến. 
Trịnh Lan, lớp Xuất bản K28, HV. BC&TT