Bài học làm cha mẹ tuyệt vời qua chuyện Đỗ Nhật Nam

13/04/2013 07:44
Li Ly
(GDVN) - Một bạn đọc, xúc cảm chân thành và suy nghĩ sâu sắc về bé Đỗ Nhật Nam đã gửi bài viết phân tích thế nào là cha mẹ tốt. Mời bạn đọc theo dõi và thảo luận.

Tôi vốn hiếm khi mở miệng chê trẻ con, kể cả trước mặt hay sau lưng chúng. Cho nên, tôi viết bài này cũng không nhằm mục đích “ném đá” bọn trẻ.

Hôm rồi, vô tình xem được đoạn clip về em Nhật Nam. Tôi không quan tâm nhiều đến nội dung câu chuyện của em ý, vì bất kỳ cuộc phỏng vấn nào cũng có sự chuẩn bị khá kỹ càng về kịch bản trước khi bấm máy. Điều tôi quan tâm hơn chính là kỹ năng mềm của em ấy, điều mà rất nhiều các bậc cha mẹ hiện nay đang quan tâm và muốn tìm kiếm các lớp kỹ năng sống cho con mình học tập.

Vì vậy, nếu nội dung bài phát biểu của em ấy là do người lớn “viết kịch bản” thì tôi cũng vẫn thấy em ý đáng khen, mà nếu nội dung là của em ấy thì xem ra em ý lại càng tài năng hơn nữa. Sau khi xem đoạn clip ấy, tôi chốt lại một câu, một cách khách quan, không hề bị tình cảm chi phối: Tôi rất ngưỡng mộ bố mẹ em ý.

Nhật Nam (thứ hai từ phải sang) bên các độc giả nhí (Internet)
Nhật Nam (thứ hai từ phải sang) bên các độc giả nhí (Internet)

Điều gì tạo nên một đứa trẻ tích cực, vui vẻ và nhiệt tình?

Nhà tâm lý học nổi tiếng Gary Chapman đã từng khẳng định: “Bể yêu thương tràn đầy” đã làm nên những đứa trẻ tích cực, vui vẻ và nhiệt tình. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường đầy ắp yêu thương sẽ luôn có cảm giác tự hào về bản thân, tin vào bản thân và do đó có thái độ tích cực, vui vẻ trong cuộc sống.

Chỉ nhìn em Nam, tôi cũng có thể đoán được rằng em đang được nhận một tình yêu vô bờ bến từ cha mẹ và những người sống xung quanh em. Và hơn thế nữa, tôi tin rằng bố mẹ em đã thực sự biết cách bày tỏ tình yêu thương đó để em cảm nhận được một cách sâu sắc rằng em đang sống trong một “bể yêu thương tràn đầy”. Tôi cũng tin rằng, Nam không bị cha mẹ so sánh một cách tiêu cực với những đứa trẻ khác tài giỏi hơn em, mặc dù Nam không phải là đứa trẻ giỏi nhất trên đời; tôi tin rằng Nam sẽ không bị cha mẹ chỉ trích vì những điều con làm chưa tốt, mặc dù chắc chắn em không phải là một cậu bé hoàn hảo không bao giờ mắc lỗi; và tôi tin rằng, Nam không thường xuyên bị cha mẹ đánh đòn hay quát mắng mỗi khi làm điều sai… Tôi tin rằng cậu cảm nhận thấy, cậu được bố mẹ cậu tự hào và tin yêu nhất.

Sẽ có ý kiến cho rằng, đã là bố mẹ, ai chẳng yêu thương con vô bờ bến. Đúng, tôi công nhận thế! Tình yêu thương con cái thì cha mẹ nào cũng có thừa. Vấn đề là, làm cách nào để trao cho con đúng cách, để con cảm nhận được tình yêu tràn trề, vô hạn ấy? Chẳng hạn, ép con ăn no cũng là vì yêu thương con nên mới thế, dựng con dậy sớm để đi học cho đúng giờ cũng là vì yêu thương con đấy thôi…

Nhưng, con không có nhu cầu được yêu thương kiểu như thế! Nguồn gốc của vấn đề chính là ở chỗ nắm được nhu cầu tâm lý của con để yêu thương. Trẻ con cần những điều thật đơn giản, cực kỳ đơn giản, đó là được khen ngợi, được nhận những lời lẽ yêu thương, được vuốt ve âu yếm, được cha mẹ dành thời gian bên con và được cha mẹ trao đổi tất cả những đề tài của cuộc sống. Và tôi tin, bố mẹ của Nam đã và đang thể hiện tình yêu thương cho con bằng những điều giản dị ấy, một cách chân thành!

Điều gì tạo nên một đứa trẻ tự tin?

Tự tin không phải là đặc tính vốn có của con người, mà nó có được thông qua quá trình nuôi dưỡng và rèn luyện tính độc lập và khả năng tự khẳng định từ khi còn nhỏ. Tôi vẫn nhớ như in một câu khi đọc cuốn sách của Katherine Arnold: "Để làm việc gì đó đúng, trẻ phải làm cái gì đó sai". Chúng đang học hỏi, vì vậy không nên ca cẩm quá nhiều nếu chúng vô tình đập vỡ đồ đạc trong nhà. Sự tán thành, mỉm cười của cha mẹ rất cần thiết đối với việc xây dựng tính tự tin ở trẻ.

Tôi có một niềm tin rằng, sau khi xem clip của Nam, độc giả tung lên nhiều ý kiến trái chiều, dù chê bai hay khích lệ, thì em ý vẫn sẽ nhận được những ánh mắt nụ cười của cha mẹ em, những che chở và những lời góp ý chân thành nhất thay vì những than phiền, trách cứ. Những phát biểu dù sai hay đúng (theo ý kiến độc giả), chắc cũng sẽ được bố mẹ em phân tích để biến thành bài học cho em tiến bộ hơn mỗi ngày.

Trẻ con từ lúc mới sinh ra đã biết nhận thức và muốn độc lập, tự khẳng định mình. Bản thân mình thì không có khái niệm “tự tin thái quá” đối với con trẻ. Đấy là sự phát triển tự nhiên của chúng, và dù trẻ con làm sai hay đúng, thì đó chỉ là quan niệm người lớn đánh giá mà thôi, còn với chúng, những điều chúng làm luôn đúng và phù hợp với nhu cầu của lứa tuổi. Với tôi, hiểu được nhu cầu và tâm lý của bọn trẻ mới là điều quan trọng. Cho nên, với con tôi, tôi quan niệm rằng: "Nếu chưa thể nói với con điều gì đó tốt đẹp, thì tốt hơn hết là không nói gì cả!".

Giống như là một em bé tập bước lên cầu thang. Nếu nó chưa bước chân đã bị mẹ nói “không” và dọa “ngã đấy”, thì sẽ tự ý thức rằng à mình còn lâu mới đủ khả năng để lên cầu thang. Ngược lại, nếu mẹ đi kèm theo sau, cùng ánh mắt và nụ cười khích lệ, thì con sẽ tự tin leo lên cầu thang, dù có ngã thì cũng có mẹ ở bên bảo vệ, nhưng chắc chắn nó tin rằng, con đã biết leo cầu thang rồi mẹ ạ, ngày mai con sẽ lại leo, và sẽ không để cho mình bị ngã nữa.

Những thành tích, giấy khen từ các cuộc thi quốc tế cũng có thể là thành quả sau nhiều lần đã thất bại của Nam mà em luôn nhận được sự sẻ chia, động viên của bố mẹ. Đó là bằng chứng về khả năng thực sự của em, không do em tô vẽ trong cuộc phỏng vấn. Tôi tin rằng, bố mẹ em có quyền tự hào về những điều họ đã làm được cho con, đã động viên con để con tự tin mỗi ngày. Và tự tin chính là chìa khóa của thành công cho con trẻ.

Điều gì làm nên một đứa trẻ biết ước mơ?

Thực tế cũng cho thấy, người biết ước mơ, dù nhỏ bé hay to lớn thì họ đều có một điểm chung là luôn sống lạc quan, yêu đời, luôn nỗ lực không ngừng để đạt được những mục tiêu từ nhỏ đến lớn. Rõ ràng, biết ước mơ thật là quan trọng.

Tôi không ngạc nhiên khi một đứa trẻ như Nam đã có thể ước mơ trở thành giáo sư. Một đứa trẻ biết ước mơ, có vẻ như chúng hay ước mơ trở thành người giống như những người thân quen đang sống xung quanh chúng thì phải. Chẳng hạn, muốn trở thành cô giáo như cô, muốn trở thành bác sỹ như mẹ, hay làm công an như bố… Cho nên dễ hiểu thôi, phải cảm ơn người cha của Nam, là một PGS, TS giảng dạy ở trường ĐH để cho con soi vào và ước mơ sẽ trở thành một giáo sư giảng dạy ở Mỹ, rồi trở về VN để thành giáo sư tin học đầu tiên của Việt Nam làm về chuyên ngành mật mã…

Trẻ em có nhiều ước mơ, và ước mơ cũng dễ dàng thay đổi. Có thể vài năm sau, Nhật Nam sẽ có những ước mơ khác đi, đơn giản hơn hoặc “viển vông” hơn. Điều đó không quan trọng bằng bản chất của em là một đứa trẻ biết ước mơ. Quan trọng hơn nữa là bố mẹ em ý hiểu và động viên tất cả những ước mơ của con, quan tâm đến sở thích của con. Bởi chỉ có thế thì họ mới hiểu và khích lệ con mỗi ngày hướng đến những đam mê ấy. Và chắc là, họ cũng sẵn sàng tạo điều kiện cho con làm những việc liên quan đến sở thích của con, tạo điều kiện chứ không ngăn cản hay ép buộc, cho dù đó là ước mơ có thể “viển vông” đến thế nào đi chăng nữa. Rồi mỗi khi em ấy đạt được mục tiêu đề ra, chắc hẳn bố mẹ sẽ không quên động viên và kết nối thành tích đạt được với những ước mơ “viển vông” ấy. Đặc biệt, tôi tin rằng, họ là những người bạn thật sự thân thiết của con, cùng chung tay góp sức, lắng nghe, chia sẻ và giúp đỡ cho con trong suốt chặng đường, để con của họ không ngừng ước mơ.

Li Ly