Vui buồn đám cưới quê

29/05/2012 16:30
Nguyễn Thu (Báo in K31, Học Viện Báo chí và Tuyên
(GDVN) - Có biết bao điều thú vị, đặc biệt diễn ra trong đám cưới tại các làng quê. Điển hình như một đám cưới ở xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Chọn ngày cưới

Không chỉ chú trọng đến việc chọn ngày lành tháng tốt mà ở đây, chủ nhà còn lựa chọn những ngày mọi người đã thu họach mùa màng và gieo, cấy vụ mới để mọi người cùng nhau tới dự với tâm trạng vui vẻ phấn khởi nhất, không phải bận tâm lo lắng tới việc ngoài đồng. Mặt khác, vấn đề tài chính cũng rất quan trọng, bởi đời sống của người dân nơi đây còn nghèo và khó khăn. 

Để lo được tiền mừng hỉ thì ít nhất bây giờ cũng phải 200.000 đồng, còn người quen, ruột thịt thì 500.000 đồng. Đó là là vấn đề không nhỏ đối với những người nông dân nơi đây, vì nguồn thu chính của họ là từ hoa màu. Thế nên, không chỉ có ngày cưới mà các đám ăn mừng nhà mới hay báo hỉ cũng thường lựa chọn thời điểm này để tổ chức.

Hát hò, nhảy nhót…, đầy đủ các thể loại

Buổi tối là thời điểm vui vẻ, sôi động và náo nhiệt nhất trong ngày thành hôn. Khách tham dự chủ yếu là thanh niên và đông nhất là vào tầm từ 7h đến 9h. Không chỉ có thanh niên trong làng mà còn có cả thanh niên các làng, xã khác. Họ đi theo bạn hoặc có những thanh niên đi ngang qua thấy không khí nhảy nhót náo nhiệt sôi động thì vào cho vui.

Nam, nữ thanh niên nhảy nhót sôi động trong lễ cưới
Nam, nữ  thanh niên nhảy nhót sôi động trong lễ cưới

Dưới ánh đèn xanh đỏ mập mờ cộng thêm âm thanh được bật hết công suất đến đinh tai nhức óc, đám thanh niên uốn éo, lắc lư nhảy nhót điên cuồng theo bài nhạc sàn bốc lửa chẳng khác vũ trường là mấy. Tham dự vào những điệu nhảy “không chuyên”, náo nhiệt còn có những em học sinh, thậm chí có cả trẻ nhỏ.

Sau gần 2 tiếng nhảy nhót, thanh niên ra về. Gia chủ đám cưới luôn cố gắng dành một nguồn kinh phí lớn thuê dàn loa, đài công suất lớn để ngày vui của con mình được trọn vẹn, vui vẻ, sôi động.

Ăn cỗ lấy phần
Tiệc cưới ở đây cũng giản dị, đơn giản như bao vùng quê nghèo khác. Điểm danh những món được bày trên bàn chỉ có 8 món: Canh, cơm, bánh chưng, món xào, nộm, quả tráng miệng và đáng kể, “sang” nhất là giò lụa và thịt gà. Vậy mà người đến dự tiệc chỉ dùng cơm với canh và món xào. Món nộm, giò, thịt, bánh trái họ để dành đến cuối bữa chia nhau đem về. 

Và bất kì chủ nhà đám nào cũng chuẩn bị sẵn trong mâm cỗ 6 túi nilon nhỏ cài trong đĩa hoa quả để mọi người đựng phần của mình. Trong bọc cỗ lấy phần đó cũng chẳng có nhiều, chỉ là vài miếng giò, miếng thịt gà, bánh trưng và quả quýt. Họ mang về chia cho các cụ già, cho con cho cháu ở nhà và họ cảm thấy rất vui.

Chia cỗ lấy phần cuối bữa
Chia cỗ lấy phần cuối bữa 
 

Cô Lê Thị Lụa, một người đến dự tiệc tươi cười nói: “Chuyện lấy phần không phải do đói khát như ngày xưa, chúng tôi lấy phần về chia cho con cho cháu ở nhà. Nhà đông trẻ con, bố mẹ chúng lại đi làm xa thấy các bà, các mẹ hay các bác đi ăn cỗ về chia cho miếng giò thì mừng lắm. Trẻ con mà”.

Ở đây tục lệ lấy phần đã có từ rất lâu rồi, xuất phát từ sự chắt chiu, tiết kiệm của người dân đối với những gì họ bỏ mồ hôi và nước mắt để tạo ra. Hơn ai hết những người nông dân chân chất thấu hiểu sự vất vả nhọc nhằn, khó khăn, thậm trí là sự trả giá để làm ra được hạt gạo nuôi được con gà, con lợn... Cũng chính vì vậy mọi người luôn tiết kiệm không để đồ ăn thức uống bị lãng phí, nhất là nhà đám.

Ông Lê Văn Quý, bố chú rể, cho biết: “Nhà nào tổ chức đám cưới cho con ít nhất cũng phải mổ con lợn trên một tạ, rồi hàng trăm con gà, thức ăn nếu thừa nhiều chia cho làng xóm, người làm hộ, người thân không hết được. Nếu mọi người đi ăn cỗ mà không bọc phần về thì lượng thực phẩm đó không biết tiêu thụ đi đâu, sẽ lãng phí vô cùng”.

Theo một số người dân ở đây cho biết, mấy năm trở lại đây, đám cưới không còn tổ chức rầm rộ, linh đình, mổ đến hai hoặc ba con lợn, rồi làm đến hơn trăm mâm cỗ như xưa nữa. Hiện nay để tiết kiệm, gọn nhẹ nhưng vẫn đảm bảo vui vẻ, nhà nào tổ chức cho con cũng chỉ làm từ 30 mâm đến 50 mâm. Khách mời chỉ là những người làng xóm thân mật, anh em họ hàng thân thích, ruột thịt. 

Nguyễn Thu (Báo in K31, Học Viện Báo chí và Tuyên